Mỏi mòn với án hành chính: Nhà mặt tiền nhưng bồi thường theo giá đất nông nghiệp

18/07/2023 06:12 GMT+7

Ông Nguyễn Mạnh Tiến (69 tuổi, ngụ TP.HCM) ròng rã suốt 12 năm nay yêu cầu cơ quan chức năng bồi thường căn nhà mặt tiền theo đơn giá đất ở, chứ không phải đất nông nghiệp. Tuy nhiên, vụ việc đến nay vẫn chưa được giải quyết.

TRÊN DƯỚI ĐỀU BÁC ĐƠN KHIẾU NẠI, KHỞI KIỆN

Gia đình ông Nguyễn Mạnh Tiến có căn nhà rộng hơn 49 m2 trên đường Đỗ Xuân Hợp tại Q.9 (nay là TP.Thủ Đức), TP.HCM. Năm 2009, căn nhà này bị UBND Q.9 thu hồi để làm dự án đầu tư mở rộng Xa lộ Hà Nội. UBND Q.9 chỉ bồi thường, hỗ trợ cho hộ ông Tiến hơn 75 triệu đồng. Đến năm 2013, UBND Q.9 bồi thường bổ sung cho ông hơn 155 triệu đồng.

Không đồng ý với mức bồi thường trên, ông Tiến khiếu nại, yêu cầu bồi thường, hỗ trợ theo đơn giá đất ở mặt tiền. Tuy nhiên, năm 2014, khi giải quyết khiếu nại, Chủ tịch UBND Q.9 cho rằng ông Tiến có thời điểm xây dựng nhà năm 1998, do đó UBND Q.9 bồi thường là đất nông nghiệp và hỗ trợ 20% đất ở là đúng quy định. Từ đó, ông Tiến bị bác khiếu nại. Ông tiếp tục khiếu nại lên cấp trên là Chủ tịch UBND TP.HCM nhưng cũng bị bác đơn.

Mỏi mòn với án hành chính: Nhà mặt tiền nhưng bồi thường theo giá đất nông nghiệp - Ảnh 1.

Dù ông Nguyễn Mạnh Tiến được tòa tuyên thắng kiện, nhưng không biết khi nào bản án mới được thi hành

NGÂN NGA

Sau đó, ông Tiến khởi kiện ra TAND TP.HCM yêu cầu hủy quyết định giải quyết khiếu nại của Chủ tịch UBND TP.HCM. Đồng thời, ông yêu cầu UBND Q.9 bồi thường cho ông đơn giá đất ở mặt tiền đường Đỗ Xuân Hợp và tiền lãi suất theo khoản 2 điều 93 luật Đất đai với mức lãi suất 0,03%/ngày.

Song Chủ tịch UBND TP.HCM và Chủ tịch UBND TP.Thủ Đức đề nghị tòa bác đơn khởi kiện của ông Tiến.

Năm 2015, TAND TP.HCM xét xử sơ thẩm lần đầu, không chấp nhận đơn khởi kiện của ông Tiến. Ông kháng cáo bản án, nhưng bị TAND cấp cao tại TP.HCM xét xử phúc thẩm bác đơn kháng cáo, tuyên y án sơ thẩm.

GẦN 70 TUỔI PHẢI CHẠY XE THUÊ ĐỂ MƯU SINH, CHỜ TIỀN BỒI THƯỜNG

Ông Tiến tiếp tục kiên trì làm đơn đề nghị giám đốc thẩm. Sau đó, hai bản án trên đã bị Chánh án TAND tối cao kháng nghị giám đốc thẩm. Năm 2020, Hội đồng thẩm phán TAND tối cao xét xử giám đốc thẩm, chấp nhận kháng nghị của Chánh án tòa này, tuyên hủy cả hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm.

Cuối năm 2021, TAND TP.HCM xét xử sơ thẩm lần hai, lần này ông Tiến thắng kiện. Tòa đã chấp nhận đơn khởi kiện của ông về việc yêu cầu hủy quyết định giải quyết khiếu nại của Chủ tịch UBND TP.HCM và yêu cầu tính lãi suất theo khoản 2 điều 93 luật Đất đai.

Tòa nhận định: "Chủ tịch UBND TP.HCM bác khiếu nại và bồi thường cho ông Tiến đơn giá đất nông nghiệp là không đúng quy định. Do vậy, buộc UBND TP.Thủ Đức phải bồi thường lại cho ông Tiến theo đơn giá đất ở. Vì vậy có cơ sở chấp nhận yêu cầu tính tiền lãi suất do chậm chi trả cho ông Tiến".

Sau đó, tuy không đồng tình với phán quyết trên, nhưng UBND TP.Thủ Đức kháng cáo quá thời hạn, nên không được TAND cấp cao tại TP.HCM chấp nhận. Vì thế, bản án tuyên ông Tiến thắng kiện có hiệu lực.

Ngay sau đó, phía ông Tiến đã làm đơn yêu cầu UBND TP.Thủ Đức chấp hành phán quyết trên của tòa. Tuy nhiên, đến nay đã 18 tháng, ông vẫn chưa nhận được tiền bồi thường theo như phán quyết của tòa.

"Lúc trước, nhà tôi là mặt tiền, còn mở được cửa hàng nhỏ bán phụ kiện ĐTDĐ và bán kèm vé số. Từ khi bị thu hồi nhà đến nay, vợ chồng tôi mất đi nguồn thu nhập. Gần 70 tuổi rồi mà tôi vẫn phải chạy xe thuê cho người ta để mưu sinh. Bây giờ tôi chỉ mong UBND TP.Thủ Đức sớm trả tiền bồi thường để gia đình chúng tôi trang trải cuộc sống của tuổi già", ông Tiến bức xúc.

Không có lý do gì lại để vụ án kéo dài

Trao đổi với Thanh Niên, luật sư (LS) Lê Văn Hoan (Đoàn LS TP.HCM) phân tích, tại bản án có hiệu lực của TAND TP.HCM nhận định, theo các quyết định của UBND Q.9 về bồi thường, giải quyết khiếu nại, có liên quan trực tiếp đến quyết định giải quyết khiếu nại của Chủ tịch UBND TP.HCM. Vì thế, mặc dù ông Tiến không khởi kiện những quyết định của UBND Q.9 nhưng đó vẫn là đối tượng xem xét cùng với quyết định bị khởi kiện trong vụ án.

Tòa còn nhận định, buộc UBND TP.Thủ Đức phải tiến hành bồi thường lại cho ông Tiến theo giá đất ở, nên có cơ sở chấp nhận yêu cầu tính tiền lãi suất do chậm chi trả.

Như vậy, theo điều 106 của Hiến pháp quy định "bản án của TAND có hiệu lực pháp luật phải được cơ quan, tổ chức, cá nhân tôn trọng; cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan phải nghiêm chỉnh chấp hành".

Vì thế, LS Hoan cho rằng bản án đã có hiệu lực pháp luật, nên Chủ tịch UBND TP.HCM và UBND TP.Thủ Đức phải thi hành. Việc UBND TP.HCM có văn bản đề nghị giám đốc thẩm bản án cũng không phải là căn cứ để hai cơ quan này chậm trễ thi hành bản án. "Nếu tòa xét xử sai thì đã có luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước. Do đó theo tôi, không có lý do gì mà UBND TP.HCM lại để vụ án kéo dài, ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng và hợp pháp của gia đình ông Tiến", LS Hoan nhấn mạnh.

PV đã liên hệ với UBND TP.Thủ Đức để tìm hiểu về việc chậm trễ thi hành bản án, nhưng đã hơn nửa tháng qua vẫn chưa nhận được phản hồi từ phía cơ quan này.

Trao đổi với Thanh Niên, Cục Thi hành án dân sự TP.HCM cho biết, UBND TP.HCM chưa chấp hành xong bản án. UBND TP.HCM có đơn đề nghị Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng Viện KSND tối cao xem xét kháng nghị bản án sơ thẩm lần 2 của TAND TP.HCM theo hướng hủy bản án, giữ nguyên quyết định của Chủ tịch UBND TP.HCM; ra quyết định tạm đình chỉ thi hành bản án để chờ kết quả xét xử giám đốc thẩm.

Theo UBND TP.HCM, phần quyết định trong bản án của TAND TP.HCM không phù hợp với quy định của pháp luật về bồi thường, hỗ trợ và những tình tiết khách quan của vụ án. Việc này gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người bị kiện, ảnh hưởng đến ngân sách nhà nước theo quy định tại khoản 1 điều 255 luật Tố tụng hành chính.

Ngoài ra, Cục Thi hành án dân sự còn cho hay, cơ quan này chưa nhận được quyết định buộc thi hành án hành chính của TAND TP.HCM. "Cục đã có công văn nhắc đề nghị UBND TP.HCM thi hành bản án. Trong thời gian UBND TP.HCM đề nghị giám đốc thẩm bản án đã có hiệu lực thì vẫn phải thi hành án", Cục Thi hành án dân sự khẳng định. 

(còn tiếp) 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.