Mỗi năm Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp nhận gần 2.000 ca ngộ độc cấp các loại

31/10/2023 08:40 GMT+7

Bệnh viện Chợ Rẫy mỗi năm tiếp nhận 2.000 ca ngộ độc cấp các loại, do thuốc bảo vệ thực vật, tân dược, côn trùng đốt, chất gây nghiện, khí, thực phẩm...

Thông tin trên do TS-BS Lâm Việt Trung, Phó giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết tại hội nghị cảnh giác dược phía nam với chủ đề: "Cảnh giác dược trong cấp cứu người bệnh ngộ độc và điều trị bệnh nhân ung bướu bằng thuốc sinh học" diễn ra tại Bệnh viện Chợ Rẫy cuối tuần qua. Đây là hội nghị trao đổi chia sẻ thông tin trong cấp cứu ngộ độc, điều trị và sử dụng thuốc sinh học trên bệnh nhân ung thư.

Liên quan chủ đề cấp cứu ngộ độc, theo TS-BS Lâm Việt Trung, thống kê hằng năm tại Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp nhận cấp cứu, điều trị gần 2.000 trường hợp bệnh nhân bị ngộ độc cấp.

Mỗi năm Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp nhận 2.000 ngộ độc cấp các loại - Ảnh 1.

Phân loại ngộ độc cấp tại Bệnh viện Chợ Rẫy

D.T

Loại ngộ độc nhiều nhất là do rắn cắn, tiếp đến là do thuốc bảo vệ thực vật, tân dược, côn trùng đốt, chất gây nghiện, khí, thực phẩm và cả những trường hợp ngộ độc chất không xác định được.

TS-BS Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy thông tin thêm, mặc dù số ca ngộ độc cấp tăng nhưng tỷ lệ tử vong do ngộ độc giảm sâu trong 10 năm qua. Nếu như năm 2010 tỷ lệ tử vong là 9,2% thì năm 2019 còn 2,7%.

Ba loại ngộ độc tử vong hàng đầu là chất gây nghiện, thuốc bảo vệ thực vật và ngộ độc rượu. Nguyên nhân chính dẫn tới biến chứng nặng, tử vong do ngộ độc cấp gồm, tiếp xúc độc chất với số lượng lớn, đến cơ sở y tế trễ, không có sẵn thuốc giải độc.

Tại hội nghị, các chuyên gia khẳng định, theo hướng dẫn chẩn đoán và xử trí ngộ độc thì thuốc giải độc đặc hiệu đóng vai trò quan trọng trong điều trị các trường hợp ngộ độc. Do đó, việc có sẵn nguồn cung ứng thuốc giải độc để hỗ trợ cho người bệnh trong giai đoạn cấp là cần thiết. Và một số thuốc hiếm cần xem xét bổ sung vào kho dự trữ thuốc quốc gia.

Thời sự toàn cảnh trưa 31.10


Liên quan đến chủ đề ung thư, TS-BS Lâm Việt Trung cho biết thêm, số liệu thống kê của tổ chức ung thư, vào 2020, tại Việt Nam có 182.563 ca ung thư mắc mới và 122.690 ca tử vong. Do đó nhu cầu điều trị và dùng thuốc điều trị ung thư tại Việt Nam là khá lớn. Với sự ra đời của nhiều loại thuốc mới trong điều trị ung thư đặc biệt là các thuốc sinh học đã giúp kéo dài thời gian sống còn và nâng cao chất lượng sống cho người bệnh. Tuy nhiên do giá thành cao nên chưa có nhiều bệnh nhân có khả năng tài chính để sử dụng thuốc. Hiện tại để đáp ứng nhu cầu điều trị, càng ngày càng nhiều thuốc sinh học tương tự được đưa vào sử dụng trong điều trị thay thế thuốc sinh học tham chiếu.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.