Mỗi năm cần 1 triệu nhân lực công nghệ thông tin

14/03/2019 08:22 GMT+7

Nhiều ưu thế về việc làm với người học ngành công nghệ thông tin. Tuy nhiên, đây cũng là lĩnh vực có sự cạnh tranh và đào thải cao, nhất là ở khối lao động cấp trung.

Thông tin này đã được nêu ra trong chương trình tư vấn trực tuyến truyền hình về nhóm ngành công nghệ và công nghệ thông tin (CNTT) tại: thanhnien.vn, Facebook/thanhnien.comYouTube Thanh Niên do Báo Thanh Niên tổ chức chiều qua 13.3.

Nhu cầu tăng, thu nhập cao

Cạnh tranh việc làm cao ?
Theo tiến sĩ Tô Hoài Việt, hiện nay mức cạnh tranh ở lĩnh vực CNTT hầu hết ở các chức danh của lao động cấp trung trở lên. Nhân lực CNTT không bị thất nghiệp nhưng muốn phát triển cao hơn thì phải liên tục nâng cấp bản thân mình. Tiến sĩ Nguyễn Kim Quốc, Phó trưởng khoa CNTT Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, nhìn nhận trong thời đại ngày nay, người học cần trang bị cho mình khả năng ứng dụng liên ngành để có cơ hội việc làm tốt hơn nữa.
Theo tiến sĩ Hà Thúc Viên, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Việt - Đức, báo cáo năm 2019 của Tổ chức Nghiên cứu về khoa học và công nghệ của khối kinh tế thịnh vượng chung cho thấy VN cần 1 triệu nhân lực trong lĩnh vực CNTT từ nay đến năm 2020. Các lĩnh vực hiện thiếu nhất ở VN và khu vực châu Á - Thái Bình Dương là trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, thực tế ảo, thực tế tăng cường, internet vạn vật, thương mại điện tử và quy trình kinh doanh, gia công phần mềm và blockchain. Tiến sĩ Viên nhấn mạnh: “Trên cơ sở đó sẽ cho thấy nhu cầu nhân lực trong tương lai ở lĩnh vực này nhiều đến như thế nào”.
Tiến sĩ Tô Hoài Việt, Trưởng bộ môn kỹ thuật phần mềm Trường ĐH Hoa Sen, cũng cho hay kỹ thuật phần mềm vẫn là một trong các ngành mũi nhọn và có nhu cầu lớn trong thời gian tới. Theo đánh giá của Bộ Thông tin - Truyền thông năm 2016, thu nhập người làm việc trong ngành kỹ thuật phần mềm và dịch vụ đứng đầu trong nhóm ngành này. Trong khi đó, việc đào tạo của các trường vẫn chưa đủ để đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp.
Tiến sĩ Võ Thanh Hải, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân, thông tin thêm theo khảo sát của Vietnamworks, sinh viên ngay sau khi tốt nghiệp CNTT có thu nhập từ 5,6 - 11,2 triệu đồng/tháng; trưởng các bộ phận từ 22,5 - 45 triệu đồng/tháng và giám đốc ngành từ 65 triệu đồng/tháng trở lên. Khảo sát thực hiện trong 3 năm gần đây cho thấy chưa bao giờ ngành này “khát” nhân lực như hiện nay.
Ở góc nhìn khác, thạc sĩ Nguyễn Trần Ngọc Phương, Phó trưởng phòng Tư vấn tuyển sinh - truyền thông Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, nói: “Tại TP.HCM, CNTT là một trong 4 nhóm ngành công nghiệp trọng yếu 10 năm tới. Vì vậy các ngành luôn thu hút thí sinh đăng ký xét tuyển cao tại trường, trung bình mỗi ngành 200 chỉ tiêu nhưng có ngành có tới 4.000 - 5.000 hồ sơ đăng ký. Điểm chuẩn các ngành này cũng cao hơn sàn từ 4 - 5 điểm”.
Tiến sĩ Lê Xuân Trường, Trưởng khoa CNTT Trường ĐH Mở TP.HCM, cho biết hiện nay theo khảo sát của trường vào năm cuối, có tới 53% sinh viên CNTT có việc làm tốt và đúng ngành nghề.

Không giỏi toán có theo học được CNTT ?

Phóng viên Báo Thanh Niên đã đến trực tiếp các trường THPT để ghi nhận ý kiến học sinh quan tâm đến ngành nghề, trong đó có những băn khoăn về tố chất theo học ngành này.
Theo tiến sĩ Võ Thanh Hải, thí sinh có khả năng toán và tư duy logic có thể lựa chọn ngành CNTT. Tiến sĩ Hà Thúc Viên cũng đồng tình khi nhấn mạnh: “Để thành công trong lĩnh vực này cần có đam mê nhất định và phải có năng lực về toán”. Cũng theo tiến sĩ Viên, ngoại ngữ là yếu tố cần thiết để thành công với lĩnh vực CNTT.
Còn theo tiến sĩ Tô Hoài Việt, yếu tố cơ bản để học tốt và sau này làm việc tốt là kỹ năng, kiến thức và thái độ. “Những học sinh có khả năng lý, hóa tốt chứng tỏ khả năng tư duy logic tốt. Vì vậy, dù chưa thực sự tốt về toán và tin vẫn có cơ hội để phát triển trong lĩnh vực CNTT”, tiến sĩ Việt nhấn mạnh.
Thạc sĩ Cao Quảng Tư, Giám đốc tuyển sinh Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn, lưu ý: “Khi chọn theo ngành này không nên theo phong trào. Học sinh cần có tư duy logic tốt hơn, nỗ lực nhiều thì cơ hội thành công rất cao”.
Nhiều trường tuyển sinh công nghệ thông tin
Trường ĐH Việt Đức tuyển 2 ngành: khoa học máy tính và kỹ thuật điện viễn thông và CNTT.
Trường ĐH Công nghệ TP.HCM: CNTT (gồm các chuyên ngành: mạng máy tính, kỹ thuật máy tính, kỹ thuật phần mềm); an toàn thông tin; hệ thống thông tin quản lý.
Trường ĐH quốc tế Sài Gòn: Khoa học máy tính và kỹ thuật phần mềm.
Trường ĐH Nguyễn Tất Thành: CNTT và nhiều ngành công nghệ khác gồm: công nghệ ô tô, công nghệ hóa học, công nghệ sinh học...
Trường ĐH Mở TP.HCM: CNTT, khoa học máy tính, hệ thống thông tin quản lý và khoa học máy tính chất lượng cao.
Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM: công nghệ phần mềm, mạng máy tính truyền thông, mạng máy tính...
Trường ĐH Hoa Sen: Mạng máy tính và truyền thông dữ liệu, CNTT, kỹ thuật phần mềm, hệ thống thông tin quản lý... Trong giai đoạn chuyên ngành, trường có 6 môn được đào tạo hoàn toàn bằng tiếng Anh.
Trường ĐH Duy Tân tuyển sinh 800 chỉ tiêu các ngành CNTT gồm: dữ liệu lớn, hệ thống thông tin quản lý, an toàn thông tin, kỹ thuật phần mềm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.