Ngày 15.1, tại TP.HCM, Quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá (Bộ Y tế) đã tổng kết hoạt động năm 2019-2020 và xây dựng kế hoạch 2021-2022.
Tại hội nghị, thạc sĩ - bác sĩ (Ths.BS) Phan Thị Hải, Phó giám đốc Quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá, cho biết thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm thế giới có khoảng 7 triệu ca tử vong và Việt Nam có 40.000 ca tử vong do các bệnh có liên quan đến sử dụng thuốc lá.
Theo Ths.BS Hải, sử dụng thuốc lá là nguyên nhân chính gây ra các bệnh về phổi, điển hình như ung thư phổi, bệnh phổi tắt nghẽn mãn tính, lao phổi. 90% trong số hơn 600.000 người mắc ung thư phổi hàng năm trên thế giới là người hút thuốc. Hút thuốc cũng là nguyên nhân gây 75% các ca bệnh phổi tắt nghẽn mãn tính.
Thuốc lá cũng là nguyên nhân gây các bệnh về phổi của trẻ em. Theo Ths.BS Hải, hiện tỷ lệ sử dụng thuốc lá ở trẻ vị thành niên, giới trẻ ngày càng gia tăng. Năm 2015, có 0,5% số trẻ 13 -19 tuổi sử dụng thuốc lá thì đến năm 2019 tỷ lệ này lên đến 2,6%.
“Việc đầu tư vào công tác phòng chống tác hại của thuốc lá nhằm đạt được mục tiêu giảm nghèo, tăng trưởng kinh tế và phòng chống các bệnh không lây nhiễm là hết sức quan trọng”, Ths.BS Hải nói.
Liên quan đến vấn đề xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng chống tác hại của thuốc lá, tại hội nghị, thiếu tá Hoàng Xuân Vượng (Công an TP.HCM) cho biết, từ năm 2018, Công an TP.HCM bắt đầu tiến hành hoạt động kiểm tra, giám sát, phối hợp tuyên truyền, nhắc nhở và tăng dần cấp độ lên cảnh cáo, xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng chống tác hại thuốc lá.
Năm 2019, Công an TP.HCM phối hợp với các cơ quan chức năng khác đã xử phạt vi phạm hành chính 174 nhà hàng, khách sạn vi phạm công tác phòng chống tác hại thuốc lá. Bắt và xử lý vụ buôn lậu tàng trữ thuốc lá, số thuốc lá tịch thu là 43.100 bao thuốc các loại, phạt tiền 3,9 tỉ đồng.
Năm 2020, do tác động của Covid-19 nên hầu hết là dừng lại ở việc nhắc nhở, cảnh cáo và yêu cầu các đơn vị ký cam kết thực hiện luật Phòng chống tác hại của thuốc lá.
Theo công an, trong quá trình đi kiểm tra, xử phạt các cơ sở kinh doanh có điều kiện trên thì khách sạn, nhà hàng là địa điểm có tỷ lệ vi phạm hút thuốc lá thụ động cao nhất so với các địa điểm quy định, chiếm 80%.
Các vi phạm phổ biến là: hút thuốc trong khu vực nhà hàng; không treo biển hay biểu tượng cấm hút thuốc lá… Nguyên nhân do tâm lý sợ mất khách, chiều khách; hiểu biết về tác hại của hút thuốc và hút thuốc thụ động còn hạn chế; chưa hiểu rõ quy định của luật phòng chống tác hại thuốc lá và các quy định xử phạt vi phạm hành chính….
Ngành công an đề nghị Bộ Y tế đề nghị các tỉnh, thành phố tiếp tục phổ biến và tăng cường chỉ đạo thực thi nghiêm quy định của Luật phòng chống tác hại của thuốc lá. Nêu cao vai trò của người đứng đầu trong công tác phòng chống tác hại của thuốc lá…
Không để xảy ra hút thuốc lá trong bệnh việnTrước đó, Sở Y tế TP.HCM có văn bản gửi các cơ sở y tế trên địa bàn yêu cầu tuân thủ nghiêm Luật phòng chống tác hại của thuốc lá.
Theo đó, không để tình trạng hút thuốc lá trong khuôn viên các cơ sở y tế. Phải treo biển báo cấm hút thuốc lá tại khu vực làm việc, khu vực khám, điều trị nhà ăn, các khu vực công cộng trong cơ sở y tế.
Không mua bán, quảng cáo các sản phẩm thuốc lá trong khuôn viên các cơ sở y tế dưới mọi hình thức, không được nhận hỗ trợ tài trợ của các công ty thuốc lá hay các tổ chức có liên quan đến công ty thuốc lá dưới mọi hình thức.
Sở Y tế giao Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM tổ chức, giám sát kiểm tra thường xuyên và đột xuất việc triển khai thực hiện Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá ở các cơ sở y tế, đặc biệt là ở các bệnh viện.
|
Bình luận (0)