Mỗi ngày chi 53 tỉ đồng nhập thuốc trừ sâu

17/04/2018 08:00 GMT+7

Quý 1/2018, VN chi hơn 208 triệu USD để nhập khẩu mặt hàng thuốc trừ sâu và nguyên liệu thuốc trừ sâu, trong đó hơn 50% giá trị nhập khẩu này là từ Trung Quốc. Tính trung bình, mỗi ngày VN chi hơn 2,3 triệu USD (tương đương gần 53 tỉ đồng) để nhập khẩu mặt hàng này.

Thực trạng trên, theo các chuyên gia, sẽ rất khó để xây dựng một nền nông nghiệp an toàn.
Xuất gạo “đổi” phân, thuốc
Hợp tác xã nông nghiệp Bù Gia Mập (H.Bù Gia Mập, Bình Phước) có 400 ha đất trồng điều, mấy năm gần đây sản lượng liên tục sụt giảm và sâu bệnh tấn công. Bà Trần Thị Yến, Giám đốc hợp tác xã, lo lắng: “Người ta nói nhiều đến phân bón giả, thuốc trừ sâu dỏm tràn lan không biết có hay không. Nhưng thực tế là dù có bón phân năng suất cũng không bằng trước kia, còn sâu bệnh xịt thuốc cũng không thấy hết. Lạm dụng phân, thuốc dường như trở thành thói quen của không ít nông dân. Thói quen này xuất phát từ tâm lý bón nhiều phân để đạt năng suất cao. Mặt khác là do tình trạng phân, thuốc kém chất lượng tràn lan, sử dụng nhiều loại với liều lượng cao cho... chắc ăn”.
Tháng 10.2017, Bộ NN-PTNT cho biết cả nước có tới 14.174 sản phẩm phân bón vô cơ. Trong khi đó, Thái Lan, một nước có thế mạnh về nông nghiệp trong khu vực như VN, chỉ có khoảng 1.000 sản phẩm. Cũng theo bộ này, năm 2017 tổng lượng phân bón nhập khẩu là 4,73 triệu tấn và đạt giá trị 1,25 tỉ USD, tăng 13% về khối lượng và tăng 24,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016. Bên cạnh đó, lượng thuốc trừ sâu và nguyên liệu nhập khẩu cũng đạt gần 990 triệu USD, tăng 36,4% so với cùng kỳ năm 2016. Như vậy, tổng giá trị nhập khẩu hóa chất phục vụ sản xuất nông nghiệp đạt 2,24 tỉ USD, gần bằng giá trị xuất khẩu gạo là 2,66 tỉ USD.
Trung Quốc là nguồn cung cấp phân bón, thuốc trừ sâu nhập khẩu lớn nhất của VN, chiếm 38% phân bón và 53% thuốc trừ sâu và nguyên liệu. Trong năm qua, nguồn cung thuốc trừ sâu từ Trung Quốc có tốc độ tăng trưởng đến 49%. Theo các chuyên gia, nguồn cung hóa chất phục vụ sản xuất nông nghiệp chủ yếu đến từ Trung Quốc vì yếu tố giá thành thấp.
Cần kiểm soát chặt chẽ đầu vào
Cũng trong năm 2017, chỉ trong 8 tháng các doanh nghiệp phân bón đã “đẻ” ra thêm tới 8.122 sản phẩm. Nhận xét về hiện tượng này, ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT), nhìn nhận: “Đó là giai đoạn chuyển giao trong quản lý phân bón vô cơ từ Bộ Công thương về Bộ NN-PTNT. Điều này rõ ràng là có vấn đề buông lỏng trong quản lý và chúng tôi phải rà soát lại các sản phẩm cũng như cơ sở sản xuất phân bón trên cả nước”. Tuy nhiên, hơn nửa năm qua đơn vị này vẫn chưa có thông tin về kết quả rà soát.
Nhiều chuyên gia cho rằng, đa số nông dân sử dụng phân, thuốc thừa khoảng 20 - 30%. Thậm chí, ngay cả khi đã có các bằng chứng khoa học về việc quản lý và sử dụng phân bón hợp lý và hiệu quả thì nhiều nông dân vẫn thích làm theo thói quen. Để giải quyết vấn đề này, các chuyên gia cho rằng cần tổ chức nông dân thành các hợp tác xã, tổ hợp tác và tập huấn cho họ sản xuất theo các tiêu chuẩn rất cơ bản như VietGAP để loại bỏ dần các thói quen không tốt. Bên cạnh đó, để nông dân tuân thủ các tiêu chuẩn quy định đó thì phải gắn với đầu ra của nông sản.
“Để thực hiện được chủ trương phát triển nông nghiệp sạch và bền vững, đáp ứng nhu cầu thị trường sử dụng các sản phẩm sạch, an toàn, hữu cơ, phải quản lý được chất lượng và cả số lượng nguyên liệu vật tư đầu vào. Các nhà nhập khẩu họ không cần đến từ thửa vườn mảnh ruộng của VN để xem sạch, an toàn ra sao mà chỉ cần xem số lượng phân bón, thuốc trừ sâu mà chúng ta nhập vào (sản xuất) là có thể hiểu được nó sạch tới đâu. Việc kiểm soát đầu vào chỉ có thể ở cấp quản lý chuyên ngành và Chính phủ mới thực hiện được, qua đó còn có ý nghĩa bảo vệ môi trường, sức khỏe người nông dân và người tiêu dùng”, tiến sĩ Dương Văn Ni, Đại học Cần Thơ, khuyến nghị.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.