Kịch bản nợ công mà Bộ Kế hoạch - Đầu tư vừa công bố cho thấy nhiều dấu hiệu lo ngại khi mỗi người dân VN năm 2018 dự tính sẽ phải gánh 35 triệu đồng, trong khi thu nhập bình quân tăng chậm, thuế phí và hàng loạt chi phí sinh hoạt vẫn đè nặng trên vai.
|
Theo kịch bản về dư nợ công năm 2018 và 3 năm tới được Bộ Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT) đưa ra tại “Báo cáo về thu hút, quản lý và sử dụng vốn vay ODA, ưu đãi nước ngoài 2018 - 2020, tầm nhìn 2025”, nhiều khả năng mức nợ công năm nay sẽ đạt 3,5 triệu tỉ đồng, tương ứng 63,92% GDP. Trong đó, nợ Chính phủ hơn 2,9 triệu tỉ đồng, nợ Chính phủ bảo lãnh 559.000 tỉ đồng và nợ chính quyền địa phương 73.000 tỉ đồng. Mức bội chi ngân sách năm 2018 là 3,71% GDP.
tin liên quan
Nhiều dự án sử dụng vốn ODA đội vốn hàng nghìn tỉ đồngTuy nhiên, nếu xét về con số tuyệt đối, nợ công trong xu hướng tăng dần đều, mỗi năm khoảng 360.000 - 380.000 tỉ đồng. Cụ thể, tăng lên mức hơn 3,9 triệu tỉ đồng và gần 4,3 triệu tỉ đồng vào năm 2019, 2020, tương ứng với GDP các năm này là 6,15 triệu tỉ đồng và 6,85 triệu tỉ đồng. Bội chi ngân sách 3 năm tới so với GDP sẽ lần lượt là 3,71%, 3,59% và 3,4%.
Nhìn lại những năm trước, nợ công thực tế đã gia tăng với tốc độ chóng mặt. Cụ thể năm 2014 chỉ có 2,284 triệu tỉ đồng, năm 2018 ước tăng lên 3,5 triệu tỉ đồng. So với năm 2006 nợ công ở mức 24 tỉ USD (khoảng 382.000 tỉ đồng) chiếm 44,5% GDP, nợ công nay đã tăng lên gấp hơn chục lần, xét về số tuyệt đối.
Đánh giá về nợ công 6 tháng năm 2018, Bộ Tài chính cho biết tỷ trọng nợ trong nước tăng dần từ mức 40% GDP năm 2011 lên khoảng 60% GDP năm 2017, góp phần đảm bảo an ninh tài chính quốc gia. Song, bộ này cũng thừa nhận dù chỉ số an toàn nợ công vẫn đang nằm trong tầm kiểm soát, quy mô nợ công nhìn chung đang tiệm cận giới hạn được Quốc hội cho phép (nợ công không quá 65% GDP, nợ Chính phủ không quá 54% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia không quá 50% GDP), nhưng áp lực huy động vốn vay cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội và mở rộng hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp tăng mạnh.
Bên cạnh đó, chi phí huy động vốn có xu hướng tăng, khi VN trở thành quốc gia có thu nhập trung bình và phải dần tiếp cận với các khoản vay nước ngoài kém ưu đãi, vay thương mại. Việc Chính phủ tập trung vào tăng tỷ lệ huy động vốn vay trong nước để chuẩn bị cho việc giảm tiếp cận các khoản vay ưu đãi nước ngoài, sẽ khiến chi phí huy động cao hơn so với trước đây.
4 đại dự án thua lỗ sử dụng vốn vay kém ưu đãi
Một trong những nguyên nhân khiến nợ công tăng nhanh đến từ các khoản vay ưu đãi tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặc biệt dự án sử dụng vốn vay lại thua lỗ nặng nề.
tin liên quan
Chính phủ 'nói không' với nới trần nợ côngBộ KH-ĐT chỉ rõ trong số 12 đại dự án thua lỗ nghìn tỉ đồng của Bộ Công thương, có đến 4 dự án sử dụng vốn vay từ Trung Quốc. Trong đó, Nhà máy đạm Ninh Bình có tổng vốn đầu tư 6.000 tỉ đồng, bị đội vốn lên tới 10.000 tỉ đồng; Nhà máy đạm Hà Bắc đội vốn lên hơn 10.000 tỉ đồng; dự án mở rộng giai đoạn 2 Gang thép Thái Nguyên bị đội vốn từ hơn 3.800 tỉ đồng ban đầu lên hơn 8.100 tỉ đồng; dự án khai thác mỏ sắt Quý Xa và Nhà máy gang thép Lào Cai bị đội vốn gấp đôi từ 175 triệu USD lên hơn 335 triệu USD.
Bộ KH-ĐT lưu ý: “Tín dụng ưu đãi của Trung Quốc chỉ phù hợp cho các dự án có nguồn thu trực tiếp, có khả năng trả nợ. Một số dự án sử dụng vốn vay, nhà thầu, thiết bị Trung Quốc thường xuyên chậm tiến độ, không đảm bảo chất lượng, tăng tổng mức đầu tư... ảnh hưởng hiệu quả đầu tư”. Do đó, bộ này đề xuất Chính phủ trong định hướng đối với việc vay nguồn tín dụng ưu đãi của Trung Quốc thời gian tới “cần được xem xét và cân nhắc”.
TS Phạm Sỹ Thành, Viện Nghiên cứu - Kinh tế - Chính sách, nhận định Trung Quốc gần đây đã thành lập nhiều quỹ phát triển để cung cấp tài chính, đặc biệt cho các nước đang phát triển. Một trong những thách thức đối với nguồn vốn vay từ Trung Quốc là những ràng buộc về môi trường, lao động Trung Quốc đi theo, tình trạng đội vốn của các dự án… sẽ dẫn đến nhiều rủi ro về môi trường, xã hội và tài chính. Do đó, cần cân nhắc khi vay vốn từ Trung Quốc.
Ảnh hưởng nhiều mặt đời sống
Theo TS Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính, mỗi người Việt năm 2017 gánh 31 triệu đồng, năm 2018 gánh 35 triệu đồng nợ công, trong khi thu nhập lại không tăng lên đáng kể, GDP bình quân đầu người năm 2017 khoảng 53,5 triệu đồng.
Th.S Nguyễn Thị Thanh Hoa, Trường đại học Kinh tế - Kỹ thuật công nghiệp, cho rằng nợ công đang ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân trong đất nước về mọi mặt: kinh tế, y tế, giáo dục, phúc lợi xã hội... Giả sử nếu tồn tại là một quốc gia không chịu ảnh hưởng của vay nợ trầm trọng, với GDP tăng trưởng thì VN có lẽ phát triển hơn nhiều khi nhà nước chú trọng cho đầu tư chất lượng học tập, y tế, đời sống và phúc lợi xã hội... cho người dân.
Chuyên gia này cũng lo ngại thực tế tốc độ nợ công tăng gấp 3 lần tốc độ tăng trưởng của GDP. Năm 2017, vay đảo nợ lên đến 95.000 tỉ đồng. Con số này cho thấy gánh nặng nợ công đang đè nặng lên vai người dân.
Vay lúc “trẻ” thì trả lúc “già”
TS Vũ Sỹ Cường, Học viện Tài chính, đặc biệt lo ngại khi từ năm 2001 tới nay, nợ công liên tục tăng nhanh, với mức tăng trung bình 18,4%/năm, gấp 3 lần tăng trưởng kinh tế. Nợ công VN cao hơn tất cả mức trung bình các nước thu nhập trung bình, ASEAN, Mỹ Latin, châu Phi.
Về mức độ an toàn của nợ công, ông Cường cho rằng, hiện chưa có chỉ tiêu nào để đánh giá mức độ rủi ro của nợ công, hay tại sao trần nợ công là 65% GDP. Tuy vậy, ông Cường tỏ ra lo ngại khi VN vay nợ nhiều vào lúc dân số còn trẻ, và sẽ phải trả khi về già, điều này đang đi ngược thế giới. Bởi trên thế giới, nước nợ công cao là nước giàu, dân số già, thì VN dân số trẻ, đã nghèo lại phải trả nợ cao. Cùng đó, trả nợ trên thu ngân sách luôn tăng, ngân sách cân đối trả nợ không đủ, nên thường phải thực hiện kỹ thuật đảo nợ, vay nợ mới trả nợ cũ.
|
Bình luận (0)