Admin cũng có thể bị xử lý
Báo Thanh Niên vừa có loạt bài về những hội nhóm kín trên Facebook như "Hội giúp đỡ những người vỡ nợ muốn làm liều - tâm sự chém gió" với gần 24.000 thành viên có ảnh đại diện là hình các loại súng đạn. Hay trong nhóm "Đánh thuê - Đâm thuê chém mướn - Xã hội đen" có gần 13.000 thành viên. Mỗi ngày, trung bình nhóm này đăng tải 25 bài viết. Các bài viết có nội dung rao mời dịch vụ hành hung, tấn công, gây sức ép với người khác hoặc lập hội nhóm để đi "đánh thuê". Ngoài ra, còn có các nhóm như "Tâm sự đồng phê" có gần 12.000 thành viên thường xuyên đăng tải hình ảnh các cô gái ăn mặc gợi cảm kèm vài dòng chữ, ký hiệu ẩn ý...
Những hội nhóm này hoạt động rầm rộ, lôi kéo rất đông người tương tác và việc mua bán các chất kích thích được công khai. Vậy pháp luật quy định thế nào về việc người dân sử dụng mạng xã hội?
Trao đổi với PV Thanh Niên, luật sư - TS Nguyễn Thị Kim Vinh (Giám đốc Công ty Luật TNJ, nguyên thẩm phán TAND tối cao), cho biết theo quy định tại điều 8, 18 luật An ninh mạng, điều 5 Nghị định 72 năm 2013 quy định về các hành vi bị cấm khi sử dụng mạng xã hội, trong đó có các hành vi có liên quan đến hoạt động mại dâm, tệ nạn xã hội, mua bán người; đăng tải thông tin dâm ô, đồi trụy, tội ác; phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng; xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội.
Người nào có hành vi vi phạm các quy định trên thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ có thể bị xử phạt vi phạm hành chính, hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Ngoài ra, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật về dân sự.
Người lập ra và quản lý (admin) hoặc bất kỳ thành viên nào của các hội, nhóm như Báo Thanh Niên phản ánh nếu có hành vi đăng tải, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân, kích động bạo lực, tội ác, tệ nạn xã hội, đánh bạc hoặc phục vụ đánh bạc thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính từ 10 - 20 triệu đồng (điều 101 Nghị định 15 năm 2020, được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 14 năm 2022).
Ngoài ra, cá nhân, tổ chức vi phạm còn phải thực hiện các hình thức xử phạt bổ sung: "buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn, thông tin vi phạm pháp luật; đường dẫn đến thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn, thông tin vi phạm pháp luật".
Theo điều 24, 25 Nghị định 144 năm 2021, cá nhân có hành vi mua dâm có thể bị phạt tiền từ 1-5 triệu đồng; cá nhân có hành vi bán dâm có thể bị phạt tiền từ 300.000 đồng - 2 triệu đồng.
Theo luật sư Kim Vinh, trong trường hợp admin biết các thành viên đang bàn bạc để đi thực hiện hành vi phạm tội mà không phản đối, ngăn chặn thì có khả năng bị xem xét về hành vi không tố giác hoặc che giấu tội phạm. "Nếu các admin có hành vi kích động, giúp sức, tư vấn cho các thành viên thực hiện những hành vi trộm cắp, cướp giật, môi giới mại dâm... thì có thể xem là đồng phạm", luật sư Kim Vinh nói.
Căn cứ điều 390 bộ luật Hình sự (tội không tố giác tội phạm), trường hợp này có thể bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Ngoài ra, hành vi đưa lên mạng những thông tin trái quy định pháp luật, có thể bị xử lý về tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông theo điều 288 bộ luật Hình sự. Cá nhân vi phạm có thể bị phạt tiền từ 30 - 200 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ lên đến 3 năm hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ nhiệm Đoàn luật sư TP.HCM, cho biết ngoài những tội danh trên, người vi phạm còn có thể đối diện với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (điều 174 bộ luật Hình sự). Người phạm tội có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 20 năm hoặc tù chung thân, ngoài ra, còn có thể bị phạt tiền từ 10 - 100 triệu đồng.
Người nào làm trung gian dụ dỗ, dẫn dắt để người khác thực hiện việc mua dâm, bán dâm, thì bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm về tội môi giới mại dâm (điều 328).
Việc sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông và các phương tiện điện tử để đánh bạc trực tuyến sẽ bị xử lý ở tội đánh bạc (điều 321). Người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 20 - 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 7 năm.
Cần sớm ngăn chặn, tránh để xảy ra hậu quả
"Để ngăn chặn tình trạng trên, theo tôi cần đẩy mạnh việc tuyên truyền pháp luật đến nhân dân, đặc biệt lứa tuổi thanh thiếu niên nhằm giúp họ hiểu biết rõ hơn về các hành vi bị cấm cũng như các hình thức xử phạt, không để bị kích động, bị lôi kéo thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật", luật sư Kim Vinh nói.
Người dân cần nêu cao tinh thần cảnh giác, kịp thời phát hiện và tố giác các hành vi rủ rê, lôi kéo người khác thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Khi phát hiện trên mạng xã hội xuất hiện các nhóm Facebook với nội dung trên, nếu có dấu hiệu phạm tội thì người dân cần nhanh chóng trình báo ngay cho công an để ngăn chặn kịp thời hoặc xử lý theo quy định pháp luật.
Còn theo luật sư Hậu: "Theo tôi, công an cần tập trung lực lượng, chủ động rà soát, nắm tình hình, lên danh sách các đối tượng hình sự, các băng nhóm có biểu hiện phạm tội thông qua mạng xã hội. Đặc biệt, tiếp tục hoàn thiện cơ chế hợp tác một cách hiệu quả hơn với các nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội tại Việt Nam, để đảm bảo rằng những tác động tiêu cực được ngăn chặn kịp thời, tránh để xảy ra hậu quả".
Luật sư Hậu cho biết thêm, hiện Bộ Thông tin - Truyền thông đang dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 72 năm 2013 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng. Nghị định mới sẽ là cơ sở pháp lý vững chắc để các cơ quan chức năng có thể xử lý các hành vi vi phạm một cách hiệu quả.
Xem nhanh 12h ngày 21.11: Thời sự toàn cảnh
Bình luận (0)