Mối nguy từ 'thuốc kín' trị rắn độc cắn

05/02/2025 07:15 GMT+7

Chưa có thống kê về số lượng thầy lang chữa rắn cắn bằng 'thuốc kín' trong cả nước, nhưng theo các chuyên gia công tác tại Trại rắn Đồng Tâm, nhiều người bị rắn cắn đã phải thêm đau khổ vì họ.

Trung tâm nuôi trồng nghiên cứu chế biến dược liệu (tức Trại rắn Đồng Tâm thuộc Cục Hậu cần Quân khu 9, tọa lạc xã Bình Đức, H.Châu Thành, Tiền Giang) là nơi có năng lực điều trị chuyên sâu về rắn cắn từ hàng chục năm nay. Mỗi năm, nơi đây cứu sống khoảng 1.000 trường hợp bị rắn độc cắn.

Mối nguy từ 'thuốc kín' trị rắn độc cắn- Ảnh 1.

Bệnh nhân người Campuchia bị rắn lục đuôi đỏ cắn ở chân, may mắn được các BS Trại rắn Đồng Tâm chữa trị kịp thời bằng huyết thanh kháng nọc rắn lục tre

Ảnh: CTV

Thập tử nhất sinh vì "thuốc kín"

Ông M. (chủ quán nhậu ở TP.Mỹ Tho, Tiền Giang) kể, năm 2019, trong lúc làm thịt rắn, ngón tay ông vô tình xước vào răng rắn độc, dù đầu rắn đã lìa khỏi thân. Ông M. bị trúng nọc độc mức độ nhẹ vùng cánh tay.

Sau 1 tuần được thầy lang trị bằng "thuốc kín", vết thương trở nên nghiêm trọng, ông M. phải tìm đến Trại rắn Đồng Tâm điều trị. Tuy nhiên, lúc này, độc tố đã gây hoại tử đến phần xương nên các bác sĩ (BS) phải tháo bỏ khớp 2 lóng tay mới cứu được mạng sống của ông.

Trung tá, bác sĩ (BS) Lê Văn Tâm, công tác tại Trại rắn Đồng Tâm, cho biết ngoài ông M., còn có rất nhiều trường hợp tương tự. Mới đây, một người đàn ông ở Campuchia bị rắn lục đuôi đỏ cắn. Người nhà tin tưởng thầy lang tại địa phương trị bằng "thuốc kín" được 4 ngày thì vùng vết thương ở chân hoại tử, rơi vào hôn mê. Nạn nhân được đưa đến tỉnh Đồng Tháp trong tình trạng "thập tử nhất sinh" và được các BS Trại rắn Đồng Tâm chi viện đến điều trị kịp thời nên ông mới không bị mất mạng.

"Thuốc kín" là cách trả lời của nhiều thầy lang ở các tỉnh Trà VinhBến Tre khi PV Thanh Niên có dịp trao đổi. Ngay cả với bệnh nhân bị rắn độc cắn, thầy lang cũng chỉ cho biết trị bằng "thuốc kín", không giải thích gì thêm.

Mối nguy từ 'thuốc kín' trị rắn độc cắn- Ảnh 2.

Rắn hổ cắn gây hoại tử cơ, đây là trường hợp trúng độc nhẹ

ẢNH: CTV

"Thuốc kín" trị rắn cắn là thuốc gì ?

Theo trung tá, BS Lê Văn Tâm, câu chuyện về "thuốc kín" của các thầy lang cũng được ông quan tâm tìm hiểu. Tuy nhiên, đến nay, ông cũng không thể hỏi được phương thuốc và liệu trình điều trị của bất kỳ thầy lang nào trong dân gian.

"Thông qua các bệnh nhân điều trị bằng "thuốc kín" không thành công thì tôi biết họ được thầy lang dùng các vật như răng động vật, hòn than, tỏi đập dập… để hút nọc độc trước. Sau đó, đắp lá cây và cho uống thuốc nam. Chỉ thế thôi, chứ cây gì, thuốc nam dùng từ nguyên liệu gì thì chính bệnh nhân cũng không rõ", BS Tâm chia sẻ.

BS Tâm khẳng định việc bệnh nhân điều trị ngoài dân gian sau khi bị rắn độc cắn là lựa chọn rất nguy hiểm và rủi ro. "Tôi không bình luận gì đến các phương thuốc điều trị rắn độc cắn mang tính dân gia truyền ngoài xã hội. Tuy nhiên, ở góc độ khoa học thì tôi khẳng định chỉ có điều trị bằng huyết thanh kháng nọc rắn mới là giải pháp tối ưu đối với người bị rắn cắn", BS Tâm cho hay.

Vẫn theo BS Tâm, nọc độc các loài rắn khác nhau sẽ cho diễn biến khác nhau. Trong đó, có thể chia ra 2 nhóm chính gồm: Nhóm nọc độc gây vỡ mạch máu, hủy hoại cơ tại vùng bị cắn, gây ra tình trạng chảy nhiều máu (thường là rắn lục đuôi đỏ); Nhóm còn lại gây áp lực làm tê liệt thần kinh, hệ hô hấp, tại vùng vết cắn chỉ tím tái, biểu hiện của đông máu. Đây là nhóm rắn cực độc, thường thuộc họ rắn hổ.

Trong khi đó, có nhiều thầy lang đã dùng vật bén để mở rộng vết thương và cả việc rạch thêm vài vị trí xung quanh vết cắn của rắn lục đuôi đỏ. Nghiêm trọng hơn, một số thầy lang còn dùng cả hóa chất để bôi vào vết thương khiến nạn nhân rất dễ bị nhiễm trùng máu…

Về các dược liệu là lá cây để đắp lên vết thương hay thực vật để nấu ra thuốc nam của các thầy lang, BS Tâm cho rằng, đó chủ yếu các loài cây có dược tính làm mát cơ thể chứ hoàn toàn không có khả năng trị được nọc rắn độc.

Làng nghề nuôi rắn độc thu trăm tỉ ở Việt Nam: Đánh đu với tử thần

Ngoài ra, BS Tâm cho biết tại một số bệnh viện cũng có hiện tượng chủ quan làm giảm hiệu quả điều trị bằng huyết thanh kháng nọc rắn; phổ biến là quy định cứng nhắc khi điều trị dùng bảo hiểm y tế.

"Rắn cắn thường là yếu tố bất ngờ nên chính nạn nhân cũng không thể biết loài rắn gì đã cắn mình. Trong khi đó, nhiều BS chưa có nhiều kinh nghiệm trong nhận định loài rắn thông qua vết cắn nên không xác định được dùng huyết thanh nào để trị. Một số bệnh viện còn quy định về điều kiện thực tế đối với tình trạng bệnh nhân như độ mở của vết cắn, độ sưng của vết thương, tình trạng bệnh… để được dùng huyết thanh mà bảo hiểm y tế thanh toán. Trong khi thời gian là yếu tố cực kỳ quan trọng, mang tính quyết định về hiệu quả cho quá trình điều trị bệnh nhân không may bị rắn độc cắn", BS Tâm chia sẻ.

Mối nguy từ 'thuốc kín' trị rắn độc cắn- Ảnh 3.

Rắn hổ mang chúa (còn gọi là hổ mây)

ẢNH: BẮC BÌNH


Lấy độc trị độc

Cho dù là loài rắn không có độc nhưng cả loài này cũng chưa bao giờ là sinh vật gần gũi, thân thiện với con người. Bởi nọc của rắn gây độc có thể cướp đi sinh mạng con người trong chốc lát. Tuy nhiên, khoa học hiện đại đã chứng minh việc nếu biết tận dụng chính nọc độc của rắn thì chẳng những có thể "lấy độc trị độc" mà còn bào chế ra nhiều phương thuốc chữa hiệu quả cho một số bệnh hiểm nghèo.

"Ông bà ta thường nói lấy độc trị độc là rất chính xác tại câu chuyện dùng huyết thanh kháng nọc rắn độc. Cụ thể hơn, loài rắn độc nào cắn thì huyết thanh được sản xuất từ nọc độc của loài đó là hiệu quả tối ưu. Tuy rằng tại VN hiện chưa có đủ toàn bộ danh mục huyết thanh để kháng đủ các loài rắn độc, nhưng việc sử dụng huyết thanh cho người bị các loại rắn độc có sự tương đồng với nhau vẫn mang lại hiệu quả rất cao. Vì vậy, tôi khuyến cáo người dân không may bị rắn độc cắn thì tốt nhất đến các cơ sở y tế chuyên khoa để điều trị, tuyệt đối không nên tin vào các thầy lang trị bằng "thuốc kín" trong dân gian", BS Tâm nói.

Trại rắn Đồng Tâm được thành lập từ năm 1977 với nhiệm vụ chính là nuôi dưỡng, bảo tồn, nghiên cứu về các loài rắn độc. Từ lâu, hơn 50 loài rắn độc nơi đây được lấy nọc để phục vụ nhu cầu chế biến thuốc y học và điều trị rắn độc cắn cho cán bộ và người dân vùng ĐBSCL.

Từ năm 2005, Viện Vắc xin và sinh phẩm y tế (trụ sở tại TP.Nha Trang thuộc Bộ Y tế) đã sản xuất đại trà và cho lưu hành 2 loại huyết thanh kháng nọc rắn hổ đất và rắn lục tre. Đây là 2 loại thuốc được sản xuất với nguyên liệu chính là nọc độc rắn hổ đất và rắn lục do Trại rắn Đồng Tâm cung cấp. VN cũng đã nghiên cứu, sản xuất thành công huyết thanh kháng nọc rắn hổ chúa và rắn chàm quạp. Ngoài ra, nọc rắn độc còn được dùng chế các thuốc giảm đau, chống viêm trong thấp khớp, đau cơ, đau dây thần kinh, tăng huyết áp, cầm máu, chống chảy máu nội tạng, khống chế tế bào ung thư, làm chậm sự lan truyền của các khối u...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.