Mỗi phụ huynh đóng quỹ lớp 10 triệu đồng: 'Nóng' các khoản thu ngay đầu năm học

28/09/2023 06:05 GMT+7

Hàng loạt vấn đề thu chi ở các trường, lớp tại các địa phương được phụ huynh phản ánh với báo chí, dù năm học 2023 - 2024 mới bắt đầu được chưa đầy 1 tháng.

THU HƠN 310 TRIỆU; CHI 225,5 TRIỆU ĐỂ SỬA 1 LỚP HỌC

Câu chuyện gây xôn xao khắp cộng đồng phụ huynh mới diễn ra tại lớp 1/2 Trường tiểu học Hồng Hà, Q.Bình Thạnh, TP.HCM.

Theo bảng thu chi quỹ phụ huynh (PH) lớp 1 này, đầu năm học, quỹ PH thu vào tổng cộng lên đến 313,3 triệu đồng và phần chi là hơn 260,328 triệu đồng. Lớp này có 32 học sinh (HS), mỗi PHHS đóng vào quỹ 10 triệu đồng.

Mỗi phụ huynh đóng quỹ lớp 10 triệu đồng: 'Nóng' các khoản thu ngay đầu năm học - Ảnh 1.

Lớp 1/2, Trường tiểu học Hồng Hà, Q.Bình Thạnh, TP.HCM. Phụ huynh lớp này chi cho việc sửa chữa lớp học là 225,5 triệu đồng

D.Q

Trong các phần chi, đáng chú ý là các phần chi liên quan đến sửa chữa lớp học. Như chi ứng trước cho nhà thầu sửa chữa phòng học 150 triệu đồng ngày 13.8.2023; chi thanh toán tiền sửa chữa phòng học 50 triệu đồng ngày 19.8.2023; chi tiền sơn bàn ghế (3,5 triệu đồng) + lót gạch bên hông lớp học (2 triệu) là 5,5 triệu đồng; chi trả tiền còn lại chi phí xây dựng lớp cho bên thầu xây dựng 20 triệu đồng… Như vậy, cộng lại, số tiền quỹ PH chi ra cho việc sửa chữa lớp học là 225,5 triệu đồng.

Trưa qua (27.9), cô Bùi Thị Hải Yến, Hiệu trưởng Trường tiểu học Hồng Hà, Q.Bình Thạnh, đã lên tiếng chính thức với báo chí về phản ánh thu chi. Cô Yến cho hay nhà trường đã kiểm tra, xác minh, khẳng định các khoản phí sửa chữa lớp học đầu năm của lớp 1/2 là khoản thu theo sự thỏa thuận, tự nguyện của PH. Nhà trường đã làm việc với giáo viên chủ nhiệm, PHHS cho dừng lại việc thu chi của lớp 1/2. "Còn riêng với khoản chi cho bảo mẫu, nhà trường đã yêu cầu ban đại diện cha mẹ HS dừng chi và bảo mẫu đã hoàn trả lại tiền đã nhận cho các PH. Sau sự việc này nhà trường sẽ họp rút kinh nghiệm, chấn chỉnh lại tình hình thu chi của lớp 1/2 cũng như các lớp trong trường", cô Yến nói.

Cho đến tối 27.9, PV Thanh Niên liên tục liên lạc với Trưởng, Phó phòng GD-ĐT Q.Bình Thạnh, TP.HCM để trao đổi về vấn đề trên thì không liên lạc được và không bắt máy.

Mỗi phụ huynh đóng quỹ lớp 10 triệu đồng: 'Nóng' các khoản thu ngay đầu năm học - Ảnh 2.

Bảng thu chi quỹ lớp đầu năm học 2023 - 2024 của Trường tiểu học Hồng Hà, Q.Bình Thạnh, TP.HCM

PHHS CUNG CẤP

PHỤ HUYNH CHOÁNG

Mức thu chi quỹ lớp đầu năm của lớp 1/2 Trường tiểu học Hồng Hà, Q.Bình Thạnh đã gây sốc trong cộng đồng PH, thể hiện qua hàng trăm bình luận của bạn đọc Báo Thanh Niên được gửi về tòa soạn.

Bạn đọc Trung Hà viết: "225,5 triệu đồng, đây là tiền sửa chữa phòng học sau khi trả cho bên thầu. Nên nhớ là chỉ sửa chữa 1 phòng học mà trường đã sử dụng cho năm học trước. Thật kinh khủng khiếp". Hay bạn đọc Phạm Duy Việt lên tiếng: "Quỹ lớp mỗi em góp vui 10 triệu, là tự nguyện thì có nghĩa không bắt buộc, hay biểu quyết quá 50% PH ủng hộ thì duyệt bắt buộc, nếu lỡ 1 PH nào đó không đóng thì giáo viên chủ nhiệm có gọi tên "tuyên dương" không?".

Bạn Nghi Chan thắc mắc: "Đầu năm PH đã có đóng khoản tiền "cơ sở vật chất" rồi mà lại còn thu khoản "sửa chữa phòng học", "xây dựng lớp" cho nhà thầu? Thế tiền cơ sở vật chất đi đâu rồi?".

KHẮP NƠI KÊU VỀ THU CHI

Ngày 27.9, PV Thanh Niên cũng liên tiếp nhận được các email, điện thoại phản ánh của PHHS về thu chi đầu năm học.

Một nhóm PH có con học Trường tiểu học Long Bình, TP.Thủ Đức, TP.HCM, phản ánh: "Ngay từ đầu năm học nhà trường không kiểm tra trang bị cơ sở vật chất trước mà chờ HS vào học thì giáo viên chủ nhiệm kêu gọi xã hội hóa. Các khoản chúng tôi phải đóng góp như: hỗ trợ bảng, mua bảng trượt, kẻ bảng, mua ghế chào cờ, trang trí lớp đầu năm, quạt, đèn…".

Sở GD-ĐT TP.HCM: Nghiêm cấm lợi dụng danh nghĩa ban đại diện cha mẹ HS

Ông Lê Hoài Nam, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết Sở GD-ĐT đã hướng dẫn các phòng giáo dục, các trường học về việc thu, sử dụng học phí và các khoản thu dịch vụ phục vụ hỗ trợ hoạt động giáo dục… của năm học 2023 - 2024.

Theo đó, các cơ sở giáo dục phải thông báo đầy đủ, công khai các khoản thu bằng văn bản đến PH, HS, sinh viên, nêu rõ nội dung các khoản thu theo quy định. Và giãn thời gian thực hiện các khoản thu; không tổ chức thu gộp nhiều khoản trong cùng một thời điểm...

Đối với kinh phí hoạt động của ban đại diện cha mẹ HS, lãnh đạo Sở nhấn mạnh nghiêm cấm việc lợi dụng danh nghĩa ban đại diện cha mẹ HS để thu các khoản thu ngoài quy định tại Thông tư số 55 của Bộ GD-ĐT.

Sở cũng lưu ý với các đơn vị giáo dục kinh phí hoạt động của ban đại diện cha mẹ HS do ban đại diện cha mẹ HS quản lý, sử dụng và chỉ phục vụ các hoạt động trực tiếp của ban đại diện cha mẹ HS.

Không sử dụng các khoản kinh phí của ban đại diện cha mẹ HS cho các mục đích sau: "Bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường, bảo đảm an ninh nhà trường, trông coi phương tiện tham gia giao thông của HS, vệ sinh lớp học, vệ sinh trường, khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường, mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên nhà trường, hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục, sửa chữa nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường" (điểm b, khoản 4, điều 10 Thông tư 55).

Bên cạnh đó, Sở cũng đề nghị hiệu trưởng, thủ trưởng đơn vị giáo dục thống nhất với trưởng ban đại diện cha mẹ HS trường để quyết định kế hoạch sử dụng kinh phí của ban đại diện cha mẹ HS trường; và chỉ sử dụng sau khi đã được toàn thể ban đại diện thống nhất ý kiến.

Bích Thanh

Một PH có con học Trường tiểu học N.H, TP.Thủ Đức cũng phản ánh với PV Thanh Niên: "Năm nào nhà trường cũng kêu gọi PH đóng góp bao gồm: tiền sửa chữa trường lớp (năm nào cũng sửa); tiền điện; tiền máy chiếu (năm nào cũng đóng); tiền văn nghệ; tiền in giấy khen và mua quà khen thưởng HS; tiền khuyến học; tiền nộp cho tổng hội cha mẹ HS của trường...".

Trước tình hình này, hôm qua, 27.9, Phòng GD-ĐT Q.Tân Bình, TP.HCM ban hành Công văn số 1649 về hướng dẫn vận động, quản lý, sử dụng kinh phí hoạt động của ban đại diện cha mẹ HS theo Thông tư số 55/2011/TT-BGDĐT. Công văn này gửi tới tất cả các hiệu trưởng, trường mầm non, tiểu học, THCS trên địa bàn quận. Đây là động thái rất kịp thời của quận trước tình trạng trường lớp ở nhiều địa phương trong cả nước bị phản ánh thu chi nhiều khoản tiền khiến PH khóc ròng.

B GD-ĐT QUY ĐỊNH THẾ NÀO ?

Thông tư số 55/2011/TT-BGDĐT quy định rõ đối với việc vận động, xây dựng quỹ hoạt động ban đại diện cha mẹ HS phải thực hiện theo điểm a, điểm b, khoản 1 điều 10 Thông tư 55/2011/TT-BGDĐT như sau:

Kinh phí hoạt động của ban đại diện cha mẹ HS lớp có được từ sự ủng hộ tự nguyện của cha mẹ HS và nguồn tài trợ hợp pháp khác cho ban đại diện cha mẹ HS lớp.

Mỗi phụ huynh đóng quỹ lớp 10 triệu đồng: 'Nóng' các khoản thu ngay đầu năm học - Ảnh 4.

Tin nhắn thông báo từ ban đại diện cha mẹ HS mà PH trường tiểu học N.H, TP.Thủ Đức, TP.HCM nhận được đầu năm học này

PHHS CUNG CẤP

Kinh phí hoạt động của ban đại diện cha mẹ HS trường được trích từ kinh phí hoạt động của các ban đại diện cha mẹ HS lớp theo khuyến nghị của cuộc họp toàn thể các trưởng ban ban đại diện cha mẹ HS lớp đầu năm học và nguồn tài trợ hợp pháp khác cho ban đại diện HS trường.

Về nguyên tắc thu và các quy định khác có liên quan, thực hiện theo khoản 3, khoản 4 điều 10 Thông tư 55: "Việc thu, chi kinh phí của ban đại diện cha mẹ HS phải bảo đảm nguyên tắc công khai, dân chủ: Sau khi chi tiêu phải báo cáo công khai quyết toán kinh phí tại các cuộc họp toàn thể cha mẹ HS lớp và các cuộc họp toàn thể ban đại diện cha mẹ HS trường. Không quy định mức kinh phí ủng hộ bình quân cho các cha mẹ HS".

Ban đại diện cha mẹ HS không được quyên góp của người học hoặc gia đình người học về các khoản ủng hộ không theo nguyên tắc tự nguyện; các khoản ủng hộ không phục vụ trực tiếp cho hoạt động của ban đại diện cha mẹ HS.

Ngoài ra, Bộ GD-ĐT nhấn mạnh cơ sở giáo dục không tiếp nhận tài trợ để chi trả các khoản: thù lao giảng dạy; các khoản chi liên quan trực tiếp cho cán bộ quản lý, giáo viên, giảng viên và nhân viên, các hoạt động an ninh, bảo vệ; thù lao trông coi phương tiện tham gia giao thông của HS; thù lao duy trì vệ sinh lớp học, vệ sinh trường; khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên; các chi phí hỗ trợ công tác quản lý của cơ sở giáo dục. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.