Mới ra trường, ưu tiên kiếm tiền hay kinh nghiệm?

15/08/2024 12:44 GMT+7

Sau khi tốt nghiệp, nhiều người trẻ phải chấp nhận công việc với thu nhập thấp để tích lũy kinh nghiệm. Tuy nhiên, không đủ tài chính trang trải cuộc sống cá nhân, người trẻ phải lựa chọn ra sao?

Khó bề lựa chọn

H.T.H (23 tuổi), trú tại 128/58F Lê Văn Duyệt, P.1, Q.Bình Thạnh, TP.HCM, sau gần 4 tháng từ khi tốt nghiệp ngành sư phạm vật lý, H. có ứng tuyển vào một số trường trung học. Tuy nhiên, hồ sơ của H. gửi đi không có phản hồi hoặc bị từ chối vì kinh nghiệm làm việc chưa phù hợp với yêu cầu của trường. Hiện tại, H. chấp nhận dạy thêm và làm những công việc bán thời gian để tiếp tục xin việc.

Mới ra trường, ưu tiên kiếm tiền hay kinh nghiệm?- Ảnh 1.

Sinh viên các trường đại học tham gia một ngày hội việc làm tại TP.HCM

PHÚC KHA

"Khi mới ra trường, tìm công việc ổn định, đúng ngành nghề sẽ rất khó. Thế nhưng mình cũng hiểu rằng đây là vấn đề của nhiều người chứ không riêng gì bản thân mình, vì vậy trong thời gian này mình vẫn sẽ kiên trì tìm việc và sẽ cố gắng dạy thêm, làm gia sư để có thu nhập và tăng vốn kinh nghiệm, từ đó khả năng được tuyển dụng cũng sẽ cao hơn", H. nói.

Chuyện sinh viên mới ra trường, khi "chân ướt chân ráo", kinh nghiệm chưa nhiều, bắt đầu với những vị trí như: thực tập sinh, cộng tác viên là điều tất yếu. Tuy nhiên, ngặt nghèo ở chỗ khi ra trường phải đối mặt với việc tự chủ tài chính cho bản thân, chưa kể tới trách nhiệm hỗ trợ tài chính gia đình và có kế hoạch cho những khoản dự phòng khác.

Trước thực trạng này, nhiều người chọn cách ưu tiên kiếm tiền với các công việc trái ngành, mang tính chất thời vụ để có nguồn thu nhập tạm thời. Bên cạnh đó, cũng có người vẫn chọn kiên trì với nghề nghiệp của mình, nhưng buộc phải đối mặt với tài chính eo hẹp. Có trường hợp không thể cân bằng được, buộc "đứt gánh giữa đường" với công việc ước mơ.

Điển hình như Nguyễn Hoàng Bảo Uyên (25 tuổi) trú tại đường Mai Xuân Thưởng, P.Vĩnh Hoà, TP.Nha Trang, Khánh Hòa đã tốt nghiệp ngành văn hóa học được 2 năm. Uyên cho biết khi vừa ra trường, cô cũng tìm hiểu và ứng tuyển vào nhiều cơ quan. Tuy nhiên, vì không có nhiều kinh nghiệm nên không trúng tuyển. Có một số cơ quan chấp nhận tuyển dụng với vị trí cộng tác viên, tuy nhiên chỉ có phụ cấp khoảng 2 triệu đồng và phải chấp nhận không lương. Uyên không thể làm được vì không đủ chi phí ăn ở và đi lại, chưa tính các chi phí sinh hoạt khác.

Uyên chọn làm một công việc trái ngành để trang trải chi tiêu hằng ngày và tích lũy tài chính để có thể bắt đầu lại với ngành nghề mình mong muốn. Hiện Uyên đang làm nhân viên chăm sóc khách hàng cho một phòng khám đa khoa. Tuy không liên quan đến chuyên ngành đã học nhưng công việc này giúp Uyên có thu nhập tương đối ổn định, đảm bảo chi trả tốt những nhu cầu của bản thân.

Tuy vậy, sau 2 năm nhìn lại, Uyên cho rằng kiến thức và kỹ năng đã được đào tạo để phục vụ nghề nghiệp cô mong muốn đã dần mai một do không sử dụng đến, nếu bắt đầu lúc này, "vạch đích" mà cô hướng tới còn xa vời hơn 2 năm trước.

"Bản thân mình rất muốn được làm công việc đúng với ngành học, tuy nhiên có quá nhiều thứ khiến mình phải đắn đo mà vướng mắc lớn nhất là thu nhập. Mình nghĩ sẽ rất khó để bám trụ với nghề khi không đảm bảo chi tiêu", Uyên bộc bạch.

Giải pháp nào cho sinh viên mới ra trường?

Ông Nguyễn Vũ Huy Hoàng, Giám đốc Công ty TNHH Truyền thông Hmedia cho biết: "Chưa chắc khi chọn lựa một công việc trái ngành, bạn đã có một mức lương cao. Và thường nếu chọn những công việc như thế, sẽ "dậm chân tại chỗ" và không có bước phát triển mới trong công việc. Ngược lại, tôi cho rằng vẫn có công việc đúng ngành nghề đáp ứng được khả năng tài chính của sinh viên mới ra trường. Các bạn nên nhìn nhận lại xem mình đã tìm kiếm nghiêm túc chưa hay chỉ vừa thấy vài thông tin tuyển dụng không phù hợp thì đã nản chí".

Ông Hoàng cũng cho rằng nếu nói sinh viên mới ra trường chưa có kinh nghiệm là chưa đúng. Thực tế có rất nhiều bạn trẻ đã có công việc đúng chuyên môn, có thu nhập từ khi còn trên ghế nhà trường. Vậy để không gặp khó khăn tìm việc khi mới ra trường, ngoài việc trang bị kiến thức, các bạn cần tìm kiếm những công việc làm thêm đúng chuyên ngành ngay khi đang học để trau dồi kỹ năng và trải nghiệm thực tế cho bản thân. Từ đó, khi vừa tốt nghiệp, các bạn đã có cho mình vốn kinh nghiệm và tự tin hơn khi bước vào thị trường lao động".

Ông Trần Anh Tuấn, chuyên gia dự báo nguồn nhân lực, Phó chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TP.HCM, cho biết: "Đại đa số sinh viên khi ra trường phải chấp nhận làm thực tập sinh, cộng tác viên, nhân viên tập sự ở các cơ quan, doanh nghiệp để học hỏi kinh nghiệm. Đó là điều tất yếu để phục vụ cho một sự nghiệp bền vững, lâu dài và có định hướng suốt đời. Không có bất cứ ngành nghề nào, con người nào khi mới bước chân vào doanh nghiệp đã có thể làm tốt công việc của mình và có một mức lương cao như mong đợi".

Điều đó tương đương với việc bạn phải đầu tư nhiều thời gian và chấp nhận mức thu nhập thấp trong giai đoạn này. Nếu có quyết tâm theo nghề bắt buộc phải đi lên từ những bước khó khăn ban đầu, dám đương đầu, dám theo đuổi ước mơ của mình.

Thế nhưng cũng phải nói đến trường hợp có nhiều bạn có hoàn cảnh, khi ra trường bắt buộc phải bươn chải kiếm tiền. Lúc này tự mỗi người phải cân nhắc và lựa chọn con đường phát triển cho mình vì chỉ bản thân bạn mới đánh giá được đâu là lựa chọn phù hợp nhất và có trách nhiệm với quyết định của mình.

Nếu vẫn quyết tâm theo đuổi nghề nghiệp chuyên môn, giải pháp cho các bạn chính là đầu tư thời gian và công sức nhiều hơn. Trong giai đoạn hiện nay nhiều bạn trẻ chọn cách làm nhiều công việc cùng một lúc. Các bạn phải chấp nhận làm công việc đúng chuyên ngành của mình với mức lương không cao để học hỏi kinh nghiệm, song song với đó tìm thêm một công việc tay trái để có thêm thu nhập trang trải. Có thể con đường tới đích của các bạn sẽ xa hơn và vất vả hơn, tuy nhiên nếu thực sự muốn theo đuổi ước mơ của mình thì đây là giải pháp thích hợp.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.