Áp dụng chuyển đổi số để giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc
Tại buổi thảo luận, các đại biểu đã đưa ra nhiều ý kiến, đề xuất giải pháp trong công tác tuyên truyền, giáo dục về giá trị văn hóa, bản sắc và truyền thống dân tộc; những giải pháp trong công tác nắm bắt tình hình tư tưởng, các nhu cầu hưởng thụ văn hóa, thị hiếu thẩm mỹ của sinh viên; chia sẻ các mô hình hay, cách làm hiệu quả tại đơn vị góp phần giúp sinh viên tiếp cận và yêu thích các giá trị văn hóa truyền thống.
Trong đó, nhiều ý kiến đã đề xuất phải có một kênh thông tin chính thống để giới trẻ, sinh viên tìm hiểu về văn hóa của dân tộc Việt Nam. Từ đó có thể phát huy các kiến thức về văn hóa, cội nguồn của dân tộc đến mọi thế hệ, vươn ra thế giới.
Đại biểu Trần Thị Quỳnh Anh, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, cho biết Việt Nam có 54 dân tộc nhưng thông tin về các dân tộc rất hạn chế và khó tìm trên mạng. Nếu có thì chỉ là những thông tin chung, thậm chí chưa được kiểm chứng.
Chính vì vậy, Trần Thị Quỳnh Anh cho rằng để giúp sinh viên tìm hiểu bản sắc văn hóa của mỗi dân tộc, cần những kênh thông tin có đầy đủ nội dung này.
Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Đặng Hoàng Trọng cho rằng, trang thông tin về văn hóa không chỉ chứa thông tin, văn bản mà còn phải có những video, hình ảnh để sinh viên tại Việt Nam hay những người ở nước ngoài có thể hình dung rõ hơn về truyền thống, bản sắc văn hóa của mỗi địa phương, mỗi vùng miền.
Chị Nguyễn Phương Thảo, Phó bí thư Tỉnh đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên tỉnh Quảng Ninh, chủ trì buổi thảo luận, đánh giá đây là ý kiến hay. Trong bối cảnh công nghệ số phát triển mạnh mẽ như hiện nay, tất cả các sinh viên đều có thể cùng nhau chung tay xây dựng công trình để lan tỏa bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam đến mọi người.
Mỗi sinh viên là một đại sứ văn hóa
Bên cạnh việc áp dụng chuyển đổi số, một số đại biểu cho rằng cần tổ chức các hội thảo, tọa đàm, triển lãm văn hóa gắn liền với hướng nghiệp, những chương trình liên quan đến ngày lễ lớn để sinh viên luôn ghi nhớ về văn hóa cội nguồn.
Để làm được điều này, đại biểu Bạch Thị Phương Anh, Hội Sinh viên Việt Nam tại Hàn Quốc, cho biết hiện nay, du học sinh Việt Nam tại Hàn Quốc là 76.000 người. Với số lượng đông đảo như vậy, mỗi năm ban lãnh đạo Hội Sinh viên Việt Nam tại Hàn Quốc tổ chức nhiều chương trình liên quan đến những ngày lễ lớn của Việt Nam để họ dù ở xa quê nhưng không cảm thấy cô đơn, nhớ nhà.
Đại biểu Trần Ngọc Bảo Duy, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, cho rằng cần có một kênh chính thống về văn hóa và tạo ra nhiều cuộc thi về lịch sử để sinh viên có thể nắm bắt kiến thức. "Làm sao để mỗi sinh viên là một đại sứ văn hóa lan tỏa những điều tốt đẹp đến những người xung quanh", Trần Ngọc Bảo Duy nói.
Ý kiến tổ chức những cuộc thi về lịch sử cũng là đề xuất chung của nhiều đại biểu. Họ cho rằng sinh viên phải hiểu được lịch sử văn dân tộc, đó là hành trang để bước vào cuộc đời.
Đại biểu Nguyễn Lê Việt Hà, Học viện Cảnh sát nhân dân, chia sẻ trong môi trường của mình, vấn đề giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc khá tốt, khi học viên Học viện Cảnh sát nhân dân được đi tham quan thực tế tại các "địa chỉ đỏ" tại Hà Nội, Nghệ An, Hải Dương, Hà Tĩnh...
Bên cạnh đó, các đề tài nghiên cứu khoa học về lịch sử cần được đưa đến với sinh viên. "Đây là đề tài khó nhưng được đánh giá cao và nhiều người chú ý. Cá nhân tôi năm ngoái có đề tài nghiên cứu về thời nhà Lý - Trần và giành giải nhất cuộc thi của Học viện Cảnh sát nhân dân. Những kiến thức như thế sẽ giúp sinh viên nắm chắc cội nguồn để phát huy bản sắc văn hóa dân tộc", đại biểu Nguyễn Lê Việt Hà nói.
Bình luận (0)