Tính bình quân mỗi tháng, người tiêu dùng tại Việt Nam chi hơn 44.000 tỉ đồng để đi ăn, lưu trú bên ngoài gia đình. Ngoài ra, thống kê cũng cho thấy, trong 10 tháng, thu từ du lịch lữ hành lên đến 33.500 tỉ đồng và chi các dịch vụ khác là 420.000 tỉ đồng.
Cũng theo Tổng cục Thống kê, trong 10 tháng, người Việt đã phóng tay chi tiêu hơn 3,6 triệu tỉ đồng, tăng hơn 11,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, riêng doanh thu bán lẻ chiếm chủ yếu và đạt 2,7 triệu tỉ đồng, chiếm đến 75,3% tổng mức và tăng 12,2% so với cùng kỳ.
Mặc cho nhiều khó khăn khiến số doanh nghiệp rời bỏ nền kinh tế tăng mạnh, số liệu trên cho thấy chi tiêu tại thị trường Việt Nam đang ở mức khá tích cực. Trong đó, TP.HCM là thị trường có sức mua mạnh nhất với mức tăng trưởng 13,3%, vị trí thứ 2 là Thanh Hóa tăng 13,2% và Bình Định tăng 12,7%.
Chi tiêu tăng mạnh ở khâu dịch vụ, mua sắm. Tuy nhiên, một số liệu đáng suy ngẫm là lượng doanh nghiệp làm ăn “bết bát” cũng tăng mạnh trong 10 tháng qua. Cụ thể, theo Bộ KH-ĐT và Tổng cục Thống kê, áp lực cạnh tranh ngày càng lớn và khiến số lượng doanh nghiệp rời bỏ nền kinh tế gia tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái. Tính từ đầu năm đến nay, cả nước đã có 78.404 doanh nghiệp đăng ký dừng hoạt động, tăng đến 48,5% và 13.307 doanh nghiệp giải thể, tăng 35,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo phân tích của chuyên gia kinh tế, hai số liệu này hoàn toàn không mâu thuẫn. Trong khi tiêu dùng trong nước tăng, số doanh nghiệp giải thể cũng tăng có thể đặt giả thuyết thị trường tiêu thụ hàng hóa đang phụ thuộc khá lớn vào hàng nhập hơn hàng sản xuất nội địa. Số liệu mới nhất từ Tổng cục Hải quan cho thấy, tính đến ngày 15.10, nhập khẩu tăng hơn 12% so cùng kỳ năm trước, với tổng giá trị tăng gần 20 tỉ USD, tính trung bình Việt Nam tăng nhập 2 tỉ USD/tháng. Trong đó, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nhập khẩu tăng 12,1% (tương ứng tăng gần 12 tỉ USD), chiếm hơn 60% tổng giá trị kim ngạch nhập khẩu của cả nước.
Bình luận (0)