Quan hệ song phương với Ukraine chỉ là một trong những mục tiêu mà Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe theo đuổi với lời mời Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko sang thăm.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko trong lễ đón tiếp ông Abe đến thăm Ukraine năm 2015 - Ảnh: Reuters |
Trên danh nghĩa, ông Poroshenko đến Nhật để đáp lại chuyến thăm Ukraine năm ngoái của ông Abe. Trong thực chất, dụng ý của ông Abe còn sâu xa hơn rất nhiều.
Nhật Bản hiện là chủ tịch đương nhiệm của G7. Nhóm này vốn là G8 nhưng các thành viên khác quyết định loại Nga ra do liên quan đến cuộc khủng hoảng tại Ukraine. Trong hội nghị cấp cao của G7 vào tháng 5 tới, Nhật chủ ý đưa vấn đề Ukraine và quan hệ Kiev - Moscow thành một trong những chủ đề trung tâm với hàm ý muốn đảm trách vai trò trung gian hòa giải.
Một khi gây dựng được vai trò ấy, tức là phải được Nga lẫn Ukraine công nhận, thì Nhật có lý do để tiếp xúc trực tiếp với Nga mà không lo ngại những đồng bạn trong G7 lẫn phương Tây nói chung phản đối. Trước khi xảy ra chuyện ở Ukraine, Thủ tướng Abe và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã gặp nhau 5 lần.
Giữa hai nước tồn tại dai dẳng chuyện tranh chấp chủ quyền đối với nhóm đảo Nam Kuril/vùng lãnh thổ phía bắc. Ông Abe ý thức được rằng chỉ có tăng cường tiếp xúc và đối thoại thì mới có cơ may đạt được với Nga giải pháp chính trị nào đấy về vấn đề này theo hướng chấp nhận được.
Ngoài ra, Tokyo rất quan tâm đến nguồn năng lượng và nhu cầu phát triển cơ sở hạ tầng của Moscow. Cải thiện quan hệ với Nga còn giúp Nhật thoát khỏi tình thế bị cô lập ở Đông Bắc Á do trục trặc quan hệ với CHDCND Triều Tiên, Hàn Quốc và Trung Quốc.
Bình luận (0)