“Các dự án họ (DNNN - PV) được bảo lãnh vay vốn làm xi măng giờ chẳng có khả năng trả nợ, trong khi DN mình từ đồng vốn đầu tiên, đến đồng vốn cuối cùng phải tự thu xếp. Có những thời điểm, ngân hàng từ chối cho vay, phải vay tín dụng “đen” với lãi suất cao gấp 2-5 lần ngân hàng”, ông này nói.
Trên thực tế, mỗi khi có nhu cầu vay vốn, doanh nghiệp tư nhân (DNTN) phải thực hiện nhiều thủ tục phức tạp, ngay cả khi có thế chấp cũng chỉ được vay dưới 50% giá trị tài sản. “DNTN không bằng DNNN”, nhận thức này đang là rào cản tạo ra rất nhiều bất bình đẳng trong nhiều lĩnh vực, bất chấp chủ trương của Đảng, Nhà nước là tạo môi trường bình đẳng cho mọi thành phần kinh tế.
Kinh nghiệm từ các chaebol Hàn Quốc cho thấy sự thành công và thất bại của DN không bắt nguồn từ chế độ sở hữu. Kết quả kinh doanh kém của một số DNNN trong thời gian vừa qua không phải là do DN đó thuộc sở hữu nhà nước, mà do ông chủ nhà nước đã không thuê được người quản lý và điều hành kinh doanh giỏi, lại không có cơ chế giám sát và đánh giá kết quả một cách thường xuyên và có hiệu quả. Thiếu một cơ chế quản lý và giám sát kinh doanh tốt thì ngay cả một số chaebol lớn nhất ở Hàn Quốc vẫn phá sản cho dù chúng thuộc quyền sở hữu tư nhân ở dạng triệt để nhất.
DNNN thực sự đã đóng vai trò nòng cốt, phát huy tốt trong điều kiện nền kinh tế tập trung bao cấp, nhưng nó đang tỏ ra thiếu năng động, kém hiệu quả với kinh tế thị trường. Chỉ số ICOR cao một cách đáng ngại (khoảng 8 - 14) ở khu vực nhà nước so với khoảng 3 - 5 ở khu vực tư nhân đang chứng minh rằng, sự ưu ái cho DNNN thực sự đã mất tác dụng.
Đổi mới mô hình tăng trưởng và tái cấu trúc nền kinh tế đang là cơ hội vàng để thay đổi hẳn thái độ và quan điểm, để phát triển bền vững, cần tạo ra môi trường cạnh tranh bình đẳng thực sự, bắt buộc tất cả các DN cạnh tranh nhau, không ưu ái cho bất cứ khu vực DN nào để phát triển bền vững. Các ưu đãi (nếu có) từ nhà nước chỉ nên xuất phát từ một tiêu chí duy nhất là các lĩnh vực chiến lược quốc gia cần ưu tiên trong một giai đoạn nào đó mà không bắt đầu từ chế độ sở hữu.
Đã đến lúc chỉ nên có 2 loại hình: DN VN (hay DN trong nước) với DN có vốn đầu tư nước ngoài trong nền kinh tế VN. Nhà nước đầu tư tập trung vào bất kỳ DN VN nào kinh doanh và vận hành có hiệu quả, có thể mang lại nguồn lợi cho đất nước, đủ sức cạnh tranh quốc tế mà không phụ thuộc chế độ sở hữu. Chỉ có như vậy, Nghị quyết Đảng mới thực sự đi vào cuộc sống.
An Nguyên
Bình luận (0)