Môi trường cần hành động

08/10/2016 06:00 GMT+7

Những chia sẻ “chua xót” về tình trạng ô nhiễm do các nhà máy thuộc ngành công thương gây ra của Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh đang được phát đi khá mạnh mẽ trên truyền thông.

Có lẽ hiếm khi người dân được nghe những lời tâm can, trăn trở như thế của người đứng đầu ngành công thương. Tuy nhiên, bên cạnh những chia sẻ đó, chưa nhiều cam kết và chương trình hành động mạnh mẽ được đưa ra để người dân giám sát được các mốc cụ thể xử lý vấn đề ô nhiễm. Ngành công thương được xem là nhiều điểm nóng gây ô nhiễm nhất từ luyện thép, nhiệt điện, than… nhưng cũng là ngành thường “né” nhiều nhất trong những cuộc truy đuổi trách nhiệm về môi trường.
Từ lời nói đến hành động là một quãng đường quá xa, đã nghe quá nhiều cam kết nên cái nhiều người chờ đợi là số phận các dự án nóng về môi trường như nhà máy giấy bức tử sông Hậu, hay nhà máy xử lý nước thải dệt nhuộm tại Khu công nghiệp dệt may Phố Nối của Tập đoàn dệt may xả thẳng ra môi trường rồi rất nhiều dự án khác… sẽ được Bộ Công thương giải quyết thế nào.
Hoan nghênh ý kiến của Bộ trưởng Tuấn Anh, nhưng ông Phạm Quang Tú, nguyên Viện trưởng Viện Tư vấn phát triển - chuyên gia môi trường, cũng băn khoăn bày tỏ sau những lời tuyên bố trên, liệu mọi thứ có tiếp tục chìm vào im lặng. “Không thể chờ các tập đoàn, tổng công ty tự chủ động sửa lỗi, Bộ phải giao bằng văn bản cụ thể đến các đơn vị như Cục Môi trường rà soát lại tất cả các báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM), giám sát quy trình khắc phục các sai sót về mặt môi trường, có chế tài cụ thể với các dự án chậm xử lý, khắc phục”, ông Tú nói.
Một thực tế khác, cơ quan quản lý ở đây là Bộ Công thương và các bộ liên đới như TN-MT, KH-CN... đang trong tình trạng chạy theo để yêu cầu doanh nghiệp khắc phục sai sót khi sự đã rồi. Trong khi từ khâu đầu vào là báo cáo ĐTM đến quá trình nghiệm thu, giám sát lại đang bị để hổng quá lớn, nhưng cũng chưa có cá nhân nào chịu trách nhiệm các khâu trên bị kiểm điểm, xử lý. Báo cáo ĐTM tới nay vẫn chỉ được xem là “vật trang trí” đủ thủ tục quy trình để dự án được thông qua, doanh nghiệp thực hiện sơ sài, cơ quan thẩm định cũng dễ dàng nhắm mắt cho qua.
Bài học Formosa cũng như nhiều dự án gây ô nhiễm khác cho thấy những lỗ hổng từ khâu làm báo cáo ĐTM cũng như quy trình giám sát còn lỏng lẻo của các bộ liên quan. Sẽ còn rất nhiều sự cố ô nhiễm khác được phanh phui ra nếu không giải quyết được phần gốc này, thay đổi cách làm, thái độ thẩm định báo cáo ĐTM và rà soát chặt chẽ từng khâu của dự án, từ nhập công nghệ có lạc hậu không đến quy trình xả thải có được thực hiện đầy đủ, đúng quy định?
Không chỉ Bộ Công thương hay các bộ ngành liên quan, vai trò của chính quyền địa phương trong giám sát, thanh kiểm tra tại chỗ cũng rất quan trọng. Sự phân định vai trò là cần thiết để tránh tình trạng né trách nhiệm. Và hơn hết, nếu bản thân mỗi cơ quan hành động đúng, đủ trách nhiệm ngay từ đầu thì có lẽ bản thân những người đứng đầu sẽ không còn phải chia sẻ lời nói bàng hoàng, đau xót khi sự cố xảy ra nữa.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.