|
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết nhờ có nguồn vốn FDI mà sau 25 năm, bình quân tăng trưởng GDP đạt 7%/năm. Việt Nam là điểm đến tin cậy của nhiều nhà đầu tư nước ngoài. Đây là chủ trương đúng đắn, góp phần quan trọng thực hiện nhiều mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Bên cạnh những kết quả đạt được, Thủ tướng cũng chỉ ra những hạn chế yếu kém trong thu hút dòng vốn FDI, như: tỷ trọng đầu tư nước ngoài trong các lĩnh vực còn mất cân đối, đặc biệt vốn cho nông - lâm ngư nghiệp còn thấp. Giải ngân vốn đầu tư đạt khoảng 100 tỉ USD, tương đương 47% tổng vốn đăng ký vẫn còn chậm. Năng suất lao động chưa cao, đầu tư có hạm lượng công nghệ cao, công nghệ mới còn chiếm tỷ lệ thấp...
95% công nghệ lạc hậu
|
Bộ Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT) cho biết các doanh nghiệp (DN) khu vực này nhập 80% dây chuyền công nghệ trung bình, chỉ có 5% công nghệ cao, còn lại là cũ kỹ, lạc hậu. Theo Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Bùi Quang Vinh: Việt Nam trở thành điểm đến của các tập đoàn lớn như Toyota, Samsung, Intel, Canon… nhưng đó chỉ là số ít, còn lại phần lớn dự án sử dụng công nghệ cao còn thấp; tình trạng cấp giấy chứng nhận đầu tư không phù hợp, chưa được thẩm tra; đời sống công nhân lao động còn khó khăn dẫn tới đình công, bãi công...
Đặc biệt, theo Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Đào Quang Thu, đang có hiện tượng chuyển giá, trốn thuế tại các DN FDI với xu hướng ngày càng tinh vi như: nâng khống giá trị góp vốn (máy móc, thiết bị, bản quyền); nâng khống giá trị mua bán đầu vào, phí quản lý, trả lương, đào tạo… tạo ra tình trạng lãi thật, lỗ giả gây thất thu ngân sách, làm cho đa số bên VN phải rút khỏi khối liên doanh. GS Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài, cho rằng để các DN nước ngoài chuyển giá, trốn thuế có phần trách nhiệm không nhỏ của người xây dựng chính sách, khi đã tạo ra lỗ hổng, kẽ hở và không kịp thời bịt nó lại. Bên cạnh đó cũng theo GS Nguyễn Mại, do thu hút nhiều công nghệ lạc hậu, cũ kỹ dẫn tới nhiều vụ việc ô nhiễm môi trường như sông Thị Vải, vụ kiện cáo ở Đồng Nai kéo dài.
“Kéo” công nghệ hiện đại về
|
Thủ tướng cho biết cả năm qua ông phải trực tiếp ngồi với các bộ, địa phương xử lý cơ chế, thủ tục dự án nhận thấy còn nhiều điều phải phấn đấu. Như làm việc trực tiếp với Bắc Ninh thu hút, mở rộng đầu tư Samsung. Dự án đầu tư chỉ 2 tỉ USD, nhưng năm 2012 xuất khẩu được 12,6 tỉ USD. Mới đây tổ hợp nhà máy thứ hai của Samsung tại Thái Nguyên khoảng 3,2 tỉ USD, có công nghệ cao hơn, giá trị xuất khẩu 20 tỉ USD/năm. Nhà đầu tư cam kết cuối năm nay có sản phẩm, thu hút 20.000 đến 30.000 lao động. Hay làm việc trực tiếp suốt 2 năm trời để cấp phép cho nhà máy lọc hóa dầu tại Nghi Sơn, Thanh Hóa.
“Qua thực tế cho thấy còn nhiều điều chúng ta phải cải cách. Nếu chúng ta dừng lại không cải cách, mỗi dự án mà Thủ tướng phải ngồi trực tiếp xử lý từng cái một thì cạnh tranh không kịp. Rất mong rằng các đồng chí thấy cái vị trí quan trọng của thu hút đầu tư nước ngoài vào phát triển kinh tế để tập trung sức tạo ra môi trường thuận lợi, cạnh tranh
hơn. Thay đổi phải theo hướng thuận lợi hơn, còn thay đổi mà khó khăn hơn, quy định phức tạp hơn thì làm sao thu hút được”, Thủ tướng nói.
Để tạo ra được làn sóng thu hút đầu tư nước ngoài mới vào VN, Thủ tướng chỉ đạo phải rà soát chính sách để thu hút đầu tư, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, giá trị gia tăng cao. Ưu tiên dự án công nghệ thông tin, sinh học. Ưu đãi công nghiệp hỗ trợ, làm sản phẩm được hưởng ưu đãi, cao hơn cho DN nằm trong chuỗi sản xuất tạo ra giá trị gia tăng cao tại VN…
Ngay sau hội nghị lần này, Chính phủ sẽ ban hành Nghị quyết về định hướng nâng cao hiệu quả thu hút, sử dụng và quản lý vốn FDI trong thời gian tới. Nghị quyết định hướng thu hút vốn đến năm 2020 theo hướng chọn lọc dự án có chất lượng, giá trị gia tăng cao, sử dụng công nghệ hiện đại. Dự thảo đề ra 12 giải pháp, giao cho các bộ ngành phải hoàn thiện cơ chế chính sách ưu đãi, xúc tiến thương mại, phát triển công nghiệp phụ trợ...
Tham nhũng làm nản lòng DN Các DN châu Âu và DN nước ngoài khác ngày càng nản lòng và mệt mỏi với nạn tham nhũng hiện vẫn đang lan tràn, len lỏi và tiếp tục có ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường kinh doanh tại Việt Nam. Các DN đã kỳ vọng rằng tình trạng sẽ được cải thiện đáng kể sau khi Việt Nam phê chuẩn Công ước Liên Hiệp Quốc về chống tham nhũng (UNCAC) vào tháng 6.2009. Đây là sáng kiến toàn cầu duy nhất đưa ra một khung pháp lý cho việc xóa bỏ nạn tham nhũng. Tuy nhiên, cho đến nay các DN vẫn phải tiếp tục đối mặt với các vấn đề về tham nhũng liên quan đến việc xin giấy chứng nhận đầu tư, phê duyệt pháp lý, nhập khẩu hàng hóa vào Việt Nam, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ cũng như các quyền hợp pháp khác. Ông Mark Gillin (Phó chủ tịch Phòng thương mại Mỹ tại Việt Nam - Amcham) |
Anh Vũ
Bình luận (0)