Món ăn bài thuốc: Vị thuốc từ la hán quả giúp giải nhiệt mùa nắng

29/06/2021 09:04 GMT+7

La hán quả chứa nhiều vitamin, có vị ngọt tự nhiên nên thường sử dụng để giải nhiệt mùa nắng, trị viêm họng hiệu quả.

Bác sĩ chuyên khoa 2, Huỳnh Tấn Vũ, Trưởng Đơn vị Điều trị ban ngày cơ sở 3, Bệnh viện đại học Y dược TP.HCM, cho biết: La hán quả còn có tên là quang quả mộc miết, là đặc sản của vùng Quế Lâm (thuộc tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc). Quả có vỏ cứng nhỏ, hình cầu hay hơi trái xoan.
La hán quả là loại quả khá quen thuộc và là nguyên liệu không thể thiếu của các loại nước sâm giải nhiệt trong mùa nắng nóng. Hiện nay, la hán quả được chế biến thành nhiều dạng chế phẩm hay bán ở dạng quả khô để dùng pha nước giải khát khá phổ biến.
Về thành phần hóa học, quả la hán có 25 - 38% đường (10 - 18% fructose và 5 - 15% glucose); có saponin tritecpen mang vị ngọt tự nhiên, chất nhầy (D-mannitol), protein, vitamin C và nhiều nguyên tố vi lượng có ích (Mn, Fe, Zn, Se, Iốt...).
“Do có các saponin tritecpen có vị ngọt đặc biệt cao, vị ngọt tự nhiên gấp 3-4 lần đường mía mà lại ít calo nên quả la hán rất phù hợp cho bệnh nhân đái tháo đường”, bác sĩ Vũ nhấn mạnh.
Nghiên cứu gần đây cho thấy la hán cũng có tác dụng hỗ trợ phòng chống ung thư, kháng khuẩn, chống viêm, chống lão hóa. Đặc biệt tác dụng làm dịu các kích ứng niêm mạc họng hầu trong các trường hợp viêm thanh khí quản, viêm họng.
Theo Đông y, quả la hán vị ngọt, tính mát; vào phế, đại tràng, tác dụng thanh nhiệt, nhuận phế, nhuận tràng, thông tiện. Dùng cho các trường hợp cảm sốt, viêm khí quản, ho gà, lao phổi gây ho, viêm họng, mất tiếng, ho nhiều đờm, táo bón, bệnh tiểu đường.
La hán quả được dùng theo kinh nghiệm lâu đời của những dân tộc vùng Quế Lâm (Quảng Tây) từ hơn 200 năm, uống vào có tác dụng chữa sốt, dịu cổ họng, long đờm, chữa ho, dùng cho cả nam, lẫn nữ, người già cũng như trẻ, có thể uống quanh năm.
Ngoài ra, la hán quả đem lại công dụng tốt cho các trường hợp cảm sốt, viêm khí quản, ho gà, lao phổi gây ho, viêm họng, mất tiếng, ho nhiều đờm, táo bón và dùng được cho người đái tháo đường. La hán quả có hàm lượng calo và glycemic thấp nên được sử dụng làm chất tạo ngọt trong đồ uống và thực phẩm nấu chín.
Do đó ngoài tác dụng giải nhiệt, la hán quả còn được sử dụng như một vị thuốc trong y học cổ truyền.
Dưới đây là một số bài thuốc từ la hán quả.

Bài thuốc từ la hán quả

- Chữa dị ứng, ho gà ho dài ngày thành cơn (nước la hán mứt hồng): Sử dụng la hán 1 quả, mứt hồng 1 quả. Đem thái lát, đập vụn, thêm nước nấu sắc ngày 1 lần.
- Chữa lao phổi, viêm khí phế quản, viêm họng khô có nóng sốt, ho khan ít đờm (sirô bối mẫu quả la hán): Dùng xuyên bối mẫu 10 g, la hán quả 1 trái. La hán nghiền vụn, thêm ít đường mật với lượng thích hợp, nấu sắc kỹ, chia 2 lần ăn trong ngày.
- Chữa viêm họng, mất tiếng, cảm nắng, táo bón (nước la hán quả): Nguyên liệu la hán 1 - 2 quả. Đập giập, thái vụn, pha hãm như pha trà hoặc nấu thành nước uống ngày 1 - 2 lần.
+ Nước la hán hạnh nhân: la hán 1 quả, hạnh nhân 10 g. La hán nghiền đập vụn, sắc cùng hạnh nhân lấy nước. Ngày sắc 1 lần hoặc hãm uống. Dùng tốt cho người bị viêm khí phế quản, cảm mạo ho có đờm nhiều.
- An thần dễ ngủ: Trà hoa cúc la hán quả: Dùng 1 quả la hán phơi khô + 25 g hoa cúc nấu cùng 1,5 lít nước đun sôi để nguội uống.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.