Nói tới cháo ai cũng nghĩ ngay tới món ăn bằng gạo hoặc bột nấu loãng và nhừ, khi ăn dùng thìa xúc. Nhưng ở một làng quê nhỏ ngoại thành Hà Nội - Hạ Mỗ, H.Đan Phượng có món cháo thật lâu đời, khi ăn phải dùng đũa để gắp, người ta gọi là cháo se.
Đã từ nhiều đời nay, dân làng Hạ Mỗ vẫn coi cháo se là món ăn của tình thân bởi ở đây, cứ vào dịp hội hè, đám cưới hay dịp vui của gia đình, mọi người lại quây quần bên nồi cháo se chuyện trò rôm rả. Bao câu chuyện vui buồn của gia đình, của làng xóm được chia sẻ bên nồi cháo se ấy. Trong mâm cỗ, cháo se thường được múc vào bát nhỏ, dùng trước món chính để khai vị.
Nguyên liệu tuy đơn giản, nhưng cách chế biến món cháo này thì tỉ mẩn, công phu. Gạo dùng nấu cháo là gạo tẻ loại ngon, vo kỹ, ngâm nước độ nửa ngày cho mềm gạo, rồi xay thành bột nước. Đổ bột nước đã xay lên tấm vải dày đặt trên miệng thúng, ở dưới là tro bếp để thấm bớt nước. Chỉ một lát, người ta sẽ được một tảng bột trắng phau, mềm nhuyễn. Cũng có người không dùng khăn lọc, mà đổ bột nước vào một cái túi vải dày rồi treo lên cho róc nước còn lại quả bột dẻo mềm quyện chặt.
Để có nồi nước dùng nấu cháo, người ta bỏ những tảng xương lợn chặt to vào nồi ninh, ngon nhất vẫn là xương đuôi heo. Cháo còn có thêm thịt bằm nhỏ xào với hành khô thơm phức. Khi xương đã nhừ, người nấu cháo sẽ lấy từng phần bột nhỏ cho vào lòng bàn tay và xoe thật đều thành những con se có sợi dài, nhỏ thì bằng chiếc đũa, to thì như ngón tay, thả thẳng vào nồi nước dùng đang sôi trên bếp.
Bột se khéo, nước sôi già, nên các sợi bột chín nhanh, không dính vào nhau. Thỉnh thoảng, người ta lấy đôi đũa dài khuấy nhẹ cho các sợi bột ngắt ra thành từng đoạn ngắn.
Khi các sợi bột đã chín, để cháo được đặc sánh, người ta hòa phần bột được bớt lại từ trước vào nước gọi là “bột hòa" rồi đổ vào khiến nồi cháo sánh quyện hơn. Cháo chín, các con se có màu trắng trong và không còn lõi bột, lúc này cho thịt nạc đã xào vào nồi cháo, nêm gia vị vừa miệng, múc ra bát và rắc chút hạt tiêu cho thơm. Cháo ăn nóng tiết trời lạnh rất hợp.
Ăn cháo se phải chậm rãi. Gắp từng sợi cháo se đưa vào miệng sẽ thấy bột mềm, dẻo và dai, có vị ngọt đậm đà của xương hầm, có mùi thoảng thơm của gạo quê… Cảm giác thú vị cứ lần lượt xuất hiện cho đến khi miếng cuối cùng vừa hết, ai một lần đã thử thì không thể nào quên.
|
Bình luận (0)