Tài liệu có nhưng phổ biến chậm vì khâu xuất bản
Bà Nguyễn Hoài Thúy Hằng, Giám đốc Sở GD-ĐT Hậu Giang, cho biết nhằm kịp thời thực hiện dạy học nội dung giáo dục địa phương (GDĐP) theo chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) năm 2018, Sở đã tham mưu UBND tỉnh xây dựng kế hoạch tổ chức biên soạn và triển khai nội dung GDĐP tỉnh. Đến thời điểm này, Sở GD-ĐT Hậu Giang đã được Bộ GD-ĐT phê duyệt tài liệu GDĐP ở các lớp 1, 2, 6, 7 và 10. Đối với lớp 3, Sở đã trình và nhận được sự góp ý của Bộ GD-ĐT, ban biên soạn đang hoàn thiện để trình lại Bộ phê duyệt. Đồng thời, Sở cũng đang trong quá trình thực hiện biên soạn tài liệu GDĐP đối với các khối lớp còn lại.
Học sinh trải nghiệm thực tế tại một khu di tích lịch sử ở Hậu Giang |
THANH DUY |
Theo Giám đốc Sở GD-ĐT Hậu Giang, việc giảng dạy tại các trường trên địa bàn vẫn tồn tại một số khó khăn nhất định. Nội dung GDĐP trong chương trình mới đòi hỏi người dạy phải nghiên cứu, cập nhật, đa dạng hóa hình thức giảng dạy thực tế nên giáo viên (GV) cần thêm nhiều thời gian để tổ chức các hoạt động dạy học để thực sự đạt hiệu quả.
Bà Nguyễn Hoài Thúy Hằng cho biết thêm tài liệu GDĐP tỉnh Hậu Giang được biên soạn theo các chủ đề và tiếp cận theo định hướng phát triển năng lực người học. Tuy nhiên, dù tài liệu GDĐP đã có nhưng Sở GD-ĐT vẫn chưa cung cấp được kịp thời cho các đơn vị giáo dục trên địa bàn vì còn “chậm” ở khâu thẩm định giá, in ấn, ban hành.
Tuy nhiên, Hậu Giang có nhiều tiềm năng để GV có thể triển khai theo yêu cầu nội dung GDĐP. Đơn cử như với vấn đề lịch sử, GV có thể phát huy nguồn tư liệu phong phú từ 16 di tích trên địa bàn.
Chưa có sách, nơi vẫn triển khai, nơi chờ
Sở GD-ĐT Vĩnh Long cho biết chương trình GDĐP ở tỉnh này được triển khai từ trước năm 2016. Thời điểm đó, các trường dạy bằng tài liệu của tổ chức nước ngoài. Từ khi triển khai chương trình GDPT 2018, Sở bắt đầu biên soạn chương trình môn GDĐP trình Bộ GD-ĐT phê duyệt để đưa vào giảng dạy.
Bộ GD-ĐT nói gì về việc chậm duyệt tài liệu giảng dạy?
Theo lãnh đạo Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT), đến thời điểm hoàn thành năm học 2021 - 2022, tất cả các địa phương đã có tài liệu GDĐP lớp 6 để tổ chức dạy học, bảo đảm hoàn chương trình GDPT 2018 đối với lớp 6. Tuy nhiên, một số địa phương gửi hồ sơ đề nghị Bộ GD-ĐT phê duyệt quá muộn, vào thời điểm gần cuối năm học nên gặp khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện, như: Cà Mau, Thừa Thiên-Huế, Lâm Đồng, Vĩnh Long, Cần Thơ, TP.HCM, Hà Nội...
Đối với việc chuẩn bị tài liệu GDĐP lớp 7 và lớp 10, ngày 24.2.2022, Bộ GD-ĐT đã ban hành Công văn số 587/BGDĐT-GDTrH về việc gửi hồ sơ đề nghị phê duyệt tài liệu GDĐP lớp 3, lớp 7 và lớp 10, theo đó đề nghị các địa phương gửi hồ sơ trước ngày 15.4.2022. Tuy nhiên, đến tháng 8.2022, Bộ GD-ĐT mới nhận được 28 địa phương gửi hồ sơ đề nghị phê duyệt tài liệu cấp trung học cơ sở và 17 địa phương gửi hồ sơ đề nghị phê duyệt tài liệu cấp THPT.
Tuệ Nguyễn
Ông Nguyễn Tương Xuyên Nghiêm, Trưởng phòng Giáo dục mầm non - Giáo dục tiểu học Sở GD-ĐT Vĩnh Long, cho biết tài liệu GDĐP ở Vĩnh Long của khối 1, 2 đã được biên soạn và được Bộ GD-ĐT phê duyệt đưa vào giảng dạy từ đầu năm học này. Ông Đỗ Ý Ly, Trưởng phòng Giáo dục trung học - Giáo dục thường xuyên, cho biết đang giảng dạy môn GDĐP ở khối lớp 6 bằng tài liệu PDF. Tài liệu khối lớp 7 đang trình Bộ GD-ĐT thẩm định. Khối 10 đã trình Bộ GD-ĐT phê duyệt. Khối 11 và 8 đang biên soạn; khối 9 và 12 chưa “đụng tới”.
Cũng theo ông Ly, theo lộ trình, năm học 2022 - 2023 sẽ đưa tài liệu GDĐP giảng dạy khối 7 và 10; năm học 2023 - 2024 khối 8 và 11; năm học 2024 - 2025 là khối 9 và 12.
Tài liệu GDĐP của Sở GD-ĐT Hậu Giang chưa được cung cấp kịp thời cho các đơn vị giáo dục do chờ khâu thẩm định giá, in ấn, ban hành |
THANH DUY |
Ông Ly cho biết nhiều trường gặp khó khăn vì thiếu GV giảng dạy phù hợp nên phải bố trí GV không thuộc lĩnh vực liên quan chủ đề tự nghiên cứu và dạy. Để đảm bảo được sự cân đối số tiết giữa các GV nên đôi lúc buộc phải phân công những GV chưa thật nắm vững vấn đề phụ trách.
Quảng Bình: Thiếu kinh phí nên thiếu trải nghiệm thực tế
Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Bình cho biết Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh kế hoạch tổ chức biên soạn và thực hiện nội dung GDĐP. Theo kế hoạch, đến tháng 5.2024 sẽ hoàn thành nội dung tích hợp GDĐP cho cấp tiểu học và tài liệu GDĐP cho cấp THCS, THPT.
Tuy nhiên, Sở GD-ĐT Quảng Bình cũng thừa nhận gặp một số khó khăn trong việc thực hiện nội dung GDĐP. Cụ thể, việc biên soạn tài liệu triển khai đúng lộ trình, nhưng do Bộ phê duyệt chưa được kịp thời nên các cơ sở giáo dục chưa có tài liệu để dạy học ngay từ đầu năm học. Khó khăn nữa là thiếu kinh phí để tổ chức các hoạt động trải nghiệm thực tế nhằm nâng cao hiệu quả của việc thực hiện nội dung GDĐP nên các tiết dạy nội dung GDĐP chỉ mới thực hiện ở trên lớp học.
Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Bình kiến nghị với Bộ GD-ĐT cần phê duyệt tài liệu trong thời gian sớm hơn để các địa phương chủ động trong công tác chỉ đạo các cơ sở giáo dục phổ thông triển khai ngay từ đầu năm học. Ngoài ra, Bộ cần tham mưu với Bộ Tài chính để có hướng dẫn và quy định nguồn kinh phí phục vụ cho các hoạt động trải nghiệm thực tế nhằm nâng cao hiệu quả việc thực hiện nội dung GDĐP.
Nguyễn Phúc
Thầy Nguyễn Minh Trí, Hiệu trưởng Trường THCS Thanh Đức (H.Long Hồ, Vĩnh Long), cho biết từ khi đưa GDĐP vào giảng dạy các em rất hào hứng vì được học tập các nội dung thực tế có liên quan đến địa phương mình. Tuy nhiên, tài liệu giảng dạy vẫn là bản photo.
Bà Trương Thanh Nhuận, Giám đốc Sở GD-ĐT Vĩnh Long, cho biết sở dĩ đến nay chưa in được sách giảng dạy môn GDĐP là do còn vướng thủ tục về in ấn.
Ông Nguyễn Hoàng Thanh, Trưởng phòng GD-ĐT TP.Cao Lãnh (Đồng Tháp), cho biết Sở GD-ĐT đã tập huấn giảng dạy lịch sử địa phương và gửi tài liệu giảng dạy theo chương trình mới ở các lớp 1, 2, 3. Đối với cấp THCS, đã triển khai dạy cho học sinh lớp 6 từ năm rồi vì đã có tài liệu do Hội Khoa học lịch sử tỉnh biên soạn. Đối với lớp 7, năm nay sẽ bắt đầu giảng dạy nhưng do chưa có tài liệu nên chưa triển khai mà đang chờ có tài liệu chính thức.
Bình luận (0)