NƠI BỊ LÃNG QUÊN
"Năm nào chúng tôi cũng nghe nói sẽ di dời, nhưng khi nào thì chưa ai biết", ông Võ Xuân Thông, một cư dân ở bản Bình Quang thở dài. Ông Thông quê ở dưới xuôi, lên xã Châu Bình theo diện "đi làm kinh tế mới" từ năm 1989. Vợ chồng ông và nhiều gia đình khác chọn vùng đất nằm sâu trong rừng, cách trung tâm xã khoảng 7 km để lập nghiệp. Bản Bình Quang hình thành từ những cư dân "đi kinh tế mới" ở các huyện miền xuôi của Nghệ An.
Thời điểm hưng thịnh, bản có hơn 150 hộ dân, sinh sống bằng chăn nuôi và trồng trọt. Năm 2010, dự án hồ chứa nước Bản Mồng khởi công, cuộc sống của người dân ở đây cũng bắt đầu bị ảnh hưởng. "Trước khi dự án khởi công, chúng tôi được thông báo di dời vì đây sẽ là lòng hồ ngập nước. Năm 2012, cơ quan chức năng đến đo đất để bồi thường. Từ đó đến nay, thỉnh thoảng chúng tôi lại được thông báo sẽ được bồi thường để di dời nhưng đã 15 năm rồi vẫn chưa thấy gì", ông Thông nói.

Người dân ở bản Bình Quang mệt mỏi vì phải chờ đợi bồi thường quá lâu
ẢNH: K.HOAN
Nằm trong diện phải di dời nên từ khi dự án hồ chứa nước Bản Mồng được phê duyệt, bản Bình Quang trở thành nơi bị lãng quên, hạ tầng không còn được đầu tư, người dân không được xây dựng mới nhà cửa mà chỉ được sửa chữa nhỏ. Con đường đất từ QL48 nối vào bản chừng 5 km, ổ gà, ổ voi chi chít. "Đường đất lồi lõm, không điện, không sóng điện thoại, không trường học, chúng tôi phải sống trong tình trạng này 15 năm qua. Trước đây có điểm trường tiểu học ở bản, nhưng đã chuyển ra trung tâm xã, cách 7 - 8 km. Hằng ngày, các gia đình phải nhiều lần đưa đón con đi học, rất mệt mỏi", ông Thông than thở.
Sau nhiều đợt bồi thường, hơn 100 hộ dân ở Bình Quang đã được đền bù và di dời, hơn 30 hộ dân còn lại đang chờ được kiểm đếm, bồi thường phải sống khổ cả tinh thần lẫn vật chất. Bà Phạm Thị Loan, một người dân ở đây, cho biết do được hứa "sẽ di dời" nên không ai dám trồng keo vì phải 5 - 6 năm mới thu hoạch được, trồng các loại cây ngắn ngày thì bị trâu bò thả rông phá hoại, vì ở đây hiện bị coi như vùng đất hoang. Trong khi đó, ông Lại Thế Thắm đã được nhận hơn 1 tỉ đồng tiền đền bù cũng không vui khi cả gia đình phải xoay xở để tự tìm nơi ở mới. "Nhà tôi lên đây từ năm 1987, có hơn 1.000 m2 đất ở và vườn, gần 10 ha đất trồng keo, nhưng chỉ được bồi thường hơn 1 tỉ đồng. May là trước đây tôi mua được miếng đất ở bản bên ngoài cho con trai, bây giờ có chỗ làm nhà chứ số tiền đền bù bây giờ chỉ mua được đất, không còn tiền làm nhà", ông Thắm nói.

Nhà dân ở bản Bình Quang xuống cấp nhưng vẫn phải ở
ẢNH: K.HOAN
KHU TÁI ĐỊNH CƯ BỎ DỞ
Để có nơi ở mới cho người dân Bình Quang, tỉnh Nghệ An đã phê duyệt khu tái định cư ngay tại xã Châu Bình, cách bản này chừng 10 km. Tuy nhiên, sau nhiều năm xây dựng, khu tái định cư vẫn "đắp chiếu". Hơn 100 hộ dân sau khi được đền bù phải tự đi tìm nơi ở mới. Còn khu tái định cư mới chỉ san mặt bằng, phải chờ ngăn đập phụ xong mới thi công hạ tầng.
Ông Trần Bảo Linh, Trưởng phòng TN-MT H.Quỳ Châu, cho biết theo quy hoạch trước đây, cốt ngập của lòng hồ thủy lợi Bản Mồng là 71 m, sau đó được nâng lên 76 m. Lâu nay, huyện đã đền bù cho những hộ dân ở cốt 71 m, còn cốt 76 m đang chờ lập hồ sơ để kiểm đếm. Ngoài ra, một số hộ nằm trên cốt ngập 76 m, nhưng họ sẽ trở thành ốc đảo sau khi hồ tích nước nên vẫn phải di dời và những hộ dân này đang chờ cơ quan thẩm quyền phê duyệt để đo đạc.

Khu tái định cư xây dựng nhiều năm vẫn chưa hoàn thành
ẢNH: K.HOAN
Về khu tái định cư dang dở, ông Linh cũng cho hay dự án này quy hoạch 27 lô đất, đã được đầu tư 18 tỉ đồng xây dựng cơ bản hoàn thành đường đi, mương thoát nước và điện chiếu sáng. Tuy nhiên, do nằm ở sườn núi, độ dốc quá cao nên chưa thể bố trí cho người dân làm nhà ở. "Huyện đã trình tỉnh xin chủ trương để thực hiện giai đoạn 2 nhằm hạ độ dốc. Khi nào tỉnh phê duyệt và bố trí vốn thì mới thực hiện được", ông Linh nói. Nhiều người dân chưa được bồi thường ở Bình Quang cho biết nếu khu tái định cư này không hoàn thiện sớm thì có nguy cơ... bị ế vì sau khi nhận bồi thường, người dân không thể ngồi chờ mà phải đi tìm chỗ ở mới để ổn định cuộc sống.
Mới đây, Bộ NN-PTNT có văn bản, đề nghị tỉnh Nghệ An phải đẩy nhanh thực hiện công tác bồi hoàn giải phóng mặt bằng, tái định cư, đảm bảo an toàn vùng lòng hồ để hoàn thiện thủ tục chặn dòng. Bộ này cũng giao tỉnh Nghệ An phải hoàn thành giải phóng toàn bộ mặt bằng trước ngày 31.7.2025.
Bình luận (0)