Thế nhưng đã chuẩn bị bước qua tháng 8, Ngân hàng Nhà nước vẫn chưa có động thái nào để nới room tín dụng. Sự thận trọng này đang khiến cả ngân hàng và khách vay đều như ngồi trên đống lửa.
Rón rén giải ngân
Nhắc đến vay vốn ngân hàng (NH), anh Phạm Chinh (TP.Hà Nội) lắc đầu ngao ngán khi nhớ đến cảnh chờ 24 ngày vẫn không thể nhận được tiền giải ngân. Anh Chinh cho biết mình là khách hàng VIP của một số nhà băng nhưng với khoản vay 6 tỉ đồng, thời gian chờ đã khá lâu mà anh cũng không biết có được vay hay không. Do tới hạn phải đóng tiền nhận nhà, không thể chờ thêm nên anh phải xoay sở bán nhanh căn nhà khác với giá rẻ hơn giá thị trường để giải quyết công việc của mình. Đó cũng là tình trạng của bà Nguyễn Thị Kiều (H.Nhà Bè, TP.HCM) mới đây vay hơn 2 tỉ đồng cũng phải chờ gần 1 tuần, NH mới giải ngân. Theo lời nhân viên tín dụng NH, do hạn mức tín dụng của NH hơi “căng” nên phải chờ khách hàng cũ trả nợ mới có thể giải ngân khoản vay mới. “Tôi cũng đánh cược chờ vì không còn cách nào khác. May quá vì không bị mất tiền cọc mấy trăm triệu đồng”, bà Kiều kể lại.
Các ngân hàng đang chờ được nới room tín dụng để có thể cung cấp nguồn vốn cho nền kinh tế |
Ngọc Thắng |
Nữ giám đốc một doanh nghiệp (DN) tại TP.HCM thì “than trời” khi cho biết do công ty hoạt động trong lĩnh vực thương mại nên làm hồ sơ hơi khó, phải có hạn mức được cấp của NH thời điểm này mới có thể vay được và đặc biệt là hồ sơ vay bị các NH xét rất kỹ, yêu cầu nhiều thủ tục chứ không như trước đây và đặc biệt là lãi suất cho vay cũng rất cao, lên 8,2%/năm.
Thị trường vốn khó khăn là do room tín dụng của các nhà băng vẫn bị treo. Nếu như mọi năm, cứ đến khoảng tháng 6 là NH Nhà nước (NHNN) cấp hạn mức tín dụng thêm cho các NH thương mại, nhưng nay gần hết tháng 7, các nhà băng vẫn ngóng chưa biết đến khi nào. Những NH hết hạn mức sớm thì như ngồi trên lửa. Ví dụ đầu năm 2022, NHNN giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho MB với mức 15%, Vietcombank ở mức 10%, nhưng chỉ mấy tháng đầu năm 2 nhà băng này đã sử dụng gần hết. Hay Agribank được giao 7% thì nay cũng đã dùng đến 6%. Tương tự, các NH khác cũng ghi nhận tăng trưởng cho vay ở mức cao như VPBank tăng 10,3%, HDBank tăng 10,8%, SCB tăng 9,7%, SeABank tăng 9,2%, MSB tăng 8,9%, Techcombank tăng 7,9%... “NH nào cũng ngóng hạn mức hằng ngày vì khách hàng hiện hữu không vay được, họ sẽ sang NH khác. Sợ nhất là những DN hoạt động xuất nhập khẩu có nhu cầu vay trong giai đoạn này mà không đáp ứng sẽ gây khó cho họ trong hoạt động kinh doanh. Ở đây không chỉ vấn đề tín dụng mà NH còn mất khách hàng sử dụng dịch vụ khác”, phó tổng giám đốc một NH thương mại cổ phần lớn than. Biện pháp kỹ thuật mà một số nhà băng bắt đầu áp dụng là tăng lãi suất cho vay từ 0,5 - 1 điểm %/năm so với trước để hạn chế hồ sơ vay.
Khi NHNN chưa thể bỏ được hạn mức tín dụng thì cần sớm nới room tín dụng cho các NH để cung cấp nguồn vốn cho nền kinh tế vào cao điểm những tháng cuối năm, tránh tình trạng “tắc nghẽn” vốn, lãi suất cho vay tăng cao mà không thể kiểm soát lạm phát.
Ông Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn tài chính, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM
Về tình trạng này, ông Nguyễn Đức Độ, phó viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính, cho rằng các nhà băng phải tự điều tiết tỷ lệ tín dụng được cấp từ đầu năm chứ không thể mới có mấy tháng mà đã dùng hết rồi ngồi chờ. Cho đến thời điểm này, NHNN vẫn giữ tốc độ tăng trưởng tín dụng năm 2022 ở mức 14% là ổn. Tín dụng bị khống chế có 2 lý do, đó là nhìn về dài hạn thì việc mở tín dụng quá mức có thể tác động đến lạm phát trong tương lai; bên cạnh đó là nguy cơ nợ xấu gia tăng khi tỷ lệ tín dụng trên tăng trưởng GDP hiện ở mức cao (khoảng 120%). “Hạn chế tín dụng, khách hàng sẽ khó tiếp cận vốn hơn, lãi vay cao hơn nhưng không còn cách giải quyết nào khác ngoài việc các NH phải điều chỉnh lại tín dụng, tự cân đối để cho vay”, ông Độ nhấn mạnh.
Cần sớm nới room tín dụng
Ông Phạm Ngọc Hưng, Phó chủ tịch Hiệp hội DN TP.HCM, lại cho rằng các NH cần được nới room tín dụng để có thể triển khai gói hỗ trợ lãi suất. Hiện gói hỗ trợ tín dụng lãi suất 2% chưa triển khai mà hạn mức tín dụng NH đã hết nên các DN thuộc diện được vay theo gói hỗ trợ này vẫn không tiếp cận được. Bên cạnh đó, NH cũng nên mở rộng đối tượng được hỗ trợ lãi suất 2%. Bởi có nhiều DN hoạt động đa ngành, trong đó chỉ có 1 ngành nghề được hỗ trợ lãi suất cho vay, vậy DN này có được vay gói hỗ trợ lãi suất hay không cũng cần làm rõ.
Ông Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn tài chính, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, nói thẳng: Không có nước nào quản lý cấp tín dụng như VN. NHNN cần bỏ biện pháp can thiệp thông qua cấp hạn mức tín dụng mà thực hiện quản lý theo tiêu chuẩn quốc tế. Ở các nước, kiểm soát cung tiền qua các công cụ như thị trường mở, tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc... Việc siết tín dụng cho thấy NHNN đang ưu tiên kiểm soát lạm phát nhiều hơn việc phục hồi tăng trưởng kinh tế. Trong khi nguyên nhân sâu xa của lạm phát hiện nay không phải là cung tiền mà do chi phí đẩy (đến từ giá xăng dầu cao). Do đó nên tập trung vào chính sách tài khóa nhiều hơn là chính sách tiền tệ. Mặc dù việc hút tiền về sẽ kiểm soát lạm phát nhanh hơn nhưng nó sẽ tác động gây ra nhiều hệ lụy như thanh khoản NH khó khăn, mặt bằng lãi suất tăng lên..., gây ảnh hưởng đến phục hồi kinh tế sau đại dịch.
Bình luận (0)