Món quà quý nhất tặng thầy cô

19/11/2018 18:54 GMT+7

'Cậu học trò quậy nghịch, hay phản kháng năm nào nay trở về thăm cô giáo với sự lễ phép và biết ơn. Cậu ấy nói nhờ cô mà em có ngày hôm nay. Nghe trò nói tôi rưng rưng xúc động'.

Đó là lời chia sẻ của cô Nguyễn Mỹ Hạnh, giáo viên Trường THCS Phước Thiền, huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai. Trước đây, cô Hạnh dạy một trường ở Hà Nội. Rất nhiều lứa học trò đã trưởng thành và vẫn gửi lời chúc mừng cô từ xa nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11. Nhưng những học trò khiến cô Hạnh nhớ nhất lại là những người trước đây vô cùng quậy nghịch.

“Tôi nhớ có một học trò rất lười học, đến lớp không chép bài, không nghe giảng mà chăm chăm bày ra những trò phá phách. Điểm tổng kết lúc nào cũng đứng cuối lớp. Tôi có nói rằng nếu trò không chăm chỉ học hành, sau này trò không làm bác sĩ, kỹ sư cũng không sao vì vẫn có những công việc vất vả hơn kiếm ra tiền. Tuy nhiên, việc quậy phá, lười nhác của trò sẽ khiến cha mẹ buồn lòng, khiến những người yêu thương trò buồn lòng, vì không học thì không thể nên người. Sau đó tôi chuyển công tác. Mới đây, tôi tình cờ gặp lại cậu, nay cậu ấy đã lấy vợ, sinh con và có một công việc ổn định. Hơn hết, cậu tâm sự là mình rất nhớ lời dạy của cô giáo năm nào. Nhờ vậy mà cậu đã chăm chỉ học hành để có được thành công nho nhỏ của ngày hôm nay. Đó là món quà thực sự quý giá đối với những người thầy”, cô Hạnh kể lại.

Với thầy Nguyễn Thanh Hải, Phó hiệu trưởng Trường THPT Trương Đinh, Gò Công, Tiền Giang, những học trò càng quậy, càng hư ngày xưa lại chính là những người chững chạc, lễ phép và thể hiện thái độ biết ơn thầy cô sau nhiều năm gặp lại.

“Tôi nhớ có một em làm bài kiểm tra giở tài liệu, tôi bắt gặp, nhắc nhở thì em có thái độ rất ngang bướng, buông những lời lẽ hằn học, thậm chí còn có ý định trả thù thầy. Nhưng sau này gặp lại tôi, trò cho biết mình rất ân hận khi ngày đó có những suy nghĩ lệch lạc, sai lầm. Em ấy vẫn trở về trường thăm chúng tôi mỗi khi có dịp, miệng thưa gửi rất lễ phép. Làm nghề giáo, không cần các em phải tặng quà này quà kia, cũng không kỳ vọng các em trở thành những nhân vật quá giỏi giang, chỉ mong các em nên người”, thầy Hải tâm sự.

Bên cạnh đó, thầy Hải rất nhớ một học trò trước đây học yếu do thường xuyên phụ ba mẹ bán quán đến một giờ sáng. Mỗi lần vào lớp lại ngủ gục do quá mệt. Nay cậu trở thành phó tổng giám đốc một công ty phân bón ở Long An. Hằng tuần cậu đều về thăm thầy và hỗ trợ rất nhiều học bổng cho học sinh giỏi, học sinh khó khăn của trường.

Trong khi đó, thầy Nguyễn Phạm Đại, Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên Q.Bình Thạnh, TP.HCM không khỏi xúc động khi nhiều học trò cũ trở về thăm thầy, “khoe” mình đã làm được nhiều việc ý nghĩa trong xã hội.

“Về công danh, có em nay là bác sĩ, kỹ sư, có em là chủ tịch, bí thư phường… nhưng điều quan trọng là các em đều trưởng thành, chững chạc và rất ngoan. Có lần đi khám bệnh, tôi tình cờ gặp lại một cô học trò làm bác sĩ. Vì tôi đã dạy cả ngàn em nên không nhớ chính xác, nhưng học trò lại rất nhớ thầy. Em ấy đã tận tình hướng dẫn tôi các thủ tục, giúp tôi khám bệnh trong điều kiện tốt nhất. Niềm vui nhỏ bé nhưng vô cùng ấm áp. Làm người thầy, đưa biết bao nhiêu chuyến đò, nhưng khi gặp lại, trò thấy thầy mà không ngoảnh mặt làm ngơ, vẫn nhớ và quan tâm đến thầy, với tôi đó là món quà ý nghĩa nhất”, thầy Đại chia sẻ.

   

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.