Tối 12.11, tại Hà Nội, Hội LHTN Việt Nam, Bộ GD&ĐT và Tập đoàn Thiên Long tổ chức chương trình: Chia sẻ cùng thầy cô 2015, tuyên dương 64 giáo viên “cắm bản” đang công tác tại 64 huyện nghèo trên cả nước.
Trong số 64 thầy cô giáo cắm bản có 32 người là dân tộc Kinh, 32 người là dân tộc thiểu số là những tấm gương rất sinh động về tình yêu nghề, thương trẻ và đức hy sinh.
Nhiều thầy cô giáo đã gắn bó với các điểm trường vùng sâu, vùng xa nghèo khó hàng chục năm. Thầy Lò Văn Xuân có 35 năm giảng dạy tại H.Sốp Cộp, Sơn La; cô Nguyễn Thị Hương Bình có hơn 20 năm gắn bó với giáo dục H.Quản Bạ, Hà Giang; thầy Lê Đình Thường có hơn 18 năm gieo chữ ở H.Phước Sơn, Quảng Nam.
Cũng có những giáo viên trẻ thế hệ 9X nhiệt tâm với nghề , gặt hái nhiều thành tích như cô Đàm Thị Thu Thủy, trường mẫu giáo Thải Giàng Phố (H.Bắc Hà, Lào Cai; cô Phùng Thị Huyền, trường mầm non Huổi Lếch (H.Mường Nhé, Điện Biên có 4 năm cắm bản.
Giấu nỗi niềm mang tên gia đình
Dù cũng gặp khó khăn nhưng nhiều giáo viên xúc động trước những câu chuyện vượt khó của đồng nghiệp
|
Nghe chia sẻ về đời sống, nhiều khán giả lặng người xúc động với câu chuyện của cô Nguyễn Thị Thêu, 45 tuổi, cắm bản 19 năm từ Lũng Thầu đến Phố Cáo (Đồng Văn, Hà Giang). Cô Thêu sinh con trai đầu lòng, cuộc sống quá vất vả khiến bào thai bị suy dinh dưỡng, phải tiêm nhiều lần nên bị teo cả hai chân. Có con thứ hai, vợ chồng cô quyết định gửi con đầu lòng về quê nhờ ông bà nuôi. Bởi không đành nhìn hai con sống thiếu thốn, lạc lõng giữa bạn bè nói toàn tiếng dân tộc, khác phong tục tập quán. Giáo viên vùng cao khó khăn như nhau, đồng nghiệp của cô Thêu cũng gửi con về dưới xuôi người thân nuôi giúp. "Khi bước lên bục giảng, chúng tôi lại gác việc riêng để dạy học trò, dù hoàn thành nhiệm vụ nhưng không bao giờ chúng tôi bù đắp được cho con những năm tháng thiếu thốn tình cảm khi không có cha mẹ ở bên", cô Thêu bật khóc nói.
Cô Thêu bật khóc khi chia sẻ
|
Cô Phùng Thị Hiền cho biết, cũng phải gửi con về quê cho ông bà chăm sóc. "Xuống Hà Nội mấy ngày nhưng em chỉ tranh thủ gặp và ngủ với con được một đêm. Chia tay không dám nhìn con vì sợ không đi nổi. Mỗi ngày xa con chỉ biết khóc, nhìn học sinh ở lớp lại nhớ con mình", nói rồi cô Hiền khóc thành tiếng.
Mang cả tấm lòng đến cho học trò nghèo
Trong khuôn khổ chương trình, các giáo viên đã viếng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, tham quan khu di tích Hồ Chí Minh, Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Với nhiều thầy cô, đây là lần đầu tiên đến Hà Nội, được tận mắt chiêm ngưỡng những điểm di tích, sự nhộn nhịp của thủ đô. Cô giáo Đinh Thị Ngấy, 28 tuổi, dân tộc Hrê nói: “Trước đây tôi chỉ biết về Hà Nội, Bác Hồ, Quảng trường Ba Đình qua tranh ảnh, nay được ra tham quan, tôi thấy xúc động, trở về sẽ kể cho học sinh nhiều chi tiết mà tranh ảnh bài học chưa có”.
Trong buổi gặp gỡ lãnh đạo Bộ GD & ĐT, các thầy cô giáo ít nói về những khó khăn điều kiện sống để bản gieo chữ mà chia sẻ về những thiếu thốn vất vả của học sinh. Cô Tạ Thị Hương, trường tiểu học Kon Tum cho hay, đã làm nghề giáo được 20 năm thì có 5 năm dạy học ở miền núi nên rất thấm thía khó khăn của học sinh, khi cái gì cũng thiếu thốn, muốn chất lượng giáo dục đồng đều không thể không nâng cao cơ sở vật chất.
Còn 1 năm nữa là đến tuổi về hưu nhưng cô Hằng vẫn trăn trở về điều kiện học tập của học trò.
|
Còn cô Lê Thị Hằng, giáo viên trường tiểu học Đồng Lương (H.Lang Chánh, Thanh Hóa) miêu tả trường của cô là một nơi không có điện nước, đồ dùng thức ăn phải gồng gánh lên trường. Lần đầu lên lớp cô ứa nước mắt khi bữa trưa của học trò chỉ có nắm cơm nguội lạnh. Thương trò thiếu thốn, cô bỏ tiền túi mua bút, vở cho học sinh. Cô Hằng 54 tuổi, chỉ còn 1 năm nữa sẽ về hưu nhưng vẫn trăn trở với nghề
Đại diện ban tổ chức chương trình Chia sẻ cùng thầy cô, tiến sĩ Võ Văn Thành Nghĩa, Tổng giám đốc Tập đoàn Thiên Long đã trao tặng 64 sổ tiết kiệm cho các thầy cô giáo.
Mỗi sổ trị giá 10 triệu đồng và tặng thêm 280 tấm chăn ấm cho học sinh trường mầm non điểm lẻ. Ông Nghĩa nói: 64 giáo viên được tuyên dương là đại diện tiêu biểu đội ngũ nhà giáo Việt Nam bởi tinh thần tình nguyện dạy học ở địa bàn khó khăn và cống hiến vì sự học.
Không chỉ mang con chữ đến với học trò, cá nhân mỗi giáo viên cắm bản được tuyên dương là những tấm gương sáng cho học trò noi theo, để vươn lên trong cuộc sống.
Món quà của chương trình năm nay dù nhỏ bé, không thể so sánh với sự cống hiến, hy sinh của các thầy các cô nhưng là tấm lòng chia sẻ chân thành của các đơn vị tổ chức chương trình này. “Chúng tôi mong rằng, bắt đầu từ chương trình Chia sẻ với thầy cô, cộng đồng xã hội sẽ có nhiều hành động cụ thể, cùng cộng hưởng, chung tay giúp đỡ, tri ân sự cống hiến thầm lặng của giáo viên tình nguyện cắm bản, giúp đỡ học sinh ở miền núi, vùng sâu vùng xa có điều kiện học tập tốt hơn”.
|
Bình luận (0)