Môn thể thao mới du nhập Việt Nam: Bóng gỗ

18/09/2015 06:31 GMT+7

Chơi gần giống như golf nhưng chi phí lại thấp hơn rất nhiều, ấy là bóng gỗ - môn thể thao mới du nhập Việt Nam.

Chơi gần giống như golf nhưng chi phí lại thấp hơn rất nhiều, ấy là bóng gỗ - môn thể thao mới du nhập Việt Nam.

Bóng gỗ, 'golf bình dân' 1Huyền Trang đánh bóng gỗ - Ảnh: N.D
Dễ chơi, không tốn kém
Bóng gỗ khác với golf ở chỗ thay vì được đưa vào lỗ, bóng (bằng gỗ, dĩ nhiên rồi) sẽ được đánh vào cầu môn cũng làm bằng gỗ (khoảng cách giữa hai cột gôn chỉ khoảng 15 cm). Sân chơi trên cỏ hoặc trên cát và được chia làm nhiều đường đánh (12, 24, 36, 72…), mỗi đường rộng từ 3 m, dài từ 30 - 130 m, tùy diện tích sân chơi. Người chơi phải đưa bóng qua các đường và kết thúc trận đấu có thể kéo dài chỉ 30 phút hay 2 tiếng đồng hồ, ai đạt số gậy ít nhất sẽ giành chiến thắng.
Toàn bộ dụng cụ chơi bóng gỗ khá rẻ, chỉ khoảng 2 triệu đồng mà chơi được ít nhất 3 năm - quá ổn nếu so với golf khi phải đầu tư “đồ nghề” bét nhất cũng cỡ 50 triệu đồng. Hầu như chỉ người giàu mới dám chơi golf, còn bóng gỗ ít tiền cũng có thể chơi được.
Thêm một lý do khác khiến bóng gỗ đã và đang trở thành môn được yêu thích, theo nhà vô địch thế giới Nguyễn Huyền Trang, là: “Kỹ thuật chơi khá đơn giản, không cầu kỳ phức tạp, không tốn nhiều sức nên phù hợp với nhiều lứa tuổi. Người chơi chỉ cần tập trung một chút, tập luyện chăm chỉ một chút là có thể điều khiển gậy một cách khá ngon lành. Tất nhiên, với VĐV đỉnh cao thì cần thêm nhiều yếu tố khác nữa”.
Trang vốn là VĐV điền kinh của Hà Nội nhưng được HLV Hà Khả Luân, nguyên Phó giám đốc Sở TDTT (nay là Sở VH-TT-DL) Hà Nội, “bắt cóc” sang môn bóng gỗ khi cô mới 18 tuổi. Năm nay Trang bước sang tuổi 23 và đã sở hữu kha khá thành tích quốc tế, trong đó phải kể đến 1 HCV thế giới, 1 HCV châu Á.
Bóng gỗ, 'golf bình dân' 2Bộ dụng cụ bóng gỗ
Bắt đầu từ con số 0
Nhưng nhắc đến Trang mà không nhắc đến thầy của cô cùng hành trình gian nan của môn bóng gỗ tại VN sẽ là thiếu sót. Trước đây ông Hà Khả Luân có biệt danh là “ông cầu mây” thì giờ lại được “gán” thêm một cái tên nữa là “ông bóng gỗ”.
Năm 1989, sau SEA Games 15, Giám đốc Sở TDTT Hà Nội Hoàng Vĩnh Giang “dúi” cho cấp dưới của mình - ông Hà Khả Luân một quyển luật thi đấu cầu mây và 3 quả cầu mây rồi giao nhiệm vụ: “Ông muốn làm thế nào thì làm, miễn là câu mây “sống” được ở Hà Nội”. Không những sống được mà dưới bàn tay của ông Luân, cầu mây đã trở thành môn thể thao mũi nhọn của VN.
Đến năm 2007, ông Hoàng Vĩnh Giang lại dúi vào tay ông Hà Khả Luân một quyển luật thi đấu bóng gỗ và 3 bộ dụng cụ thi đấu, kèm lá thư của Chủ tịch Liên đoàn Bóng gỗ châu Á Thomas Kook viết rằng ông mong muốn Hà Nội phát triển môn bóng gỗ, vốn có nhiều nét tương đồng với golf nhưng chi phí lại thấp. Nhưng phải đến 2 năm sau, khi nhận sổ hưu, ông Luân mới có thời gian để lao vào cuộc thử thách mới với môn thể thao mà ông gọi vui là “cháu nội của golf”.
Năm 2009, “ông cầu mây” phải đi vận động rất vất vả mới được một nhóm người tập chơi bóng gỗ. CLB bóng gỗ Hà Nội được thành lập vào cuối năm và vấp phải muôn vàn khó khăn bởi gần như bắt đầu từ con số 0. Thoạt tiên được tập ở sân Hàng Đẫy nhưng nơi này bận tổ chức sự kiện quá nhiều nên CLB đành kéo sang Cung thể thao Quần Ngựa, tập trên bãi cỏ lổn nhổn gạch. Sau một thời gian, CLB chuyển về Trung tâm huấn luyện và thi đấu TDTT Hà Nội nhưng cả thầy lẫn trò phải hò nhau đi dọn dẹp sân tập vốn là bãi cỏ để hoang bị đổ đầy phế liệu.
Chưa có bất kỳ CLB thể thao nào mà việc tập tành lại “độc” như CLB bóng gỗ Hà Nội. Sân của trung tâm hồi ấy chưa có đèn mà thầy trò chỉ được phép tập vào buổi tối nên tất cả phải mang theo… đèn pin để soi cho rõ. Lúc thi đấu nội bộ thì kết hợp giữa ánh sáng của đèn pin và của mấy chiếc điện thoại di động. Sau “sang hơn”, không phải dùng đến điện thoại để lấy ánh sáng nữa vì được hưởng nhờ từ… đèn tường rào của trung tâm. Một doanh nghiệp đã thương tình tài trợ 2 bộ đèn thi đấu, CLB mới hết cảnh đánh bóng trong không gian mờ ảo.
Ông Luân kể: “Chuyện về gậy đánh bóng cũng lắm kỷ niệm. Không có điều kiện mua bộ gậy chuẩn, chúng tôi lại cất công sang Đồng Kỵ (Bắc Ninh) để đặt làm. Nhưng Đồng Kỵ vốn chỉ quen sản xuất bàn ghế. Tôi phải tự nghiên cứu, mày mò rồi cùng thợ phát hiện ra sai sót để chỉnh sửa. Mãi rồi cũng sản xuất được cây gậy theo chuẩn. Nhưng gần đây, quy trình đã trở nên chuyên nghiệp hơn rồi. Chúng tôi mua dụng cụ từ Nhà máy Z121 của quân đội, nơi chuyên sản xuất… pháo hoa”.
Gặt hái thành công
Liên đoàn Bóng gỗ thế giới ra đời được 25 năm và hiện có 50 quốc gia và vùng lãnh thổ làm thành viên. VN mới chân ướt chân ráo gia nhập chưa được bao lâu nhưng cũng dần có tiếng tăm về môn này, mà công đầu thuộc về CLB bóng gỗ Hà Nội. Ấy nhưng 3 giải quốc tế đầu tiên, từ HLV đến VĐV đều phải tự bỏ tiền túi làm lộ phí và chỉ đến khi đoạt 2 HCĐ giải vô địch châu Á năm 2011 mới được Tổng cục TDTT, Trung tâm huấn luyện và thi đấu TDTT Hà Nội đầu tư.
Rồi thành tích của CLB cứ tăng dần đều sau 5 năm bóng gỗ du nhập vào VN. Giải vô địch thế giới năm 2012 đoạt 1 HCV, 9 HCĐ; năm 2013 giành 3 HCV. Còn giải vô địch châu Á đến thời điểm này cũng đoạt tổng cộng 4 HCV, 4 HCB, 8 HCĐ. Tại Đại hội thể thao bãi biển châu Á ở Phuket, Thái Lan năm 2014, bóng gỗ VN giành 1 HCV, 3 HCĐ. Sang năm, Đại hội thể thao bãi biển châu Á sẽ tổ chức ở Đà Nẵng và đội tuyển bóng gỗ VN được giao chỉ tiêu ít nhất 2 HCV.
Đấy là ở khía cạnh thể thao đỉnh cao, còn về mặt phong trào, ông Luân nói: “Ngoài Hà Nội, hiện cả nước có 10 CLB bóng gỗ đang phát triển rất ổn định. Trong số đó có CLB Đồng Nai, CLB thuộc Đại học TDTT TP.HCM và 8 CLB thuộc các doanh nghiệp ở nhiều địa phương. Sẽ vui biết mấy nếu sắp tới đây và cả sau này, môn “golf” bình dân này được lan truyền trên tất cả các tỉnh thành. Hãy đến với bóng gỗ, vì trẻ già đều tập được, thậm chí càng già lại càng dẻo dai”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.