Thạc sĩ Võ Thanh Vân, Hiệu trưởng Trường THCS - THPT Ngọc Viễn Đông, Q.12, TP.HCM là giáo viên giảng dạy môn vật lý. PV Báo Thanh Niên ghi lại những ý kiến của ông nói về những khó khăn trong dạy và học môn tích hợp ở bậc THCS theo chương trình Giáo dục phổ thông 2018 cùng những đề xuất.
Giáo viên môn nào dạy môn đó, thì sao gọi là tích hợp
"Ở trường của tôi trong các môn gọi là môn tích hợp như khoa học tự nhiên (gồm kiến thức vật lý - hóa học - sinh học), lịch sử và địa lý thì giáo viên môn nào vẫn dạy môn đó, giai đoạn này học môn này, giai đoạn kia dạy môn kia. Giai đoạn nào cho môn đó thì đâu gọi là môn tích hợp?
Để giảng dạy được hiệu quả các môn tích hợp thì cần giáo viên được đào tạo bài bản, kiến thức sâu rộng nhưng đến bây giờ chưa có đội ngũ giáo viên được đào tạo chính quy, bài bản thì lấy đâu ra giáo viên để giảng dạy môn học này?
Rõ ràng tích hợp là một sự phát triển, nếu quay trở lại việc dạy và học đơn môn như trước đây thì có thể khiến cho học sinh, người dân hoang mang. Tôi nghĩ rằng có thể tiếp tục việc dạy và học môn tích hợp nhưng phải nghiên cứu nghiêm túc và hoàn thiện chương trình. Tích hợp là tích hợp chứ không phải kết hợp, không phải gộp hai môn, ba môn lại với nhau rồi dạy. Như thế không hợp lý.
Chương trình tích hợp cần một lộ trình
Tích hợp được hiểu như phép nhân, còn tổng hợp như một phép cộng. Tích hợp là các yếu tố cùng cộng hưởng với nhau, tạo ra những giá trị mới. Còn hiện tại, rõ ràng môn tích hợp khoa học tự nhiên (gồm các kiến thức hóa học, vật lý, sinh học) và môn tích hợp lịch sử và địa lý mà các em học sinh lớp 6, 7, lớp 8 trong năm học 2023-2024 này sẽ học chỉ như là gộp các cuốn sách giáo khoa từng môn lại với nhau.
Thay vì trước đây học ba cuốn sách, hai cuốn sách thì giờ chỉ còn một cuốn sách giáo khoa. Từng phần riêng rẽ hóa học + vật lý + sinh học = cuốn khoa học tự nhiên; từng phần riêng rẽ lịch sử + địa lý = cuốn sách lịch sử và địa lý vậy. Như vậy đâu phải là tích hợp!
Chương trình dạy và học môn tích hợp cần có một lộ trình bài bản để tích hợp được thật sự.
Phải có một chương trình, trong đó có bài thì thuần hóa học, có bài thì là lý - hóa, có bài thì hóa - sinh , lý - sinh, tùy theo vấn đề như thế nào mà mình tích hợp môn nào lại với nhau.
Trong sách giáo khoa môn tích hợp lịch sử và địa lý lớp 8, có thể thấy phần lịch sử và địa lý tách rời
CHỤP MÀN HÌNH
Nhưng đó là một lộ trình kiến thức trong đó mỗi chương là một mắt xích móc lại với nhau, tạo ra một chuỗi kiến thức tích hợp. Như vậy, khi học sinh học xong môn tích hợp này, các em có đủ kiến thức hóa - lý - sinh, kiến thức có sự cộng hưởng giữa hai môn, cộng hưởng giữa ba môn.
Để làm được như vậy cần mất một thời gian dài để nghiên cứu, biên soạn giáo trình chứ không thể vội vàng. Người biên soạn chương trình đầu tiên phải hiểu rõ chương trình cũ, mục đích giáo dục, hiểu từng bài, từng chương, hiểu từng đơn vị kiến thức môn hóa này thì tích hợp được đơn vị kiến thức nào môn lý, tích hợp được đơn vị nào môn sinh... Khi làm ra được các chuỗi kiến thức tích hợp này là làm ra môn tích hợp. Tích hợp phải là một bộ môn, chứ không phải phép cộng ba môn lại với nhau.
Bình luận (0)