Môn tích hợp trong chương trình mới vẫn còn kiểu 'hồn ai nấy giữ'

28/07/2023 10:18 GMT+7

Sau 3 năm thực hiện chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018, có nhiều ý kiến bàn luận, trao đổi sao cho môn tích hợp, một đặc trưng của chương trình mới, tồn tại hiệu quả và thực chất hơn.

Trong năm học mới 2023-2024, chương trình GDPT 2018 bắt đầu đối với lớp 4, 8, 11. Chương trình mới cùng với xuất hiện những môn học mới ở cấp THCS hay thường gọi là môn tích hợp: lịch sử và địa lý; khoa học tự nhiên; nghệ thuật; hoạt động trải nghiệm và hướng nghiệp. Riêng sách giáo dục địa phương tích hợp 6 phân môn: lịch sử, địa lý, giáo dục công dân, sinh học, ngữ văn, nghệ thuật trong cùng một quyển sách là do mỗi địa phương biên soạn.

Chương trình tích hợp nhưng vẫn 'hồn ai nấy giữ' - Ảnh 1.

Học sinh lớp 10 học và thi theo chương trình giáo dục mới

ĐÀO NGỌC THẠCH

Vẫn do nhiều thầy cô dạy một môn tích hợp

Chương trình GDPT 2018 được Bộ GD-ĐT xây dựng, lấy ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, thầy cô giáo… Tuy nhiên, chỉ sau 3 năm thực hiện, dư luận lại có ý kiến đề nghị thay đổi cơ cấu, tên môn học, trả lại tên cũ như nguyên thủy ban đầu: lịch sử, địa lý, vật lý, hóa học, sinh học, âm nhạc, mỹ thuật.

Thực tế cho thấy, theo chương trình GDPT 2018, lịch sử và địa lý hoàn toàn tách biệt nhau làm hai phần và chỉ được tích hợp lại trong một quyển sách. Nhiều thầy cô nói vui rằng, làm như vậy góp phần tiết kiệm được một bìa sách.

Hiện nay, hầu hết các trường đều phân công hai giáo viên cùng dạy một môn lịch sử và địa lý. Thời khóa biểu vẫn được chia riêng biệt từng phân môn lịch sử, địa lý, đến tiết sử thầy dạy sử, đến tiết địa thì cô dạy địa.  Cách dạy như vậy không đúng với tinh thần chương trình GDPT 2018 vốn quy định chỉ có một giáo viên dạy môn tích hợp lịch sử và địa lý.

Các trường học trên cả nước hiện nay buộc phải phân hai giáo viên dạy vì không có giáo viên môn tích hợp. Đây chỉ là giải pháp tình thế ở các nhà trường, trong khi Bộ GD-ĐT không có bước chuẩn bị cụ thể nào về nhân lực để thực hiện chương trình mới.

Về nội dung sách giáo khoa môn lịch sử và địa lý lớp 6, 7, 8, các tác giả viết cũng phân chia hai phần riêng biệt, không có bất kỳ sự gắn kết kiến thức hay tích hợp nào. Như vậy, thầy cô dạy như thế nào để mới đúng là tích hợp? Câu hỏi này cần có câu trả lời từ phía Bộ GD-ĐT.

Chỉ có chăng "tích hợp" ở đây là sự "chắp vá" chủ đề lịch sử và địa lý cùng nhau một cách thiếu khoa học và không hợp lý. Chẳng hạn, sách lịch sử và địa lý lớp 7 (trang 155-166, bộ sách Cánh diều) có chuyên đề chung gồm: Chủ đề 1: Các cuộc đại phát kiến địa lý thế kỉ XV - XV. Chủ đề 2: Đô thị: Lịch sử và hiện đại. 

Tuy là chuyên đề chung nhưng vẫn do thầy cô sử, địa dạy riêng, giáo viên sử dạy chủ đề 1, còn giáo viên địa dạy chủ đề 2. 

Chương trình tích hợp nhưng vẫn 'hồn ai nấy giữ' - Ảnh 2.

Học sinh lớp 7 học môn tích hợp khoa học tự nhiên

ĐÀO NGỌC THẠCH

Một bài kiểm tra, các giáo viên cùng chấm theo tỷ lệ!

Việc tích hợp môn lịch sử và địa lý thực tế chỉ làm khó cho thầy cô trong việc giảng dạy, nhất là việc phân công chuyên môn, vì không có giáo viên dạy được cả sử lẫn địa mà chỉ có giáo viên dạy đơn môn sử, địa. 

Dù Bộ GD- ĐT tiến hành tập huấn dạy tích hợp sử địa cho giáo viên trong một thời gian ngắn (6 tháng) nhưng không thể đảm bảo yêu cầu chất lượng giảng dạy tích hợp. Bản thân tôi học sư phạm lịch sử, nếu nhà trường phân dạy địa lý thì không thể nói là dạy có chất lượng được. Do đó, dù mang tiếng "dạy tích hợp" nhưng thực chất là dạy đơn môn, vẫn "hồn ai nấy giữ".

Việc kiểm tra định kỳ (giữa kỳ và cuối kỳ) lại càng rắc rối hơn. Thầy cô dạy sử cùng giáo viên dạy địa phối hợp lại làm chung một đề theo kiểu tổ hợp môn sử địa. Việc chấm điểm cũng theo từng phân môn riêng với tỷ lệ 50 -50, sau đó giáo viên tổng hợp lại thành một cột điểm chung thống nhất. Như vậy, một bài kiểm tra có hai giáo viên cùng chấm. 

Còn môn khoa học tự nhiên (lý, hóa, sinh) thì phức tạp hơn trong việc phân thời khóa biểu, bố trí giáo viên dạy và chấm điểm…

Với những bất cập trên, theo nhiều thầy cô, Bộ GD-ĐT cần lắng nghe ý kiến đóng góp để sớm có kế hoạch điều chỉnh môn tích hợp cho thích hợp để việc giảng dạy thuận lợi, đi sâu vào chuyên môn và đảm bảo chất lượng theo mục tiêu chương trình GDPT 2018 đã đặt ra.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.