Tuy không được coi là nặng ký nhất trong 9 phim được đề cử Oscar phim hay nhất lần này, nhưng Her (Nàng) lại có thể khiến trái tim người xem trĩu xuống.
|
Vì tất cả những điều diễn ra trong phim - được đặt vào bối cảnh năm 2025 - như một dự báo tương lai gần cho cuộc sống bị bao bọc bởi công nghệ của chúng ta. Nơi đó, những người vì lý do gì không thể viết thư cho người khác có thể thuê Theodore Twombly (Joaquin Phoenix). Theodore sẽ tìm hiểu về đối tượng gửi thư, rồi đọc thư trước một cái máy, những con chữ sẽ được chuyển thành dạng chữ viết tay giống như chữ của người đặt hàng và bức thư sẽ trông như một bức thư tay. Buổi tối, Theodore trở về căn hộ của mình, nhìn những chiếc lá ảo được chiếu trên tường thang máy, uể oải chơi một game 3D nhập vai; trước khi đi ngủ sẽ làm tình ngẫu nhiên qua mạng với một phụ nữ nào đó anh gặp trên internet… Cuộc sống buồn tẻ, cô đơn của người đàn ông trung niên sắp ly dị vợ ấy thay đổi khi có sự xuất hiện của Samantha - một phụ nữ ảo, hay đúng hơn là sản phẩm của một hệ điều hành tạo ra những trí thông minh nhân tạo.
Đề tài tình ảo không có gì mới. Hàng trăm bộ phim, cuốn sách, câu chuyện đã viết về nó. Khi nỗi cô đơn trong cuộc sống thực không thể lấp đầy, người ta tìm sự ấm áp nơi thế giới ảo. Nhưng dẫu sao kẻ nhập cuộc vẫn biết rằng sau những dòng chữ vô tri trên màn hình máy tính hay điện thoại là một trái tim đang hồi hộp, một thân xác đang run rẩy sau mỗi dòng tin gửi đi, nghĩa là tình cảm của ta được ký thác vào một “con người” cụ thể. Her (do Spike Jonze viết kịch bản và đạo diễn) tựa một cú đập làm lung lay cái sự có vẻ như “lẽ tất nhiên” ấy. Khi không thể tương tác với những người xung quanh, liệu người ta có thể yêu và cả thỏa mãn tình dục với người ảo của mình, một người ảo tinh tế, thông minh, hài hước, và lắm khi hiểu ta hơn cả chính ta, như Theodore đã từng, dù người đó không hề có thân xác? Với Her, Joaquin Phoenix đã có một vai độc diễn để đời. Rất nhiều người cho rằng lẽ ra anh phải có tên trong danh sách đề cử nam diễn viên chính xuất sắc nhất năm nay. Bên cạnh đó, giọng nói nhẹ nhàng, quyến rũ của Scarlett Johansson cũng thực sự thích hợp với nhân vật Samantha.
Hẳn sẽ có những khán giả thốt lên: “Ảo quá!” khi xem Her. Đơn giản vì ý tưởng một phần mềm có đầy đủ trí thông minh và cảm xúc của con người, biết yêu đương và ghen tuông có vẻ như quá… ảo. Nhưng hãy nhớ lại xem, mới tháng 1 vừa rồi, Google đã tuyên bố chi 650 triệu USD cho một hãng Anh quốc chuyên về trí thông minh nhân tạo để phát triển dòng máy tính “có thể suy nghĩ như con người”. Trên trang web của mình, ông Ray Kurzweil, Giám đốc kỹ thuật của Google, đã đưa ra lời khen ngợi bộ phim và cho rằng, việc “hẹn hò với máy tính” như trong phim có thể sẽ thành hiện thực vào trước năm 2029. Ông còn cho rằng rào cản của “tình ảo” trong phim là Samantha không có một cơ thể con người sẽ không phải là vấn đề lớn, vì thông qua phân tích có thể tạo ra một cơ thể “giống người” phù hợp với giọng nói và tính cách cho nhân vật ảo kia mà!
“Mộng là mộng ảo, nhưng tình là tình chân”. Chợt nhớ tới câu mà nhà văn Nguyễn Nhật Ánh viết cho game nhập vai đình đám một thời. Tình trong thế giới ảo, xét cho cùng, phải chăng cũng là một trải nghiệm thực giúp người ta nhìn rõ hơn cuộc sống của mình?
Phạm Thu Nga
Bình luận (0)