Mong Bộ GD-ĐT quyết sớm về dạy tích hợp và thi tốt nghiệp THPT

05/09/2023 07:47 GMT+7

Sau hàng loạt ý kiến lo lắng, bức xúc về dạy học tích hợp của giáo viên (GV) và lãnh đạo các cơ sở giáo dục ở cấp THCS sau 2 năm triển khai thực hiện, trong cuộc gặp gỡ GV hồi giữa tháng 8 vừa qua, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn thừa nhận dạy tích hợp là một trong những khó khăn, điểm nghẽn, điểm vướng khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới.

Ông cho biết "khả năng cao trong thời gian tới, Bộ sẽ đưa ra điều chỉnh với việc dạy tích hợp ở bậc THCS"; nếu như vậy thì đây sẽ là thay đổi lớn giữa kỳ của tiến trình đổi mới.

Mong Bộ GD-ĐT quyết sớm về dạy tích hợp và thi tốt nghiệp THPT  - Ảnh 1.

Học sinh lớp 6 bước vào năm học mới. Đây là năm thứ 3 thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở cấp THCS

ĐÀO NGỌC THẠCH

Đến thời điểm khai giảng, Bộ cũng chưa có phương án cụ thể cho "số phận" của môn tích hợp trong năm học này. Có ý kiến cho rằng, nếu quay về dạy đơn môn như cũ sẽ ảnh hưởng tới tổng thể chương trình mới. Tuy nhiên, phần lớn ý kiến của người trực tiếp thực hiện chương trình cho rằng nếu tiếp tục thì gây khó khăn, mệt mỏi cho cả thầy và trò. Đích cuối cùng là hiệu quả của dạy tích hợp sẽ không thực hiện được nếu vẫn sử dụng đội ngũ GV được đào tạo đơn môn dạy tích hợp theo cách như hiện nay. Trong khi đó, nếu chờ có đủ GV được đào tạo bài bản về tích hợp thì không biết đến bao giờ mới thực hiện được với tốc độ và chỉ tiêu quá ít ỏi của các trường sư phạm như hiện nay.

Nhà giáo Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Marie Curie (Hà Nội), là người lên tiếng sớm và bảo lưu quan điểm nên đánh giá lại việc thiết kế, giảng dạy các môn tích hợp ở THCS và sửa theo hướng quay về dạy theo đơn môn như cũ. Ông Khang cho rằng, việc đổi mới giáo dục có nhiều thành công. Tuy vậy, khi triển khai thực tế xuất hiện những nội dung, cách làm chưa hợp lý cũng là điều bình thường với một đợt đổi mới quy mô quá lớn, căn bản, toàn diện như lần này. Điều quan trọng là lãnh đạo Bộ GD-ĐT và ban phát triển chương trình cần bình tĩnh, sáng suốt để điều chỉnh.

Một nội dung nữa cũng được thầy trò các nhà trường ngóng trông, đó là phương án chính thức của việc thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025. Theo kế hoạch, Bộ GD-ĐT sẽ công bố đầu năm học mới. Hồi giữa tháng 3, Bộ lấy ý kiến về phương án có 6 môn thi, gồm 4 môn bắt buộc (toán, văn, ngoại ngữ và lịch sử) cùng 2 môn lựa chọn trong các môn lý, hóa, sinh, địa, giáo dục kinh tế và pháp luật, tin học, công nghệ. Tuy nhiên, hiện các sở GD-ĐT được yêu cầu lấy ý kiến GV về 2 phương án, trong đó môn lịch sử có thể là môn thi bắt buộc hoặc lựa chọn.

Mong Bộ GD-ĐT quyết sớm về dạy tích hợp và thi tốt nghiệp THPT  - Ảnh 2.

Thầy trò các nhà trường đang mong sớm có quyết định phương án chính thức của việc thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025

ĐÌNH HUY

Việc đến thời điểm này phương án thi vẫn tiếp tục thay đổi và đưa ra lấy ý kiến khiến các nhà trường khá "sốt ruột" vì không biết các tranh luận môn này nên bắt buộc, môn kia nên tự chọn… đến bao giờ mới có hồi kết.

Bà Nguyễn Bội Quỳnh, Hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức (Hà Nội), nhiều lần bày tỏ sự mong ngóng Bộ sớm công bố phương án thi mới, bởi mỗi khi học sinh chọn môn, đổi môn học ở lớp 10, lớp 11 hiện nay đều theo cảm tính mà chưa biết sẽ thi thế nào. Khi kỳ thi tốt nghiệp THPT thay đổi, việc tuyển sinh đại học cũng phải thay đổi cho phù hợp. Do đó, GV và học sinh đều mong ngóng phương án cuối cùng để có kế hoạch ôn tập sớm.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.