Móng chân chuyển màu đen do nhiễm nấm, làm sao để trị?

12/07/2023 09:09 GMT+7

Nấm móng chân sẽ làm móng dày lên và đổi màu, thường là đổi sang nâu vàng hoặc đen. Đây là căn bệnh nhiễm nấm phổ biến. Nếu không điều trị, nấm sẽ lan ra các móng khác và vùng da xung quanh, khiến người bệnh khó chịu, đau đớn.

Nấm móng chân thường do nấm dermatophytes gây ra. Đây là loại nấm phát triển mạnh trong môi trường ấm và ẩm ướt. Nấm sẽ xâm nhập vào móng qua các vết cắt ở vùng da quanh móng, theo chuyên trang sức khỏe Verywell Health (Mỹ).

Móng chân chuyển màu đen do nhiễm nấm: làm sao để trị ? - Ảnh 1.

Nấm móng chân sẽ khiến nấm dày lên, chuyển sang màu nâu vàng hoặc đen

SHUTTERSTOCK

Nguyên nhân thường gặp nhất dẫn đến nấm móng chân là vệ sinh chân kém. Không rửa sạch hoặc không lau khô chân sẽ gây ẩm ướt và tạo môi trường lý tưởng để nấm phát triển. Tương tự, đổ mồ hôi chân nhiều cũng dẫn đến hệ quả tương tự.

Một nguyên nhân khác là đi giày bó kín, không có nơi để không khí lưu thông khiến bàn chân đổ nhiều mồ hôi. Môi trường ẩm và nóng này cực kỳ phù hợp để nấm phát triển. Ngoài ra, chấn thương ở móng chân cũng tạo điều kiện cho nấm phát triển.

Để điều trị nấm móng chân, mọi người có thể áp dụng những cách sau:

Kem chống nấm

Các loại kem chống nấm có chứa thành phần như clotrimazole hoặc terbinafine sẽ được bôi trực tiếp lên vùng móng bị ảnh hưởng. Điều quan trọng là khi đã dùng thì cần thực hiện theo đúng hướng dẫn sử dụng và tiếp tục thoa trong khoảng thời gian khuyến nghị.

Thuốc uống

Trong trường hợp nhiễm nấm móng chân nghiêm trọng hoặc kem thoa không hiệu quả thì bác sĩ sẽ kê thuốc uống. Các loại thuốc này được uống trong một khoảng thời gian nhất định. Hoạt chất trong thuốc hoạt động bằng cách tiêu diệt hoàn toàn nấm.

Cắt bỏ móng

Trong trường hợp móng dày lên hoặc bị nhiễm trùng, bác sĩ có thể cắt hoặc loại bỏ móng. Cách này sẽ làm giảm bớt cảm giác khó chịu và giúp kem bôi dễ tiếp cận vùng da, móng bị ảnh hưởng.

Điều trị bằng laser

Liệu pháp laser là phương pháp điều trị mới được áp dụng cho tình trạng nấm móng chân. Phương pháp này hoạt động bằng cách dùng thiết bị laser nhắm vào khu vực nấm đang lây lan mà không gây tổn thương cho các mô xung quanh. 

Với nấm móng chân, muốn phòng ngừa thì cần giữ vệ sinh bàn chân thật tốt, đặc biệt là những người từng bị nhiễm nấm trước đây. Chân phải được rửa thường xuyên bằng xà phòng và nước, lau khô chân, nhất là giữa các kẽ chân.

Ngoài ra, chọn loại giày thoáng mát, mang tất hút ẩm và cắt khi móng chân quá dài cũng sẽ giúp giảm nguy cơ phát triển nấm móng chân, theo Verywell Health.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.