Mong đầu tư nhiều hơn nữa cho hạ tầng phía nam

02/11/2020 06:00 GMT+7

Nhiều bạn đọc Báo Thanh Niên đặc biệt quan tâm việc Bộ GTVT đề xuất xây dựng kế hoạch đầu tư 7 tuyến cao tốc ở khu vực ĐBSCL.

Hạ tầng giao thông yếu kém đang là nút thắt kìm hãm sự phát triển của cả vùng kinh tế trọng điểm phía nam. Vì vậy, việc Bộ GTVT đề xuất xây dựng kế hoạch đầu tư 7 tuyến cao tốc ở khu vực ĐBSCL thu hút sự quan tâm đặc biệt của bạn đọc Thanh Niên.
Ngoài kế hoạch đầu tư 7 tuyến cao tốc ở khu vực ĐBSCL gồm: Cần Thơ - Cà Mau, Chơn Thành - Đức Hòa, Đức Hòa - Mỹ An, Mỹ An - Cao Lãnh, An Hữu - Cao Lãnh (thuộc tuyến cao tốc 2 Hồng Ngự - Trà Vinh), Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu với tổng vốn đầu tư 64.554 tỉ đồng, nhiều dự án hạ tầng giao thông khác cũng đã được khởi công ở khu vực phía nam.

Chờ cú hích hạ tầng

Hạ tầng giao thông thường được ví von là các mạch máu nuôi dưỡng một “cơ thể kinh tế”. Vì thế, bạn đọc (BĐ) Ai Nguyen đánh giá kế hoạch đầu tư thêm 7 tuyến cao tốc “là tin tức tuyệt vời cho ĐBSCL, hứa hẹn tương lai phát triển của cả vùng”.
BĐ Huy Trần “mong Chính phủ sẽ triển khai sớm các dự án này để thúc đẩy phát triển kinh tế” vì các cú hích hạ tầng giao thông “không những thúc đẩy kinh tế khu vực Tây Nam bộ mà còn kéo theo sự phát triển của Tây nguyên, của Nam Trung bộ”. Cũng theo BĐ Huy Trần, mấu chốt của các dự án này là “khi hạ tầng giao thông từ TP.HCM được kết nối lưu thông đến các tỉnh thành xung quanh, sẽ là cú hích rất cần thiết để phát triển kinh tế, công nghiệp du lịch”.
Đồng quan điểm, BĐ Dao Duy Hung viết: “Chính phủ cần nhanh chóng giải tỏa các nút thắt giao thông cửa ngõ của TP.HCM, đặc biệt là các tuyến kết nối TP.HCM với Biên Hòa, Vũng Tàu, với Long An, Đồng Tháp, với QL50, QL1 và QL51 để tạo thêm đà cho TP.HCM phát triển”.
Nhưng “mở đường chỉ là phần nổi của vấn đề..., nếu không quy hoạch đồng bộ được mật độ dân số, cũng như các khu công nghiệp”, theo BĐ Khanh Ha. Bên cạnh đó, BĐ cũng chỉ ra những băn khoăn khác, bên cạnh tin tức đáng phấn khởi về dòng vốn đang đổ về hạ tầng phía nam.

Đừng đội vốn, đội thời gian

Bên cạnh sự hồ hởi chờ đợi đầu tư các công trình ngàn tỉ, BĐ N.V.H nêu ra một câu hỏi vốn đã được hỏi từ lâu: “Điều kiện đầu tiên là tiền đâu? Các công trình đang làm vẫn chưa thể tiếp tục vì thiếu vốn, liệu có nên lo lắng về những công trình phải chờ thêm 5 năm, 10 năm...?”. Cùng băn khoăn ấy, BĐ Cường Phạm Mạnh nhắc đến những “dự án đang triển khai thì hết vốn hoặc chưa được giao hết mặt bằng: Một cây cầu ở Nhà Bè làm 8 năm chưa xong; Cao tốc Bến Lức - Long An đang phải tạm ngừng thi công...”, đồng thời đặt câu hỏi: “Sao không dồn lực cho xong các dự án dở dang?”.
BĐ Huy Quang “hy vọng là đúng tiến độ” chứ “đã ngán ngẩm cảnh cao tốc thì thi công kéo dài, lùi ngày khánh thành từ năm này sang năm khác, trong khi áp lực giao thông đè mỗi năm một mạnh hơn lên các tuyến đường bộ, đặc biệt là những tuyến đường về ĐBSCL”. Tương tự, BĐ Quang Nguyen “chốt” lại niềm mong mỏi: “Các công trình đừng trễ tiến độ, đừng để người dân chờ đợi, kinh tế trì trệ, phát sinh chi phí do đội giá...”.
Phát triển nhanh cơ sở hạ tầng vùng kinh tế trọng điểm năng động phía nam sẽ giúp cho đất nước phát triển nhanh, giàu nhanh bền vững, do khu vực này có nhiều lợi thế về con người, đất đai, môi trường, khí hậu...
Hiếu.HCT
Đầu tư mới rất cần, nhưng quan trọng không kém là khẩn trương hoàn thành các công trình hiện hữu, đưa vào sử dụng để giảm áp lực quá tải giao thông phía nam.
Nguyễn Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.