Theo phương án đưa ra, công viên cảng Bạch Đằng kéo dài từ cầu Khánh Hội với điểm nhấn là cột cờ Thủ Ngữ, chạy dọc bờ sông là mảng xanh và một số cầu tàu, nhà ga bến thủy nội địa. Cùng với đó, công viên Mê Linh được cải tạo, tăng thêm mảng xanh. Riêng tượng đài Trần Hưng Đạo ở công viên Mê Linh có thêm lư hương đặt trước tượng phía đường Tôn Đức Thắng hướng ra sông Sài Gòn. Trước đó, ngày 17.2.2019, Q.1 di chuyển lư hương trước tượng đài về đền thờ Đức Thánh Trần Hưng Đạo ở số 36 Võ Thị Sáu (P.Tân Định).
Phối cảnh công viên Mê Linh (P.Bến Nghé, Q.1, TP.HCM) có nhiều cây xanh, với điểm nhấn là tượng đài Trần Hưng Đạo phía trước có lư hương. Đây là phương án UBND Q.1 đang đưa ra lấy ý kiến |
UBND Q.1 |
Phương án hợp lòng dân
Theo phương án của Sở Xây dựng, việc sửa chữa, cải tạo công viên Mê Linh và tượng Trần Hưng Đạo theo hướng giữ nguyên hiện trạng, sửa chữa những vị trí hư hỏng, điều chỉnh chiếu sáng, trồng thêm cây xanh… Riêng tượng đài Trần Hưng Đạo sẽ gia cố, trùng tu những chỗ hư hỏng trên thân và bệ tượng. Bạn đọc (BĐ) bày tỏ sự đồng tình với phương án mà TP đang tổ chức lấy ý kiến, đồng thời đề nghị lư hương sẽ được đưa từ đền thờ Đức Thánh Trần Hưng Đạo ở P.Tân Định về đặt trước tượng đài Trần Hưng Đạo ở công viên Mê Linh. “Phương án đặt lại lư hương tại tượng đài Trần Hưng Đạo rất hợp lòng dân”, BĐ My Tan nêu ý kiến. Đồng quan điểm, BĐ trangthilut41 viết: “Ủng hộ mang lư hương trở lại, theo ý nguyện của người dân TP”.
Nhiều BĐ cho rằng việc “đặt lại lư hương ở tượng đài Trần Hưng Đạo là chuyện không có gì phải bàn cãi”, góp ý bây giờ nên tập trung vào thiết kế lại khu vực xung quanh tượng đài cho phù hợp, có thể trồng thêm cây xanh tại công viên Mê Linh, sớm triển khai thiết kế xây dựng toàn bộ khu vực này để người dân có thêm không gian văn hóa. Thậm chí, BĐ Nguyen Sa còn đưa ra đóng góp táo bạo: “Theo tôi, nên nâng toàn bộ khu vực trống quanh tượng đài lên 1 tầng thành khu công viên liền với sông Sài Gòn, nâng cao tượng lên tương xứng. Các con đường hiện tại sẽ chạy dưới công viên này”.
Mong công trình tôn tạo sớm được triển khai
BĐ đồng tình với phương án thiết kế, cải tạo khu vực công viên tượng đài Trần Hưng Đạo theo hướng không chỉ là không gian độc lập, mà còn kết nối với công viên cảng Bạch Đằng, phố đi bộ Nguyễn Huệ. Khi đó, mỗi hạng mục trong cụm thiết chế công trình đô thị này mang một chức năng, độc lập nhưng vẫn liền lạc. Đặc biệt, công viên Mê Linh nơi đặt tượng đài Trần Hưng Đạo là không gian văn hóa, lịch sử, tâm linh của người dân. “Với phương án thiết kế này, theo cá nhân tôi sẽ góp phần nâng cấp được vị thế của TP hơn, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân TP, xây dựng TP thành nơi đáng sống, văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, người dân nhận xét trong sổ góp ý ở UBND Q.1.
Nên làm như vậy ạ. Đặt lư hương dưới tượng Đức Thánh Trần, là nơi để người dân đến cầu nguyện điều an lành cho TP.HCM và cả nước.
Trung Cang Dang Thi
Tôi thấy phương án đưa ra khá toàn diện, việc đặt trở lại lư hương dưới tượng Đức Thánh Trần là hợp lòng nhiều người. Vì vậy, TP nên sớm triển khai để người dân có thêm không gian văn hóa.
Nguyễn Vân Phú
Chuyện đặt lư hương tưởng niệm Đức Thánh Trần không nên góp ý bó hẹp ở Q.1 và Sở Xây dựng. Thời gian từ 1 - 5.11 là quá ngắn. Đây là việc làm mang tính đạo lý lớn, nên để người dân có thời gian đóng góp ý kiến rộng rãi.
lephunghung 18
Không chỉ là việc tôn tạo tượng đài, cải tạo mảng xanh đô thị, câu chuyện đóng góp ý kiến cho việc chỉnh trang công viên tượng đài Trần Hưng Đạo còn cho thấy sự mong mỏi, gửi gắm của người dân về xây dựng không gian sống, giữ gìn văn hóa lịch sử, tôn trọng truyền thống, tâm linh cộng đồng. Như BĐ Congvandoan nêu ý kiến: “Đức Trần Hưng Đạo đã được dân tộc Việt Nam phong thánh từ lâu. Người đã bỏ đi hiềm khích gia đình, toàn tâm phụng sự cho lợi ích quốc gia dân tộc, người đã đánh đuổi giặc Nguyên Mông giữ vững bờ cõi đất nước, thì việc đặt lại lư hương để người dân thắp nhang tưởng nhớ, nhìn vào tấm gương sáng của thánh nhân là điều tất yếu. Muốn giữ vững bờ cõi, muốn độc lập dân tộc phải đề cao, tưởng nhớ, thờ phượng thánh nhân dân tộc”. Còn BĐ Lão Nông Tri Điền chia sẻ: “Tôi tin rằng trong lòng người dân Việt Nam ai cũng nương nhờ, cầu mong vào đức thánh che chở mỗi khi có biến cố, tai họa, dịch bệnh, mong đất nước thái bình... Vì vậy, rất mong công trình tôn tạo được nhanh chóng triển khai…”.
Bình luận (0)