Như Thanh Niên đã thông tin, Sở GTVT TP.HCM vừa đề xuất UBND TP bổ sung ưu tiên triển khai xây dựng 4 nút giao lớn từ nay đến năm 2028, gồm: nút giao ngã bảy Điện Biên Phủ - Ngô Gia Tự - Lý Thái Tổ - Lê Hồng Phong (Q.3, Q.10); nút giao ngã sáu Nguyễn Tri Phương - Ngô Gia Tự - Nguyễn Chí Thanh (Q.5, Q.10); nút giao Nguyễn Oanh - Phan Văn Trị (Q.Gò Vấp); nút giao QL1 - đường số 7 - đường số 18 (Q.Bình Tân). Trong đó, 2 nút giao đầu có tổng mức đầu tư dự kiến 400 tỉ đồng/dự án và là 2 trong số những nút giao lớn nhất nằm trong vùng nội đô.
Trước đó, Sở GTVT cũng đề xuất UBND TP.HCM giao nhiệm vụ lập, điều chỉnh báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án xây dựng cầu vượt bằng thép tại ngã tư Bốn Xã (nối Q.Bình Tân và Q.Tân Phú). Đây là điểm giao nhau của 6 con đường: Bình Long, Thoại Ngọc Hầu, Hòa Bình, Phan Anh, Hương lộ 2 và Lê Văn Quới, nằm trong danh sách 24 điểm đen ùn tắc giao thông trên địa bàn TP.HCM.
Cùng với 5 dự án nút giao thông nói trên, Sở GTVT cũng đề xuất 88 dự án ưu tiên đầu tư trong giai đoạn 2024 - 2030, bao gồm các tuyến cao tốc, đường kết nối cao tốc, quốc lộ, đường vành đai, các cầu lớn, đường đô thị, đường liên khu vực, đường thủy, bến bãi giao thông tĩnh... Tổng vốn đầu tư 93 dự án trên khoảng 276.166 tỉ đồng. Trong đó, vốn đầu tư theo hình thức đối tác công - tư là 69.256 tỉ đồng (khoảng 25%) và ngân sách TP khoảng 202.547 tỉ đồng.
Ùn tắc xảy ra hằng ngày
"Rất mong TP.HCM sớm triển khai xây dựng các nút giao lớn mà Sở GVTT vừa đề xuất. Phải nói TP.HCM đã làm được nhiều việc về giao thông nhưng so với yêu cầu thì còn phải làm nhiều hơn nữa để giải quyết nạn ùn tắc xảy ra hằng ngày", bạn đọc (BĐ) Hai Long cho biết.
Góp ý về việc tháo gỡ các nút thắt giao thông, BĐ T.Đ.T cho biết: "Bài báo Thanh Niên đã nói đúng trọng tâm về việc áp lực sẽ lan tỏa từ điểm này đến điểm khác. Vì vậy, cần có giải pháp dài hơi bên cạnh việc xử lý trước mắt các nút giao này".
BĐ Gò Sa góp ý thêm: "Muốn giảm kẹt xe không khó… Tôi xin đưa một dẫn chứng, QL1 qua TP.HCM từ vòng xoay An Lạc tới trạm 2 giao với Xa lộ Hà Nội đã làm rất nhiều cầu vượt nhưng không làm hết. Khi làm hết những cầu vượt hay hầm chui qua giao lộ với QL1, xe cộ có thể chạy với tốc độ 60 đến 80 km/giờ. Người ta sẽ chọn ưu tiên đoạn đường này để thoát ra nhanh khỏi TP.HCM về miền Tây hay đi các tỉnh miền Đông, miền Trung, miền Bắc, khi đó phương tiện giao thông giảm đáng kể ở nội thành...".
"Đoạn đường từ vòng xoay Hàng Xanh đến Ngã 5 Đài liệt sĩ (Q.Bình Thạnh) thường xuyên ùn tắc, mặc dù khu vực này đã mở đường Điện Biên Phủ rất rộng và làm cầu vượt băng qua vòng xoay Hàng Xanh", BĐ Quang Minh ý kiến.
Nâng cao ý thức người tham gia giao thông
"Việc TP.HCM đang đẩy mạnh đầu tư nhiều công trình giải quyết ùn tắc tại các nút giao thông lớn, giảm ùn ứ ở các "điểm đen" là hết sức đúng đắn, và rất mong các công trình này khi hoàn thành sẽ góp phần giải quyết nạn ùn tắc, kẹt xe. Bên cạnh đó, rất cần phải nâng tầm ý thức người dân khi tham gia giao thông hơn nữa. Hạ tầng có ngon đến mấy mà ý thức tranh nhau từng milimet trên đường, rồi chạy lên vỉa hè, vượt đèn đỏ, lấn làn, vượt ẩu… thì ùn tắc lại càng ùn tắc. Phải có giải pháp mạnh mẽ hơn", BĐ Hoang Minh góp ý.
Cùng ý kiến, BĐ Tiến bức xúc: "Dân mình vốn thích tiện, cứ thấy bán ở vỉa hè, ví dụ như xe bánh mì, là tấp vô mua, con đường đã nhỏ giờ bị chiếm gần hết, lấy gì không kẹt xe? Chở, đón con đi học cũng thản nhiên đỗ ở lòng đường… Ý thức giao thông như thế thì bao giờ mới hết nạn kẹt xe?".
Bên cạnh việc phạt hành chính, đề nghị buộc những người vi phạm luật giao thông phải đi học hoặc học lại luật giao thông, có điểm danh, thi nghiêm túc. Phải làm vậy để nâng ý thức lên.
H.Hung
Hãy để tín hiệu đèn giao thông hoạt động tự động. Cảnh sát giao thông đứng hai bên sẽ hết kẹt xe.
Quang Thắng TV
Bình luận (0)