Sở GD-ĐT TP.HCM triển khai kế hoạch tham vấn học sinh về dự thảo luật Giáo dục sửa đổi ở 16 trường THCS và THPT. Theo đó, từ ngày 3 - 28.1.2019, Sở sẽ tổ chức tìm hiểu thực tế, ghi nhận đánh giá ý kiến và mong muốn của học sinh (HS) về dự thảo luật.
Mất quá nhiều thời gian cho lý thuyết
Về dự thảo luật Giáo dục sửa đổi, Dư Trần Xuân Minh, HS lớp 11A12 Trường THPT Bùi Thị Xuân (Q.1, TP.HCM), bày tỏ mong muốn: “Cần hạn chế lý thuyết, tăng tính thực hành, thí nghiệm; có nhiều hoạt động ngoại khóa bổ sung cho lý thuyết để HS hiểu và có định hướng nghề nghiệp một cách thực tiễn. Hiện tại HS đa phần phải dành thời gian để học cho hết nội dung lý thuyết trong chương trình”.
tin liên quan
Môn giáo dục công dân mới dạy gì?Tương tự, Nguyễn Lâm Đông Quang, HS lớp 11 một trường tại Q.1, nói thêm chương trình học hiện nay thấy có khoảng 80% là lý thuyết, HS còn rất ít thời gian để liên hệ thực tiễn. Chẳng hạn ở môn hóa học, học đến công thức tạo thành phân bón nhưng rất ít HS có dịp nhìn thấy hình thù của các loại phân bón hóa học dùng trong nông nghiệp hiện nay. Do vậy trong chương trình cần sắp xếp để HS có điều kiện tham gia các hoạt động học tập ngoài nhà trường. Còn Lê Quỳnh Như, HS lớp 11 tại Q.8, cho rằng nếu chỉ giỏi kiến thức trong trường thì chưa chắc đã thích nghi với xã hội nên mong muốn trong chương trình học bổ sung thêm các kỹ năng mềm để giúp HS tồn tại và thích nghi với sự phát triển của xã hội.
Trong khi chia sẻ, hầu hết HS đều cho rằng đa số học lệch, học vẹt do phải học lý thuyết quá nhiều để đáp ứng các kỳ thi nên thường bỏ qua kiến thức không thi. Trong khi đó, Phạm Thị Bích Vân, HS lớp 11 tại Q.4, nói rằng với sự phát triển của thế giới phẳng, chỉ cần bấm chuột là có thể tiếp cận với kho tàng kiến thức. Vì vậy giáo viên có thể chỉ cần hướng dẫn HS kỹ năng tra cứu đúng nguồn, còn lại dành thời gian cho việc hướng dẫn HS ứng dụng kiến thức vào thực tiễn, thực hành, thí nghiệm để nắm chắc, hiểu sâu kiến thức. Chẳng hạn, hiện có những phản ứng hóa học, các hiện tượng vật lý HS học theo kiểu học vẹt chứ không thực hành nên gây nhàm chán.
Nguyễn Hoàng, HS lớp 12 tại Q.3, nhận xét: “Trong quá trình học, có những kiến thức chỉ học một tiết nên cũng không giải quyết được vấn đề gì. Do vậy cần giảm bớt kiến thức hàn lâm, đưa vào chương trình những kiến thức thực tiễn có tính ứng dụng. Đừng chỉ chăm chăm hướng vào mục tiêu cho HS biết nhiều mà cuối cùng chẳng dùng được bao nhiêu mà lại mất thời gian của HS”.
Nguyễn Hoàng chia sẻ thêm: “Khi chương trình quá nặng nề, phụ huynh nào cũng mong muốn con em mình học được thật nhiều kiến thức để có thể vượt qua các kỳ thi nên cuối cùng chúng em là người phải chịu áp lực. Hãy để chúng em được sống và học theo năng lực, làm theo sở thích nghề nghiệp của bản thân bằng những kiến thức và kỹ năng có được từ nhà trường”.
Tránh chọn sai nghề nghiệp tương lai
Từ đó, các HS đề nghị chương trình mới nên chỉ có những kiến thức lý thuyết đã được chọn lọc, tăng cường liên hệ với thực tiễn. Sách giáo khoa phải thay đổi, có cách tiếp cận hiện đại và tạo hứng thú cho người học bằng những hình ảnh sinh động thay cho những trang giấy dày đặc chữ.
Còn Nguyễn Ngọc Hoàng My, lớp 12 Trường THPT Nguyễn Hữu Huân (Q.Thủ Đức), thì muốn được cùng tham gia vào quá trình chọn sách giáo khoa với giáo viên để phù hợp với tâm lý, đặc trưng riêng của HS mỗi vùng miền. Việc áp đặt phải sử dụng một bộ sách giáo khoa chung cho cả nước hiện nay không tạo sự hứng thú học tập và tìm hiểu kiến thức.
Riêng Trương Hà Xuân Nhật, HS Trường THPT Nguyễn Hữu Huân (Q.Thủ Đức), mong muốn HS cần được định hướng nghề nghiệp sớm trong bối cảnh nhà trường xác định nội dung hướng nghiệp là hoạt động chính khóa, bắt buộc. Mà muốn như vậy thì nội dung hướng nghiệp phải gắn với thực tiễn các đơn vị sản xuất, cơ sở dịch vụ… để HS hiểu về nghề nghiệp một cách chính xác. Có như vậy mới hạn chế việc chọn nhầm, chọn sai ngành nghề cho tương lai.
Bình luận (0)