Mong trí thức cống hiến nhiều hơn nữa cho đất nước

31/07/2020 06:33 GMT+7

Thủ tướng cho rằng trong từng giai đoạn lịch sử, đội ngũ trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ đã bám sát nhiệm vụ chính trị của đất nước, đóng góp công sức, tài năng và trí tuệ...

Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đặt niềm tin tưởng và sự kỳ vọng vào đội ngũ trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ tiếp tục cống hiến nhiều hơn nữa, mang lại những điều tốt đẹp nhất cho nhân dân, góp phần xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh.
Thông điệp trên được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh trong cuộc gặp mặt các đại biểu trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ nhân kỷ niệm 90 năm ngày Truyền thống ngành tuyên giáo của Đảng, 75 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2.9, tại Trụ sở Chính phủ chiều qua 30.7. Cuộc gặp nhằm ghi nhận, biểu dương, tôn vinh đóng góp quan trọng của các trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ; với sự tham dự của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Võ Văn Thưởng; lãnh đạo một số bộ, ngành và 203 đại biểu đại diện cho hơn 6,5 triệu trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ.

Vai trò rất lớn của đội ngũ trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ

Phát biểu tại buổi gặp, Thủ tướng nhấn mạnh công tác tuyên giáo là một trong ba trụ cột quan trọng của công tác xây dựng Đảng, bao gồm chính trị, tư tưởng, và tổ chức; đóng vai trò đi trước - mở đường, bảo đảm cho sự trường tồn và sự lãnh đạo toàn diện của Đảng. Trong đó, công tác tuyên giáo hay công tác chính trị tư tưởng có ý nghĩa cực kỳ quan trọng trong việc giáo dưỡng tinh thần, giác ngộ tư tưởng, xây dựng sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần đưa đến các thắng lợi vẻ vang cho đất nước ta mà trực tiếp là hai cuộc kháng chiến vĩ đại giành độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc và cả trong công cuộc khôi phục, xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội đất nước ngày nay.
Ngày 30.7, Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM tổ chức họp mặt kỷ niệm 90 năm ngày Truyền thống ngành tuyên giáo của Đảng (1.8.1930 - 1.8.2020) và 70 năm thành lập Ban Tuyên huấn Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn. Phát biểu tại buổi họp mặt, Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM Trần Lưu Quang khẳng định các mặt hoạt động tuyên giáo đều có chuyển biến tích cực, tác động tốt về định hướng tư tưởng chính trị và xây dựng đạo đức lối sống, góp phần tạo sự nhất trí nội bộ và đồng thuận xã hội. ..
Cùng ngày, tại Hưng Yên, Hậu Giang... diễn ra Hội nghị gặp mặt kỷ niệm 
90 năm ngày Truyền thống ngành tuyên giáo của Đảng. 
Trong điều kiện đất nước hòa bình và ra sức phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh, vai trò của ngành tuyên giáo không hề giảm đi, mà càng phải được làm nổi bật, tô điểm hơn cho những thành tựu của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. “Vai trò “đi trước - mở đường” trong phát triển kinh tế - xã hội ngày nay của ngành tuyên giáo cũng quan trọng to lớn không kém giai đoạn trước đây”, Thủ tướng nói.
Thủ tướng cho rằng, dấu ấn 90 năm sắp tròn một thế kỷ của ngành tuyên giáo có vai trò rất lớn của đội ngũ trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, trong từng giai đoạn lịch sử, đội ngũ trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ đã bám sát nhiệm vụ chính trị của đất nước, đóng góp công sức, tài năng và trí tuệ, đồng hành cùng dân tộc trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, xây dựng và phát triển đất nước…
“Trong đại dịch Covid-19 nguy hiểm và đang gây hậu quả rất nghiêm trọng trên phạm vi toàn cầu, đội ngũ trí thức, nhà khoa học và văn nghệ sĩ nước nhà đã kịp thời vào cuộc, kịp thời nghiên cứu phát triển bộ kit xét nghiệm, phần mềm ứng dụng khai báo y tế, truy vết người nghi nhiễm, khám chữa bệnh từ xa... Nhiều nghệ sĩ đã sáng tác những tác phẩm động viên, khích lệ, truyền cảm hứng cho xã hội, cả trong nước và quốc tế trong phòng, chống dịch.
Công tác tuyên giáo đã tích cực tuyên truyền chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, chính sách và sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, góp phần tạo sự đồng thuận của toàn dân, thu hút được sự ủng hộ của bạn bè quốc tế trong cuộc chiến chống đại dịch, đồng thời làm lan tỏa năng lượng tích cực trong xã hội, đóng góp rất quan trọng đưa Việt Nam trở thành một trong những nước đầu tiên có được “trạng thái bình thường mới””, Thủ tướng nhấn mạnh và khẳng định chúng ta có thể tự hào bằng tài năng, công sức và tâm huyết, văn nghệ sĩ, trí thức, nhà khoa học của Việt Nam đã góp phần làm cho thế giới hiểu rằng Việt Nam không còn là tên gọi một cuộc chiến tranh mà thực sự đã trở thành biểu tượng của tinh thần vì hòa bình, một hình mẫu đổi mới, luôn nuôi dưỡng trong mình khát vọng hùng cường, không thua kém bất kỳ dân tộc nào trên thế giới như mong ước của Bác Hồ năm xưa.

Khơi dậy, truyền cảm hứng cho giới trẻ

Nhấn mạnh “Trong xu thế toàn cầu hóa, sự phát triển của kinh tế tri thức, cách mạng khoa học - công nghệ, nhất là Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã tạo ra những đột phá và có ảnh hưởng to lớn tới mọi mặt của đời sống xã hội.
Từ thế kỷ 21 trở đi, không phải tài nguyên tự nhiên, không phải đất đai mà là con người với chất xám và khả năng sáng tạo của mình mới chính là thứ tài nguyên quý giá nhất. Tri thức là thứ tài nguyên duy nhất càng khai thác thì càng sinh sôi, nảy nở”, Thủ tướng khẳng định: Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đặt niềm tin tưởng và sự kỳ vọng vào đội ngũ trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ mà tiêu biểu là gần 200 đại biểu đang có mặt tại đây, đại diện cho hơn 6,5 triệu trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ của cả nước, tiếp tục cống hiến nhiều hơn nữa, mang lại những điều tốt đẹp nhất cho nhân dân, góp phần xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh, nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc như di nguyện của Bác Hồ cách đây hơn 50 năm.
“Tôi cũng xin nói thêm, trong một thế giới phẳng, thách thức đặt ra đối với văn nghệ sĩ, trí thức, nhà khoa học là sự gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống hàng ngàn năm của dân tộc, hòa nhập nhưng không hòa tan. Đây là thách thức lớn bởi xu hướng hội nhập, toàn cầu hóa có thể tác động làm phai nhạt những giá trị văn hóa có tính cội nguồn. Hàng nghìn năm nay, cha ông chúng ta luôn biết cách đẩy lùi mọi âm mưu đồng hóa của nước ngoài. Các văn nghệ sĩ, nhà trí thức ngày nay cũng chính là những chiến sĩ, luôn đề cao cảnh giác và tinh thần đấu tranh trên mặt trận này, phải biết cách truyền cảm hứng, khơi dậy trong giới trẻ về cội nguồn, về văn hóa truyền thống của dân tộc, về lý tưởng phụng sự quốc gia độc lập, tự cường, thịnh vượng”, Thủ tướng nói.

Quyết không thể là một dân tộc nghèo

Thủ tướng cho biết chúng ta đang tiến hành Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Đại hội sẽ vạch ra những định hướng chiến lược cho phát triển đất nước trong 10 năm tới, tầm nhìn đến năm 2045 và cụ thể hóa cho giai đoạn 5 năm 2021 - 2025. Trong toàn bộ tiến trình đó, đội ngũ trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ tiếp tục đóng vai trò hết sức quan trọng trong hoạt động sáng tạo, nghiên cứu đề xuất, phản biện chính sách... phục vụ xây dựng, hoạch định và triển khai đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống nhân dân.
“Một dân tộc giàu chưa hẳn là một dân tộc mạnh, một dân tộc mạnh phải là một dân tộc có khả năng trường tồn. Một dân tộc mạnh thì phải có quyết tâm để trở thành một dân tộc giàu. Một dân tộc có bề dày hàng nghìn năm văn hiến, một dân tộc đã sinh ra nhiều bậc hiền tài, danh nhân văn hóa, trong đó nhiều danh nhân được thế giới tôn vinh, một dân tộc đã hiển hách chống lại hàng trăm cuộc xâm lăng của ngoại bang để trường tồn, thì đó phải là một dân tộc mạnh. Dân tộc đó quyết không thể để thế giới coi thường như một dân tộc bạc nhược, quyết không thể là một dân tộc nghèo được. Đây cũng chính là sứ mệnh mà tất cả chúng ta cùng với ngành tuyên giáo, đội ngũ trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ của chúng ta cùng chung tay lãnh ấn.
Tôi xin nhấn mạnh đây là nhiệm vụ sống còn, là thể diện, niềm tin, niềm tự hào và tinh thần dân tộc, phải luôn nằm trong tiềm thức, chảy trong huyết quản của mỗi văn nghệ sĩ, trí thức, nhà khoa học chúng ta”, Thủ tướng nhấn mạnh và bày tỏ: “Với những nét son chói sáng của ngành tuyên giáo trong 90 năm qua được tô điểm bởi các nhà lãnh đạo tiền bối, các nhà làm công tác tuyên giáo qua các thời kỳ, chúng ta sẽ gặp nhiều thách thức để làm cho nét son đó chói lọi hơn nữa. Tuy nhiên, tôi tin rằng chúng ta sẽ còn phát huy hơn nữa truyền thống của ngành, sẽ giành được các thành tựu lớn hơn, vinh quang hơn nữa, như là món quà thật ý nghĩa cho lễ kỷ niệm “Bách Niên” của ngành trong 10 năm nữa”.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.