Nhiều hình thức kỷ niệm phong phú diễn ra rất xúc động, chúc mừng thầy cô trong ngày Nhà giáo Việt Nam, tất cả vì “lợi ích trăm năm trồng người”. Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nói “Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý, nghề sáng tạo nhất trong những nghề sáng tạo vì nó đã sáng tạo ra những con người sáng tạo”.
Ngày 20.11 hằng năm được coi như ngày tri ân thầy cô giáo, thường là ban đại diện cha mẹ học sinh phối hợp với nhà trường tổ chức lễ kỷ niệm, tôn vinh nhà giáo, tôn vinh nghề dạy học, khắc sâu truyền thống “Tôn sư trọng đạo” của dân tộc ta. Tuy nhiên, năm học này nhiều trường học vẫn còn đóng kín, sân trường không bóng học trò, nhiều tháng qua thầy cùng trò dạy và học trực tuyến nên chưa một lần trực tiếp được gặp nhau.
Mong ước lớn nhất của thầy cô dành cho học trò mình, là mong các em nên người, thành đạt trong cuộc sống |
ĐÀO NGỌC THẠCH |
Năm nay tuy không tổ chức lễ kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam long trọng như những năm qua do dịch bệnh nhưng nhà trường có thể tổ chức họp mặt truyền thống, tọa đàm, thăm hỏi thầy cô nghỉ hưu, học sinh gửi những lời chúc tốt đẹp đến thầy cô… bằng hình thức trực tuyến cũng là để ôn lại truyền thống “Tôn sư trọng đạo” của dân tộc Việt Nam.
Vào những ngày này, thầy cô cũng có những mong ước với nghề nghiệp mình đã chọn.
Những mong ước đó là gì? Câu trả lời là, đời sống được tốt hơn, không còn phải lo chuyện cơm áo gạo tiền để thầy cô yên tâm dành thời gian, tâm trí vào việc giảng dạy mà không phải bán hàng trực tuyến, chạy xe ôm, lo dạy thêm.... Nhưng mong muốn lớn nhất của thầy cô là thế hệ học sinh hôm nay sẽ làm rạng danh cho đất nước mai sau.
Ngược lại nếu hỏi, mọi người mong muốn ở thầy cô điều gì nhất? Câu trả lời là muốn có người thầy giỏi. Có thầy giỏi chắc chắn sẽ đào tạo được nhiều thế hệ học trò giỏi cho đất nước, dân tộc “sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không” là có phần đóng góp quan trọng của người thầy. Như lịch sử đã lưu truyền về thầy giáo Chu Văn An (dưới thời nhà Trần) dạy dỗ những học trò đỗ đạt cao, trở thành đại quan như Phạm Sư Mạnh, Lê Quát.... Chính điều này mà chúng ta có câu: “Lương sư - hưng quốc”.
Thầy giỏi không tự nhiên mà có, để có nhiều thầy giỏi lại càng khó hơn. Vậy để có thầy giáo giỏi, trước hết là việc đãi ngộ, chăm lo đối với người thầy; thứ hai là chất lượng đào tạo của các trường sư phạm. Hiện nay thầy cô giáo chưa thật sự sống được bằng lương. Bên cạnh các trường sư phạm trọng điểm có điểm đầu vào cao, vẫn còn những trường đào tạo giáo viên có điểm chuẩn “khiêm tốn”. Điều đó ảnh hưởng lớn đến mong muốn của xã hội để có nhà giáo giỏi, nhân tố quyết định chất lượng giáo dục và đào tạo, chất lượng nguồn nhân lực cho nước nhà.
Bất cứ dân tộc, quốc gia nào muốn phát triển đều cần có nền giáo dục phát triển, nền giáo dục nhân văn. Vì vậy, ôn lại truyền thống tôn sư trọng đạo cũng là tiếp thêm sức mạnh và nghị lực để quý thầy cô vượt qua hoàn cảnh, hoàn thành chức nghiệp nhà giáo vì “dưới ánh mặt trời, không có nghề nào cao quý hơn nghề dạy học” (Comenxki).
Bình luận (0)