Mong ước gì về thầy cô? Trong mắt học trò…

18/11/2016 07:39 GMT+7

Không đao to búa lớn, không mệnh lệnh hành chính, chuẩn giáo viên trong con mắt của học trò rất dung dị nhưng không phải giáo viên nào cũng thực hiện được.

Những ý kiến chân thành từ học sinh
Ông Phùng Hồng Cổn, giáo viên (GV) Trường THPT Phan Đình Phùng (Hà Nội), từng xây dựng một đề tài nghiên cứu về đánh giá của học sinh (HS) với GV bằng một hệ thống 20 câu hỏi trắc nghiệm. Đề tài này thực hiện từ năm 2008 - 2015, với khoảng 7.000 HS của nhiều trường THPT như: Phan Huy Chú, Nguyễn Thị Minh Khai, Chu Văn An, Phan Đình Phùng… tham gia.
20 câu hỏi tập trung vào 3 vấn đề kiến thức, phương pháp giảng dạy, nền nếp - ứng xử của GV. Ngoài những câu hỏi về chuyên môn, không ít câu hỏi được cho là “nhạy cảm” cũng được đưa vào như: Thầy cô có hay trù úm HS không? Thầy cô có lấy giờ học để làm việc khác không? Trang phục và tác phong của thầy cô khi lên lớp? Giọng nói và cách diễn đạt của thầy cô? Cách ứng xử của thầy cô khi HS vi phạm? Thầy cô có cho phép HS phản biện (nói ngược lại) ý của thầy cô hay không?...
Kết quả khảo sát cho thấy ý kiến rất phong phú, đa dạng, cung cấp nhiều thông tin hữu ích. Đặc biệt, theo ông Phùng Hồng Cổn, có những ý kiến khá sâu sắc, đáng để các thầy cô suy ngẫm và điều chỉnh, như: “Thầy dạy giống như để HS trở thành giáo sư vậy…”, “Cô nên nhắc nhở nhẹ nhàng khi HS không làm được bài, đừng trừng mắt quát tháo”, “Cô thiên vị HS quá mức…”.
“Sao cô không chia sẻ ngoài giờ lên lớp”?
Cô Nguyễn Thị Ly, GV tiểu học ở Hà Nội, chia sẻ: “Thời mới đi dạy học, tôi và đồng nghiệp thường nghĩ làm sao để có những bài giảng thật hay, HS có kết quả thật cao… nhưng càng làm nghề lâu tôi càng hiểu rằng các em có những mơ ước về người thầy giản dị lắm”.
“Khi gần gũi các em, dành thời gian để HS nói thật suy nghĩ của mình về GV mới thấy hóa ra các em có rất nhiều mơ ước bé nhỏ về GV của mình. Một em nói có hôm con bị sốt cả đêm nhưng hôm sau vẫn cố gắng đi học, đến lớp con ngủ gật nhưng cô không hỏi con mà mắng con làm con chỉ muốn khóc… Có em thì nói con muốn cô biết rằng bố mẹ con dạo này hay cãi nhau vì tiền nên con buồn lắm, không muốn đi học nữa để khỏi tốn tiền của bố mẹ. Có em thì muốn cô biết và chia sẻ là con không thích ngồi cạnh bạn cùng bàn vì bạn ấy… ở bẩn lắm. Nghe các em nói như vậy tôi thấy rất ân hận, lẽ ra chỉ cần chịu khó quan sát, dành thời gian cho HS thì chắc chắn sẽ động viên, sẽ an ủi kịp thời HS của mình. HS sa sút về học tập hoặc trở nên khó bảo hay trầm cảm… chắc chắn đều do các em không tìm được chỗ dựa về mặt tinh thần ngay từ đầu”, cô Ly nói.
HS lớp 8 một trường THCS ở Hà Nội tỏ ra buồn rầu khi lớp thay đổi GV chủ nhiệm từ năm học này. Cha mẹ lo lắng tưởng cô mới dạy không hay bằng cô trước thì được con trả lời: Cô dạy giỏi hơn nhưng cô không bao giờ chia sẻ với HS ngoài giờ lên lớp. Cô giáo chủ nhiệm cũ tận dụng những giờ sinh hoạt lớp hoặc giờ ra chơi để nói chuyện với HS, nghe HS nói đủ mọi thứ trên đời, kể cả phàn nàn về bố mẹ các em. Khi cả lớp có thành tích hay tiến bộ cô đi mua chè, mua bánh về khao cả lớp…. Còn cô giáo chủ nhiệm mới thì tuyên bố thẳng: Các “anh chị” tập trung vào học, tôi chỉ ưu tiên nhất là các “anh chị” học cho tốt mà thôi.
Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, Chủ tịch Hội Tâm lý - Giáo dục Hà Nội, cho rằng thay vì chỉ đánh giá GV qua các buổi dự giờ thì việc lắng nghe những cảm nhận từ HS sẽ giúp hiệu trưởng hiểu GV của mình đã dạy học trò tốt hay không. Đồng thời cũng khiến GV phải soi lại mình trong mắt học trò để tự hoàn thiện mình.
Ý kiến
Giống như một người bạn
Em mong thầy cô giáo giống như một người bạn vậy. Có như thế sinh viên mới cảm thấy gần gũi để họ bộc bạch những tâm tư của mình, nhờ thầy cô của mình chỉ bảo làm sáng tỏ những điều học trò chưa rõ.
Võ Thị Kim Ngân (SV Trường ĐH Văn Hiến)
Người truyền lửa
Có những môn học tôi cảm nhận như thầy cô lên lớp dạy theo kiểu cho hết giờ rồi về, còn sinh viên ngồi dưới có quan tâm hay không, đang nghĩ gì, cần gì thì thầy cô chẳng màng đến. Người học đến lớp luôn mong muốn thầy cô giáo chia sẻ những điều hay, mới lạ. Thầy cô còn đóng vai trò là người truyền “lửa”, làm chất “men” để sinh viên có động lực học tập, nghiên cứu, sáng tạo.
Lê Văn Minh (SV Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM)
Lê Thanh (ghi)
Tọa đàm trực tuyến “Mong ước gì về thầy cô ?”
Diễn đàn “Mong ước gì về thầy cô?” khởi đăng trên Báo Thanh Niên từ ngày 15.11 nhận được ý kiến đa chiều từ các nhà giáo, phụ huynh, HS. Ở nhiều góc độ khác nhau nhưng tất cả đều có những điểm chung là thầy cô luôn gắn liền với những điều cao đẹp, đáng để tôn kính. Trong bối cảnh mới, thầy cô cần có thêm những đức tính cần thiết để nuôi dưỡng niềm tin cho học trò, góp phần kiến tạo một nền giáo dục tử tế.
Tiếp theo diễn đàn, Báo Thanh Niên sẽ tổ chức buổi tọa đàm truyền hình trực tuyến với chủ đề “Mong ước gì về thầy cô?” tại địa chỉ thanhnien.vn và qua fanpage Facebook của Báo Thanh Niên lúc 14 giờ 30 ngày 18.11. Chương trình sẽ là cầu nối giữa thầy cô, phụ huynh, HS để chia sẻ những mong ước về thầy cô nhằm phác họa nên chân dung của nhà giáo trong thời đại mới.
Chương trình có sự tham gia của PGS-TS Nguyễn Kim Hồng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cô Nguyễn Thị Mỹ Anh, khối trưởng khối 1 Trường tiểu học Lương Định Của (Q.3, TP.HCM), thầy Nguyễn Thanh Hiếu, giáo viên môn toán Trường THPT Lê Quý Đôn, TP.HCM.
Thanh Niên
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.