Thanh Niên đã thông tin, tại kỳ họp chuyên đề ngày 19.9, HĐND TP.HCM thông qua nghị quyết mức thu phí sử dụng tạm thời vỉa hè, lòng đường. Từ tháng 1.2024, các tổ chức, cá nhân sử dụng lòng đường vào 3 mục đích và vỉa hè với 5 mục đích sẽ phải nộp phí, như: tổ chức hoạt động văn hóa; điểm trung chuyển rác thải sinh hoạt; điểm trông giữ xe; điểm tổ chức kinh doanh dịch vụ, mua bán hàng hóa; điểm bố trí công trình, tiện ích phục vụ giao thông công cộng có thu tiền người sử dụng và lắp đặt các công trình tạm; điểm trung chuyển vật liệu, phế thải xây dựng để phục vụ thi công công trình.
Sở GTVT cho biết UBND TP.HCM sẽ ban hành kế hoạch thực hiện. Sở GTVT và UBND cấp huyện rà soát, ban hành danh mục các tuyến đường đủ điều kiện sử dụng tạm thời vỉa hè, lòng đường với các chức năng, hoạt động cụ thể. Ông Ngô Hải Đường, Trưởng phòng Quản lý khai thác hạ tầng giao thông đường bộ (Sở GTVT TP.HCM), cho biết không phải tuyến đường nào cũng đủ điều kiện kinh doanh, cho thuê. Mặt khác, việc thu phí vỉa hè, lòng đường phải đảm bảo nguyên tắc đồng thuận của người dân được đặt lên cao nhất, tránh mâu thuẫn lợi ích giữa người cho thuê và người khai thác.
Cần giải pháp có tình có lý
Nhiều bạn đọc (BĐ) ủng hộ việc TP.HCM thu phí sử dụng tạm thời vỉa hè, lòng đường, với điều kiện chủ trương này được thực hiện hợp lý, minh bạch. BĐ 8BH5 nêu ý kiến: "Cho thuê vỉa hè là hợp lý, nhưng vỉa hè rộng 5 - 7 m mới được, và cần sự đồng thuận của chủ nhà nơi có vỉa hè. Chính quyền phải giải quyết hài hòa lợi ích của các bên, nếu thành công thì đây là chủ trương nhân văn và trách nhiệm".
"Khi triển khai thu phí vỉa hè nên ưu tiên những người có nhà mặt tiền được thuê trước, sau đó đến những người đã buôn bán, mưu sinh lâu nay... Quy định có tình có lý thì mọi việc không có gì mà không làm được", BĐ Hi Hi bổ sung.
Tương tự, BĐ TQVP cũng cho rằng nên ưu tiên cho nhà mặt tiền, sau đó đến các hộ đang kinh doanh: "Chi phí xây dựng, sửa chữa, bảo trì… vỉa hè là từ tiền thuế, nên việc thu phí hạ tầng công cộng đối với người có nhu cầu sử dụng là hợp lý. Nhưng cần ưu tiên những gia đình đã và đang kinh doanh tạm trên các khu vực vỉa hè của thành phố, tất nhiên họ phải đảm bảo đúng quy định của pháp luật".
BĐ TC đề xuất cụ thể: "Đối với lề đường nhỏ, chừa ra 1,5 m, lề đường lớn chừa ra 3 m. Ở lòng đường nghiêm cấm hành vi mua bán trao đổi. Ai vi phạm phạt nguội bằng hình ảnh với chỉ 2 mức phạt: lần đầu cảnh cáo, lần hai rút giấy phép kinh doanh".
Chờ lộ trình triển khai hiệu quả
Sở GTVT TP.HCM cho biết đang lấy ý kiến các địa phương để ra dự thảo hướng dẫn quản lý và sử dụng tạm thời một phần lòng đường, vỉa hè. BĐ 6517 lưu ý cách thức thực hiện: "Tôi đồng ý phương án thu phí vỉa hè. Chủ trương đúng, nhưng cần nghiên cứu kỹ hơn. Không phải nơi nào cũng cho thuê vỉa hè được, nếu không sẽ lợi bất cập hại, sau này có nhiều rắc rối xảy ra".
BĐ Le Nguyen bày tỏ sự đồng thuận, gợi ý mở rộng mô hình: "Có thể áp dụng thu phí vỉa hè trên cả nước. Nguồn thu nộp vào ngân sách để phát triển hạ tầng. Làm như vậy vừa tránh thất thu ngân sách vừa tránh xung đột giữa chủ nhà và người sử dụng vỉa hè".
Trong khi đó, BĐ Tran Hung nhắc nhở về lộ trình triển khai: "Việc thu phí kinh doanh vỉa hè là để sắp xếp, quản lý vỉa hè vào trật tự, nền nếp, quy củ và thẩm mỹ. Nên việc này phải đảm bảo đúng nơi, đúng chỗ, đúng thời gian và đúng tính chất. Chỗ nào không thu phí kinh doanh thì phải kiên quyết xử lý việc chiếm dụng, lấn chiếm vỉa hè để tạo không gian thông thoáng cho người đi bộ".
"Đây là bài toán khó vì có rất nhiều đối tượng bị tác động của chính sách. Cần tham khảo kinh nghiệm của các quốc gia tương đồng. Chọn một vài địa phương làm thí điểm trước, có lộ trình cụ thể sao cho hài hòa lợi ích", BĐ Minh Ly đề đạt.
* Tôi ủng hộ nhưng phải làm sao để những đồng tiền thu phí vỉa hè đó được nộp vào ngân sách và sử dụng hiệu quả cho phát triển hạ tầng.
xuanhoa tran
* Đường sá, vỉa hè đã quá chật chội, nhiều nơi giao thông hỗn loạn, đường phố nhếch nhác. Nên lập một số khu vực tập trung việc buôn bán, vừa quản lý tốt và tránh việc mất trật tự đường phố.
Kenny Nt
Bình luận (0)