'Monster': Phim Nhật cạnh tranh Trần Anh Hùng tại Cannes 2023 có gì hấp dẫn?

26/07/2023 17:12 GMT+7

Đạo diễn Kore-eda Hirokazu đưa khán giả vào chuyến tàu lượn cao tốc của hạnh phúc, đau thương, rồi tìm về hạnh phúc trong Monster - phim tranh giải Cành cọ vàng tại Cannes 2023.

Tại Liên hoan phim Cannes lần thứ 76, Monster (tựa Việt: Quái vật) tranh giải ở hạng mục Cành cọ vàng cùng 20 phim quốc tế khác, trong đó có Pot-au-Feu của đạo diễn Trần Anh Hùng. Chung cuộc, Monster thắng ở hạng mục độc lập Queer Palm (phim về LGBTQ+).

'Monster': Phim Nhật cạnh tranh Trần Anh Hùng tại Cannes 2023 có gì hấp dẫn? - Ảnh 1.

Đạo diễn Kore-eda Hirokazu (giữa) cùng dàn diễn viên Monster tại Cannes 2023. Cách kể chuyện của ông không đóng khung một “người xấu” cụ thể, mà để mỗi nhân vật được cất lên tiếng nói riêng

Reuters

Mugino Saori (Andou Sakura đóng) trở thành mẹ đơn thân sau cái chết của chồng. Ở vậy nuôi con, cô cố gắng thấu hiểu, đồng cảm với những thay đổi tâm sinh lý từng ngày của cậu con trai Minato Kurokawa (Kurokawa Souya). Ngày nọ, Saori nhìn thấy những vết bầm trên mặt con, cũng như nhận thấy cậu bé trở nên lầm lì hơn. Tin rằng con trai bị bắt nạt, người mẹ quyết tâm đến trường làm cho ra lẽ. Từ đây, nhiều bí mật được bóc tách.

Bắt đầu bằng ngọn lửa đỏ, kết thúc bởi dòng nước sâu

Là phim điện ảnh không có yếu tố tâm linh, song Monster sở hữu những hình tượng đậm tính tôn giáo, thần học xuyên suốt phim. Ngọn lửa làm cháy hộp đêm ở trung tâm thành phố đầu phim gắn kết các nhân vật trong tác phẩm - tựa ngọn lửa đầu tiên Thượng đế trao cho nhân loại.

Ở hồi kết, cơn mưa bão như trận đại hồng thủy, cuốn đi những điều xấu xa, chỉ để lại cầu vồng và sự tĩnh lặng. Xuyên suốt tác phẩm, nhiều hình tượng đa nghĩa về vũ trụ, thuyết luân hồi được Kore-eda Hirokazu cài cắm tinh tế, gợi nhắc người xem rằng điều kỳ diệu có thể xảy ra ở đời thường.

'Monster': Phim Nhật cạnh tranh Trần Anh Hùng tại Cannes 2023 có gì hấp dẫn? - Ảnh 2.

Monster nhận nhiều sự quan tâm của cộng đồng quốc tế do danh tiếng từ đạo diễn Kore-eda Hirokazu, cha đẻ Shoplifters, Broker - những bộ phim làm nên tên tuổi của đạo diễn

Variety

Cách kể chuyện đa tuyến tính cũng giúp kịch bản tưởng chừng đơn giản trở nên lắt léo, lôi cuốn hơn. Phim đi qua bốn tuyến nhân vật, mang đến một bức tranh trọn vẹn, đa diện. Trong đó, ai cũng là “quái vật” trong câu chuyện người khác. 

Cụ thể, cô hiệu trưởng và các giáo viên trong trường là "quái vật" vô trách nhiệm, vô hồn, chỉ biết cúi đầu xin lỗi qua lăng kính chủ quan của người mẹ. Hay việc thầy Hori (Nagakawa Eita) bị tình nghi bạo hành học sinh thản nhiên ăn kẹo khi bị người mẹ chất vấn mang đến ấn tượng ban đầu đây là kẻ biến thái, ngạo mạn. Song, khi máy quay chuyển hướng về bóng lưng của thầy Hori, khán giả hiểu ngọn nguồn về hành động của nhân vật này. Tương tự, các giáo viên chỉ ù lì, vô hồn trong đôi mắt của người mẹ. Trong mắt họ, bà mẹ đơn thân kia mới là kẻ áp bức thái quá, là “quái vật” buộc cả trường phải đồng tâm đối phó.

Việc xoay vần các tuyến truyện, với hình ảnh tòa nhà chìm trong biển lửa làm trung tâm, biến Monster thành tác phẩm điện ảnh mang đầy tính khai phóng. Đạo diễn đưa ra ít gợi ý, để khi khán giả nghĩ đã giải xong “câu đố” của Kore-eda, nhiều tình tiết mới lại hé lộ làm người xem phải hoài nghi về lựa chọn ban đầu.

Một xã hội bóp nghẹt hạnh phúc

Triết lý của Monster có thể gói gọn trong câu thoại của nhân vật cô hiệu trưởng ngôi trường Minato đang học: “Nếu hạnh phúc chỉ một số người mới chạm được, thì đó đâu phải hạnh phúc?”. Tác phẩm của Kore-eda không cố trả lời câu hỏi tiên đề: “Ai là quái vật?”. Thay vào đó, ông tập trung vào các mối quan hệ nhỏ gọn, chật chội với số lượng nhân vật ít ỏi, mà mỗi người đại diện cho một mảnh ghép của xã hội lớn hơn.

Phải chăng đạo diễn Kore-eda Hirokazu cũng chia sẻ góc nhìn tương tự văn sĩ Jean-Paul Sartre, trong tiểu thuyết No Exit: “Tha nhân là địa ngục”? - Người lớn sẽ là người xấu, kẻ áp bức trong con mắt trẻ thơ. Giữa những người lớn với nhau lại là mối quan hệ dè chừng, lợi dụng. Và giáo dục và yêu thương thôi chưa đủ. Monster nhấn mạnh thông điệp: “Giáo dục hay yêu thương đều phải đúng cách”.

'Monster': Phim Nhật cạnh tranh Trần Anh Hùng tại Cannes 2023 có gì hấp dẫn? - Ảnh 3.

Hirokazu Kore-eda luôn mang đến cái nhìn gai góc trong mỗi phim của mình về thân phận bị bỏ rơi, bên lề xã hội

Chụp màn hình

Chỉ khi nắm tay nhau, cùng trốn trong toa tàu bỏ hoang và mơ mộng về một vũ trụ mới nơi hai đứa trẻ được sống thật, Minato và Yori mới có thể nở nụ cười thật thà nhất. Kore-eda không kể lể, không “mồi thoại”, bắt khán giả phải suy luận số phận sẽ dẫn hai bạn nhỏ đi về đâu.

Góc nhìn của người lớn trên phim u tối, đầy hoài nghi, cũng giống như cách người trưởng thành mất niềm tin vào điều tử tế ngoài đời thực. Kore-eda “chơi đùa” với từng cảnh quay: Người mẹ tìm kiếm con trai trong rừng tối tăm, rùng rợn. Khi cảnh này được kể theo góc nhìn của Minato, đó lại là một câu chuyện hồn nhiên, trong sáng. Lúc chơi đùa với cậu bạn Yori (Hiiragi Hinata), một tình cảm khó tả nở rộ trong lòng Minato, và cậu sợ phải kể điều đó với mẹ mình. Chính những lời nói dối, những ngần ngại tuổi mới lớn vô tình mang đến “tai họa” cho vài nhân vật khác trong phim.

Kore-eda tưởng chừng tung hứng những trope (chi tiết rập khuôn) điện ảnh trên tay, rồi bất chợt bẻ cong, gập uốn mang đến những bất ngờ. Đây không phải lần đầu đạo diễn theo phong cách này, bởi trước Monster, phim ảnh của Kore-eda tựa thủy tinh nung nóng, trở thành mọi hình dạng theo bàn tay người thợ tài hoa - đẹp và khó đoán. Kore-eda không cho khán giả cái họ muốn xem, mà cái họ cần xem. Cũng vì thế, nhiều báo quốc tế không sai khi nhìn nhận đạo diễn Kore-eda Hirokazu là "quốc bảo của điện ảnh Nhật". Đối với những khán giả lần đầu tiếp cận, Monster là phim tâm lý - ly kỳ mang nét dị biệt của nhà làm phim. Riêng ngườI hâm mộ nhìn thấy hành trình điện ảnh rực rỡ qua từng năm, cũng như những đóng góp quan trọng của Kore-eda với phim ảnh hiện đại. 

Monster hạn chế khán giả dưới 13 tuổi, hiện khởi chiếu trên các rạp toàn quốc.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.