Một buổi chiều tàn

18/11/2020 12:00 GMT+7

Chiều đang dần buông xuống phía bên kia thành phố. Dòng người vẫn vội vã trong guồng quay của cơm áo gạo tiền, còn tôi vẫn thơ thẩn nhìn về xa xăm, nơi ánh hoàng hôn dường như bất lực trước sức mạnh của bóng đêm.

Đồng hồ cũng đã điểm 8 giờ tối, cái ồn ào náo nhiệt trong công viên dường như lắng xuống. Chỉ còn lác đác vài bóng người vẫn tư lự ôm vài nỗi niềm riêng. Ở cái xứ này, để kiếm một ngày thong thả thật là khó khăn. Đồng hồ vẫn chạy 24 tiếng một ngày, thế nhưng cuộc sống vội vã, bon chen khiến người ta cảm thấy ngần ấy thời gian chẳng thấm tháp gì. Vậy mà cũng đã hai năm kể từ ngày tôi đi xa quê, bao nhiêu nhớ thương tôi chỉ biết ngậm ngùi gửi vào mây gió của trời. Bởi vì mây gió tự bản thân nó là kẻ lãng du, được tự do bay đi khắp muôn phương tứ xứ… Tôi thầm ước mình cũng hóa hư vô như tâm hồn của gió, để tìm về nơi tuổi thơ yêu dấu, để thả hồn mình trên dòng sông Lam mát rượi, và để sống lại những ký ức tươi đẹp của một ngày xa xưa. Ôi đất mẹ thân thương…
Mới hôm qua, tôi tranh thủ giờ nghỉ lao gọi điện về cho mẹ: mẹ than vãn vì trời nắng như đổ lửa, cây cối trong vườn cũng rũ rượi cả rồi. Nắng miền Trung là vậy đó: cháy da thịt, cháy luôn cả lòng người. Cha tôi thì chẳng buồn than lấy nửa lời vì ông đã dùng hơn 44 năm cuộc đời để chung sống với nó.
Đối với bản thân tôi, quê hương là một phần ký ức của tuổi thơ. Đó là nơi tôi cùng mấy đứa bạn í ới gọi nhau đi cắt cỏ, là mỗi đêm hè mất điện cùng bọn trẻ con trong làng rủ nhau chơi trò đánh trận giả, là những buổi chiều thong dong trên chiếc xe đạp và mơ mộng về một nơi xa xăm nào đó. Cảm giác yên bình đến nỗi, chỉ muốn bỏ lại sự nghiệp học hành còn dang dở và những áp lực của công việc để trở về thời điểm vô lo vô nghĩ của ngày xa xưa.
Những ngày tháng xa quê, tôi nhớ nhất là hương vị thức ăn và lối sống dân dã người dân xứ Nghệ. Suốt 2 năm qua, sự Tây hóa trong khẩu vị và lối sống của tôi dường như ngày càng rõ nét. Những chiếc hamburger, những chiếc bánh sandwich xuất hiện một cách thường xuyên trong bữa ăn của tôi. Nhưng dù có Tây đến cỡ nào, tôi vẫn dành một tình yêu đặc biệt cho quê hương. Tôi thèm lắm một bữa cơm gia đình: nồi cá lóc kho nghệ còn nóng hôi hổi trên bếp củi đượm hồng, một bát cháo lươn ấm lòng người đi xa, hũ cà pháo ăn kèm với bát canh lá lằng thật đơn sơ. Tôi cũng thèm lắm một bát chè xanh của cha. Được uống chè chát, cùng ăn với mẻ kẹo lạc (kẹo đậu phộng) mẹ làm thì thật tuyệt vời biết bao. Những lúc đó, nhà tôi lại rộn rã tiếng nói cười của những vị khách láng giềng, mọi người quây quần bên nhau nhâm nhi sự ngọt bùi, đắng cay của cuộc đời. Đó là cái cách mà những người dân quê chúng tôi tận hưởng cuộc sống sau những ngày mệt mỏi lao động.
Tôi giờ đây đã là một cô gái 20 tuổi, trưởng thành và không còn ngây ngô như ngày xưa . Năm 18 tuổi, tôi bỏ lại những thứ thân thuộc nơi mảnh đất này, mang theo hoài bão và ước vọng đến một nơi xa xôi. Ngỡ đâu cuộc đời cũng bình lặng, yên ả như cái nhịp sống ở quê. Nhưng không, sự trăn trở cho tương lai trong tôi ngày một lớn lên. Đôi khi, tôi chỉ muốn bỏ mặc tất cả chạy về bên vòng tay mẹ, được úp mặt vào sông quê mà khóc cho đã đời. Những lúc mệt mỏi như thế, tôi lại tìm nơi thanh tịnh lắng lòng mình trong những bản nhạc không lời du dương, tâm trí tôi lại văng vẳng tiếng chuông giáo đường vang lên giữa làng quê, nó dường như xua tan đi những muộn phiền của ngày tàn. Hơn nữa, bản tính cần cù của con người xứ Nghệ được hun đúc trong tôi, chính vì thế tôi an ủi bản thân phải cố gắng để mai này còn cống hiến sức mình cho đồng bào tôi.
Ai mà chẳng phải lớn, phải đi đây đi đó để cảm nghiệm cuộc đời. Mỗi chuyến đi xa sẽ làm tôi trưởng thành, thế nhưng đường về nhà luôn là điểm đến cuối cùng trong chặng hành trình của đời tôi. Giờ thì tôi mới hiểu hết ý nghĩa ẩn đằng sau câu thơ của Chế Lan Viên:
‘”Khi ta ở đất chỉ là nơi đất ở
Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn”.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.