Một cách đưa tiễn ông Táo văn minh của người Huế

14/01/2023 07:07 GMT+7

Phường Kim Long tại thành phố Huế đã có sáng kiến lắp những khung được sơn vẽ rất nghệ thuật, tao nhã để người dân địa phương đặt ông Táo cũ sau cúng đưa tiễn thay vì bỏ tại ngã ba đường mất mỹ quan đô thị.

Táo Quân là vị thần trông coi bếp núc của gia đình Việt. Người Việt tin rằng, cuối năm, ông Táo sẽ cưỡi cá chép bay về trời vào ngày 23 tháng chạp âm lịch để báo lại mọi việc xảy ra trong trong năm qua cho Ngọc hoàng Thượng đế.

Tại Huế, bắt đầu từ rạng sáng cho đến 12 giờ trưa ngày 23 tháng chạp (14.1), các gia đình thường làm một mâm cỗ để đưa ông Công ông Táo về chầu trời. Cùng với việc chuẩn bị mâm cơm, bàn thờ ông Công, ông Táo cũng được các gia đình lau dọn sạch sẽ, tượng ông Táo được thay mới để cầu một năm may mắn, đủ đầy. Nhiều gia đình tại đây tuy không còn dùng bếp củi, nhưng trên bàn thờ bếp vẫn còn thờ bộ tam vị Táo quân được nung bằng đất. Đó là vật phẩm không thể thiếu đối với lễ cúng ông Công ông Táo của người Huế. Theo thời gian, màu sắc của bộ tượng này có thay đổi, được sơn màu hồng, màu cam đất, nâu... nhưng nhìn chung những bức tượng đều mang đậm giá trị của văn hóa dân gian.

Sau lễ cúng, theo phong tục, những bức tượng ông Táo thường được đưa ra các vị trí thông thoáng như ngã ba, ngã tư, hay các gốc cây cổ thụ với quan niệm tiễn ông Táo về trời.

Năm nay, UBND phường Kim Long (thành phố Huế) đã thông báo đến người dân địa phương 5 điểm có thể đặt ông Táo sau khi thay mới. Cụ thể, các khung để đặt ông táo trên các tuyến đường: số 39 Lý Nam Đế; ngã ba Nguyễn Phúc Tần và Vạn Xuân; ngã ba Vạn Xuân và Phạm Thị Liên; ngã ba Kim Long và Vạn Xuân; ngã ba Nguyễn Phúc Nguyên và Nguyễn Hoàng.

Trên trang fanpage của phường Kim Long cũng đưa thông điệp: "Bảo vệ môi trường, bảo vệ cuộc sống của bạn", cũng nhấn mạnh việc cúng ông Công, ông Táo là phong tục truyền thống của người Việt. Tuy nhiên, việc đơn giản hóa nghi thức, bảo vệ môi trường sẽ góp phần nâng cao ý nghĩa của ngày 23 tháng chạp là đáng trân quý.

Một số hình ảnh chụp những khung bỏ ông Táo cũ tại phường Kim Long ngày 13.1:

Khung được vẽ hình ông Táo, ông Công cưỡi cá chép về trời sinh động

Fanpage phường kim long

Khung được đặt ngay ngã 3 đường Kim Long - Vạn Xuân (phường Kim Long, TP. Huế) sáng 13.1

Fanpage phường kim long

Kim Long là một trong những phường có nhiều nhà vườn đẹp, nằm ven bờ sông Hương thơ mộng tại thành phố Huế

Fanpage phường kim long

Nơi đây quanh năm mát mẻ vì có nhiều vườn cây ăn trái, phía trước có dòng sông Hương và sông Bạch Yến chạy ngang...

Fanpage phường kim long

Nhiều hoạt động vì môi trường xanh sạch của Huế liên tục trong nhiều năm qua, để trông Huế tinh tươm hơn, sạch đẹp hơn, được du khách đến Huế thích thú

Fanpage phường kim long

Bí thư Đoàn phường Kim Long Phạm Thị Nhật Anh chia sẻ, xuất phát từ thực trạng bà con cúng tiễn ông Táo, thay tượng ông Táo cũ ra bỏ ngay các ngã ba đường, gốc cây trông nhếch nhác. Mục đích là bảo vệ môi trường, văn minh đô thị, tránh tối đa rác thải trên đường phố. Chúng ta lưu giữ nét đẹp truyền thống, nhưng cũng bảo đảm văn minh đô thị. Đó là những gì mà các anh chị em trong các khối đoàn mong muốn khi được sự đồng ý của UBND phường Kim Long, để triển khai ý tưởng này.

Các tượng ông Táo, ông Công được bày bán tại các chợ truyền thống ở Huế để người dân mua về thay ông Táo cũ đi:

Vật phẩm cúng đưa ông Táo, ông Công của người Huế

HOÀNG HY

Bộ cúng ông Táo, ông Công và cát trắng thay bát nhang được bày bán tại chợ Tây Lộc, Huế

HOÀNG HY

Tượng ông Táo bán tại chợ Tứ Hạ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên-Huế

HOÀNG HY

Khoảng 10 ngày trước Tết Nguyên đán, hầu như tại chợ truyền thống nào ở tỉnh Thừa Thiên-Huế cũng có bày bán các vật phẩm này

HOÀNG HY

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.