Một cách làm đẹp hại mắt

19/12/2012 10:03 GMT+7

Hiện có nhiều bạn trẻ mua kính áp tròng các loại màu xanh, xám, nâu... với mục đích làm cho mắt đẹp hơn. Theo bác sĩ chuyên khoa mắt, loại trang sức này sẽ mang lại nhiều nguy hiểm cho đôi mắt.

Một bà mẹ kể hơn hai tháng nay, con gái chị (17 tuổi) làm đẹp bằng cách đeo kính áp tròng màu nâu để mắt to và long lanh hơn. Một ngày gần đây mắt con chị bị đỏ, cộm, chị đưa con đến một phòng khám tư ở gần nhà thì được bác sĩ chẩn đoán bị viêm giác mạc do đeo kính áp tròng.

 Kính áp tròng đủ màu được bán tại một cửa hàng mắt kính ở Q.3, TP.HCM
Kính áp tròng đủ màu được bán tại một cửa hàng mắt kính ở Q.3, TP.HCM - Ảnh: Thanh Đạm

Bác sĩ khuyên không nên dùng loại kính này nữa. Chị hỏi con gái mua kính ở đâu thì cô con gái kể trên mạng quảng cáo rất nhiều, chỉ cần lựa màu và thuận giá mua là có người mang kính áp tròng đến tận nhà.

Quảng cáo "siêu an toàn"

Nhiều học sinh đang học cấp III tại TP.HCM cũng có mốt sử dụng kính áp tròng cho mắt to đẹp, có bạn mua nhiều loại để đổi màu mắt cho hợp với màu quần áo mỗi ngày. Theo một học sinh tại một trường quốc tế, có chừng một nửa các bạn trong lớp sử dụng loại kính áp tròng này. Không chỉ các bạn gái, một số bạn trai cũng đeo cho mắt đẹp hơn.

Mở các trang web có thể thấy kính áp tròng đủ màu được bán tràn lan trên mạng với quảng cáo kính được sản xuất từ Nhật, Đức, Hàn Quốc... Các trang web còn phân các loại kính theo loại bán chạy, loại mới về và loại đang giảm giá. Giá dao động 150.000 -400.000 đồng/cặp. Màu mắt kính rất đa dạng với gần 20 màu như sôcôla, hạt dẻ, hồng, ngọc lam, nâu, sapphire, trong suốt, tím, vàng, xanh dương, xanh lá, xanh ngọc, xám khói, đen, đỏ...

Các trang web cũng đưa lên những lời quảng cáo rất hấp dẫn như "bạn muốn mắt mình to hơn và long lanh quyến rũ hơn?", trong đó có cả những bình luận của các em như "nhìn là thèm mua quá các chị ơi".

Trên các trang web khác quảng cáo "kính áp tròng nay đã và đang là xu hướng hot cho tất cả mọi người, không kể tuổi tác và giới...". Hoặc "siêu ẩm, siêu mỏng và siêu mịn nên bạn có thể không cần phải nhỏ thuốc mắt và hoàn toàn có thể yên tâm là nó an toàn và đẹp cho mắt đối với những người cận thị và không cận thị". Trong khi các bác sĩ khuyên càng ít đeo kính áp tròng (kể cả kính cận) càng tốt thì các quảng cáo luôn khẳng định là "siêu an toàn", không hề có một khuyến cáo nào về tác hại của kính.

Có thể bị mất thị lực vĩnh viễn

Bác sĩ Lương Ngọc Tuấn - khoa khúc xạ Bệnh viện Mắt TP.HCM - khẳng định đeo những loại kính áp tròng này sẽ có nhiều nguy hiểm cho mắt. Bệnh viện Mắt TP.HCM từng tiếp nhận những bệnh nhân đeo kính áp tròng không đúng cách dẫn đến viêm loét giác mạc, bị giảm, mất thị lực.

Theo bác sĩ Ngọc Tuấn, điều kiện vệ sinh môi trường nước ta còn hạn chế, trong không khí có nhiều khói và bụi bẩn nên đeo kính áp tròng rất dễ bị nhiễm trùng. Chưa kể khi đeo kính áp tròng nếu không biết vệ sinh đúng cách sẽ gây viêm loét giác mạc. Lúc đó nếu không được điều trị kịp thời, mắt bị để lại sẹo và có thể mất thị lực vĩnh viễn. Chính điều kiện môi trường chưa được tốt nên ngay cả những người có tật khúc xạ như cận, viễn... mà đeo kính áp tròng cũng được bác sĩ khuyến cáo phải rất cẩn thận khi chọn lựa đeo kính áp tròng, đừng nói đến chuyện các bạn trẻ đeo kính áp tròng như một món "đồ chơi" theo phong trào như hiện nay.

Bác sĩ Ngọc Tuấn nhấn mạnh người bị cận thị, viễn thị có nhu cầu đeo kính áp tròng trước khi đeo cũng phải được bác sĩ khám, cho đeo kính theo đúng chỉ định chuyên môn. Khi đó người đeo kính áp tròng được hướng dẫn cách đeo, cách tháo lắp kính, vệ sinh tay trước và sau đeo kính.

Bên cạnh đó, bác sĩ còn phải đo xem kích cỡ của kính áp tròng có vừa với giác mạc hay không. Trong khi đó các bạn trẻ sử dụng kính áp tròng cho mục đích làm đẹp lại không hề làm các thao tác này, đeo bừa bãi, không cần biết cỡ kính phù hợp với giác mạc, có khít quá hoặc lỏng quá. Việc đeo kính áp tròng không vừa với giác mạc có thể gây ra sự trầy cũng như những tổn thương trên giác mạc, có nguy cơ cao gây nhiễm trùng đưa đến viêm loét giác mạc. Khi mắt bị viêm loét giác mạc dẫn tới hậu quả làm giảm hoặc mất thị lực vĩnh viễn.

Trên thị trường đang có rất nhiều loại kính trôi nổi, không rõ nguồn gốc. Chất liệu của kính, các thông số của kính vẫn chưa được kiểm định, khi sử dụng rất nguy hiểm.

Theo bác sĩ Ngọc Tuấn, khi đeo kính áp tròng mà có những triệu chứng như đỏ mắt, nhức mắt, mờ mắt thì cần đến cơ sở y tế để được khám mắt nhưng tốt nhất không nên đeo, nhất là loại kính áp tròng để làm đẹp.

Theo Thùy Dương / Tuổi Trẻ

>> Kính áp tròng nhận tin nhắn
>> Kính áp tròng theo dõi bệnh tiểu đường

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.