Một cách nhìn người tài của cố Tổng bí thư Lê Khả Phiêu

09/08/2020 07:08 GMT+7

Nhiều người sẽ nghĩ, là một nhà chính trị quân sự , cố Tổng bí thư Lê Khả Phiêu hẳn là người khô cứng và cực kỳ... bảo thủ.

Thế nhưng, những trải nghiệm của bản thân người viết với ông, cho thấy ở ông một con người có tính quyết đoán cao, dám chịu trách nhiệm trước những quyết định của mình cho dù có thể sẽ bị đụng chạm, thậm chí ít nhiều ảnh hưởng đến sự nghiệp chính trị của bản thân, và đặc biệt là tư tưởng rất… mới.
Trong số những tư tưởng đổi mới khi ông Lê Khả Phiêu ở vị trí đứng đầu Đảng ta, người ta hay đề cập tới chuyện “động trời” khi ông mới nhậm chức Tổng bí thư không lâu mà đã quyết định bỏ chế độ Cố vấn Ban Chấp hành T.Ư Đảng. Tiếp đó là chuyện cũng “đại sự” không kém, đó là có chỉ đạo để Chính phủ ra quyết định bãi bỏ chế độ hưởng lương 100% với cán bộ nếu từ cấp phó thủ tướng, phó chủ tịch Quốc hội trở lên khi thôi công tác.
Ông Lê Khả Phiêu chỉ ủng hộ giữ nguyên chế độ này với các vị lão thành cách mạng tiền khởi nghĩa (tháng 2.1945). Điều này đồng nghĩa với việc chính ông Lê Khả Phiêu, ông Phan Văn Khải (lúc đó là thủ tướng) khi nghỉ cũng sẽ hưởng chế độ lương hưu như bao cán bộ khác. Vậy là tư tưởng xóa bỏ đặc quyền đặc lợi đã được ông hiện thực, sau nhiều năm không ai dám động đến bởi sự tế nhị nào đó...

Tiểu sử Nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu

Bộ trưởng không nhất thiết đảng viên

Ông cũng là người bày tỏ quan điểm chọn hiền tài khá đặc biệt.
Báo Thanh Niên ngày đó đã gần như ngay lập tức “chộp” được tinh thần mới mẻ của ông Phiêu tại hành lang một phiên họp Quốc hội, khi ông nêu quan điểm không nhất thiết làm bộ trưởng phải là đảng viên.
Khi Báo Thanh Niên đăng bài phỏng vấn Tổng bí thư Lê Khả Phiêu của nhà báo Hoàng Hải Vân trên trang nhất với cái tít Bộ trưởng không nhất thiết phải đảng viên, đã có rất nhiều tranh luận xảy ra.
Một số lãnh đạo cấp cao thậm chí cũng không hài lòng, có người đã hỏi lại Tổng bí thư xem Thanh Niên có bịa lời ông không. Ông khẳng định: “Tôi đã trả lời như vậy đấy!”, khiến lãnh đạo Báo Thanh Niên ngày đó “thoát’’ khỏi bị phê bình, quy chụp nặng nề.
Thậm chí, trong bài báo Tổng bí thư còn nói thêm phó thủ tướng cũng không cần là đảng viên. Theo ông, đây cũng không phải là cải cách gì, chỉ là muốn thu hút và đối xử với hiền tài như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng dùng người hồi trước Cách mạng Tháng 8 và sau này, khi hòa bình lập lại năm 1954.
Chuyện này, tôi còn thêm một lần nữa được nghe chính nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu nhắc lại khi Phó giáo sư (PGS) Tôn Thất Bách đột ngột qua đời trong chuyến công tác tại Lào Cai (năm 2004). Cố PGS Tôn Thất Bách, nguyên Hiệu trưởng Đại học Y Hà Nội, không phải là đảng viên, nhưng ông luôn được các lãnh đạo Đảng nhìn nhận trân trọng.
Tôi vẫn nhớ, tình cờ ngay sau hôm PGS Tôn Thất Bách mất đột ngột, ngày 27.3.2004, tôi và Tổng biên tập Báo Thanh Niên khi đó là anh Nguyễn Công Khế có mặt tại văn phòng của nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu ở phố Phan Đình Phùng, Hà Nội.
Ông Lê Khả Phiêu lấy trên bàn một xấp giấy đánh máy đưa chúng tôi xem. Đó là bài viết của chính ông sẽ gửi Báo Nhân Dân đăng. Ông viết về sự ra đi bất ngờ của PGS Tôn Thất Bách.
Chuyện một vị cựu Tổng bí thư của Đảng mà trực tiếp viết bài về một cá nhân (không phải chính khách đặc biệt) như vậy, chỉ có thể lý giải rất rõ ông đã trân trọng một trí thức ngoài Đảng như thế nào.
Khi chúng tôi đọc xong bài viết rất xúc động, ông Phiêu tâm sự: “Tôi rất quý và trân trọng tài năng, nhân cách của Tôn Thất Bách dù anh Bách không là đảng viên. Đã có lúc tôi bày tỏ quan điểm của mình trước Bộ Chính trị, T.Ư Đảng, không nhất thiết bộ trưởng, thậm chí cấp cao hơn cả bộ trưởng của bộ máy nhà nước chúng ta cứ phải là T.Ư ủy viên, là đảng viên”.
“Tôi nói cái ý này cũng có ý nhắm đến việc định đưa Tôn Thất Bách làm Bộ trưởng Y tế’’, ông Phiêu giải thích thêm và nói: Tiếc rằng nhiệm kỳ khóa VIII của Đảng mà tôi là người kế nhiệm từ đồng chí Tổng bí thư Đỗ Mười, tư tưởng này vẫn chưa thể làm được vì cũng có những ý kiến không đồng thuận.
Tâm sự của một người từng đứng đầu Đảng ta, khiến tôi cứ trăn trở mãi, chúng ta vẫn nhắc nhở nhau phải học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thế nhưng tại sao Bác Hồ của chúng ta thì từng làm vậy và cho rằng như thế sẽ có lợi cho Đảng hơn nhiều. Còn chúng ta thì nói là “học Bác” nhưng lại chưa thực hiện theo tinh thần đó của Người?
Có lẽ vì còn câu nệ vào các nguyên tắc, nên ở một số lĩnh vực, nhất là khoa học kỹ thuật sáng tạo, chúng ta thiếu vắng người tài mà nhiều khi chỉ vì đôi chút cá tính của “kẻ sĩ’’ mà không được trọng dụng. Đôi khi cũng vì phải tuân thủ nguyên tắc nói trên mà tạo ra một lớp cán bộ trẻ sống cơ hội tìm mọi cách chui sâu để có chức, có quyền.
Từ câu chuyện nhỏ mà không nhỏ đó, cá nhân tôi càng trân trọng hơn một nhà lãnh đạo - một cán bộ chính trị quân sự thuần túy, một người vốn trưởng thành từ quân đội cách mạng - cố Tổng bí thư Lê Khả Phiêu.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.