Tôi được tiếp cận vụ án này khá muộn màng. Nhưng bản chất vụ án và các tình tiết ly kỳ trong hồ sơ thì vẫn vậy. Nó không có thay đổi gì theo năm tháng.
Khi tiếp cận vụ án, tôi được ông Nguyễn Thận, nguyên Chủ tịch UBND xã, nguyên Trưởng công an xã Tân Minh, H.Hàm Tân (thời điểm vụ án xảy ra), người đã theo dõi vụ án này từ khi mới xảy ra, lưu ý rằng cần phải thận trọng khi khai thác từ hồ sơ lưu trữ. Từ đó, tôi khá thận trọng và phản ánh đúng tính chất vụ việc. Gọi là “vụ án oan sai ông Võ Tê”, là vì ông Võ Tê đã được làm sáng tỏ và minh oan, không phải là hung thủ sát hại bà Phan Thị Khanh vào ngày 31.7.1980.
Con trai của người bị sát hại (anh An, trái) và con trai của người bị khởi tố oan trong vụ án này |
Q.H |
Câu chuyện còn lại là điều rất đáng quan tâm. Đó là việc công an đã tìm ra hung thủ thực sự là Lê Minh Sơn, nhưng không thể truy cứu vì hết thời hiệu, theo luật hiện hành.
Anh Đỗ Thanh An, con trai bị hại Phan Thị Khanh, khi tiếp cận với báo chí cứ trăn trở một điều: Vì sao thông tin về hung thủ chính xác đến cả nơi ở từ năm 1997, nhưng không bắt được? “Nhưng còn quá trình truy tìm, xử lý hung thủ giết mẹ tôi cứ như một vòng luẩn quẩn, ẩn chứa nhiều khúc mắc. Có đời nào bắt được kẻ giết người như thế lại không thể truy cứu?”, anh nói.
Câu hỏi của người con mất mẹ đã 42 năm qua khiến nhiều người nghe chạnh lòng, xót xa. Một cán bộ lâu năm trong cơ quan tố tụng cũng cho rằng đó chính là “kẽ hở” của luật pháp. Tuy nhiên, luật là luật, không thể làm khác. Hay nói như lời ông Nguyễn Thận, những tình tiết phi lý trong vụ án này cần phải được nghiên cứu để áp dụng vào điều chỉnh luật, cho phù hợp với thực tiễn của cuộc sống.
Bình luận (0)