Một cuộc đời khác - Truyện ngắn của Yến Linh

03/03/2024 08:30 GMT+7

Ký ức trống rỗng. Kiệt cùng. Tựa hồ như tấm màn trắng xóa đang giăng trước mắt, mặc cho tôi tìm kiếm cũng chẳng lưu lại dấu vết gì. Cuộc đời tôi từng sống, tan biến như làn khói mỏng manh.

Bác sĩ nói, đây là chứng mất trí nhớ tạm thời, thường diễn ra khi người ta gặp tai nạn hoặc một cú sốc. Quá trình phục hồi tùy thuộc vào ý chí của người bệnh. Có thể nhanh, cũng có thể mất nhiều thời gian. Không ai dám hứa hẹn điều gì.

Vài tháng, tôi vẫn như tôi hôm đầu tiên thức giấc. Không nhận ra bất cứ giọng nói, khuôn mặt nào quen thuộc. Như một thân cây mục rỗng. Không còn rễ, không còn bất cứ thứ gì kết nối với đời sống. Một tiếng động nhẹ, một khuôn mặt xuất hiện trước mắt cũng đủ làm tôi sợ hãi, kích động.

Thời gian đầu, mọi người cố gắng gặp gỡ, trò chuyện, hòng mong giúp tôi nhớ lại quá khứ, kể với tôi rằng tôi là ai, tôi đã từng sống thế nào. Có người nắm tay, có người không giấu được vẻ thương xót, tội nghiệp. Có người kể về cuộc gặp gỡ gần đây với tôi, lúc tôi còn bình thường. Có người cho tôi biết, hôm đó tôi đã mặc một chiếc váy lụa màu xanh đẹp đến thế nào, rằng tôi đã nói gì về dự án kinh doanh mới của chúng tôi, rằng tôi đã gọi món gì... Tôi lặng yên nghe mớ âm thanh khi thì lao xao, khi thì thào, như thể đang xem những thước phim nhộn nhạo về cuộc đời ai đó chứ không phải về mình. Âm thanh vừa đến tai, đã dội lại, rơi rụng đâu đó ngoài kia.

Về sau, những việc ấy làm tôi kiệt sức. Tôi kiếm cớ rằng mình không khỏe, mình đau đầu, mình muốn ngủ, để được ở một mình. Chẳng ai nỡ làm phiền một người đang bệnh. Hoặc họ cũng đã chán rồi, cái công cuộc vẽ lại, dựng xây về một nhân dạng, một cuộc đời họ đã từng dự phần.

***

Một cuộc đời khác - Truyện ngắn của Yến Linh- Ảnh 1.

Tuấn Anh

Đêm qua, trong cơn khó ngủ, khi đã thử mọi liệu pháp từ nghe nhạc thiền đến tiếng ồn trắng, tôi chọn lướt xem một tập phim trên Netflix. The Good Place, tên của nó là như thế. Tôi chọn, vì thấy có phần giống mình. Một người phụ nữ chết đi, thức dậy, thấy mình thuộc về Nơi Tốt, nhưng trong thâm tâm cô biết, cô không thuộc về Nơi Tốt. Chỉ là sự nhầm lẫn. Cô không đủ tốt để đến Nơi Tốt. Nhưng cô cũng không chấp nhận mình sẽ đến Nơi Xấu. Tại sao không có một nơi chốn bình thường, cho những người bình thường? Đặt tên nó là Cincinnati chẳng hạn? Cô tranh luận với một nhân vật khác.

Tôi xem đến đoạn đó thì ngừng.

Cô gái nhớ mọi thứ sau khi chết. Cô biết cô là ai, đã từng sống như thế nào. Còn tôi thì vẫn rỗng không.

Thật ra, không hẳn là rỗng không. Kể cả khi xung quanh không nói với tôi rằng tôi là người như thế nào, tôi cũng có thể phần nào thấy được chính mình. Chiếc điện thoại tôi từng sử dụng vẫn thuộc về tôi, nhờ cách mở khóa Face ID. Mạng xã hội có tên tôi, hình ảnh của tôi, tôi vẫn có thể truy cập mỗi ngày.

Có vẻ trước đây, tôi là người chăm chỉ sử dụng mạng xã hội. Cứ vài ngày, tôi lại đăng một status nào đó. Có năm tôi tóc ngắn, nụ cười thật tươi. Có năm, hình như tôi đang cố xây dựng hình ảnh phụ nữ trưởng thành quyến rũ. Có năm, tôi lại chỉ nói về công việc, về lý tưởng kiếm tiền. Có năm tôi u sầu oán thán. Có năm tôi hồ hởi lạc quan. Có năm, tôi viết rất nhiều đạo lý làm người. Dưới những dòng bình luận trên Facebook, phần nhiều là sự ngưỡng mộ. Hẳn, tôi đã từng sống rất chăm chỉ, chu toàn. Tất cả bày biện trước mắt, tôi mời người ta theo dõi, dự phần một cách hăng hái, say mê. Mọi thứ chỉ đột ngột ngưng cập nhật từ vài tháng trước, khi tôi phát bệnh. Rồi những cuốn sách tôi từng viết trước đây, vào năm tôi hai mươi, hai mươi mấy tuổi, đều còn trên kệ sách. Ở đó, có nhiều nhân dạng khác nhau. Đứa trẻ bị xâm hại. Cô gái tự tử. Kẻ cắp khốn cùng. Người đàn bà đang trong cơn say ngoại tình. Viết lách là sự công khai bản thân một cách riêng tư, không sợ phán xét. Tôi không biết, nhân dạng nào trong các sáng tác đó mới chính là tôi? Mảnh cuộc đời nào ở đó được chắt lọc từ chính tôi?

Tôi nhìn người đàn bà chớm tuổi bốn mươi trong gương. Mái tóc mỏng dần. Làn da không còn căng mướt. Hai bên gò má đã lốm đốm dấu vết thời gian. Sự rệu rã nhen nhuốm trong từng tia mắt. Tôi không có nhân dạng, tôi không có ngôn từ. Tôi từng thích An Ni Bảo Bối, Vệ Tuệ. Tôi từng đọc Raymond Carver, từng thích Murakami Haruki. Tôi từng đi du lịch một mình, băng qua Campuchia, qua Thái Lan, lạc loài đâu đó ở Thượng Hải. Tôi từng yêu đàn ông có vợ. Tôi từng ngủ cùng cậu trai trẻ nhỏ hơn tôi vài tuổi đến từ đất nước xa xôi, nói thứ ngôn ngữ tôi chỉ hiểu bập bõm. Tôi từng ngủ cùng đàn ông tôi gặp lần đầu ở thành phố lạ, viết về đàn ông sau một đêm ngủ cùng.

Tôi không quá xinh đẹp, nhưng dễ nhìn. Tủ quần áo đủ các thể loại váy vóc hợp thời. Tôi là người đàn bà có sự nghiệp ổn định, có tiền đủ để sống thêm vài năm nữa, kể cả khi tôi chưa khỏe lại.

Nhưng tất cả những thứ ấy, có phải là tôi không?

***

Thằng bé hơn ba tuổi. Đôi mắt to tròn. Mái tóc dày và xoăn nhẹ. Làn da trắng nõn. Đôi môi đỏ như tô son. Người lúc nào cũng thơm. Mùi của hoa mùa hè quyện mồ hôi thơ trẻ. Biết tự bày trò giúp mình vui. Miệng liến thoắng, nói rành rọt. Gần như đã có thể đối thoại với người lớn. Mẹ tôi bảo, nó giống tôi hồi nhỏ, luôn thích nói nhiều, hỏi nhiều, lý sự. Thi thoảng, tôi nghĩ, mẹ hẳn từng rất yêu tôi, thông qua cái cách bà kể về tôi khi còn nhỏ. Nhưng tình yêu cũng không đủ để chúng tôi có thể chung sống hòa thuận trong tháng ngày này. Bà chỉ ghé qua vào cuối tuần, khi đưa cháu về gặp mẹ - tức là tôi. Bà không chịu được trạng thái ơ thờ, lãnh đạm, khuôn mặt xám xịt không trang điểm của tôi. Nó như một sự tra tấn, như bằng chứng bà đã thất bại trong việc làm mẹ. Tôi từng là niềm tự hào của bà, của dòng họ. Đứa con ngoan ngoãn, giỏi giang, phấn đấu vươn lên. Thoát khỏi nghèo khổ, thoát khỏi cay nghiệt. Đứa con là cánh cửa đưa bà đến cuộc đời khác.

Thế mà giờ đây, đứa con ấy buông xuôi. Điều tiếng bà đang chịu đựng, những cuộc thăm hỏi tò mò qua điện thoại, đủ để khiến bà khó chịu.

Thằng bé luôn quấn quýt nhào vào lòng, ôm lấy tôi, luôn nói con yêu mẹ, con nhớ mẹ nhiều lắm, khi nào thì con có thể ở với mẹ cả ngày? Nó chỉ có một khái niệm thời gian, mọi thứ thuộc về quá khứ, luôn gói gọn trong chữ hồi chiều. Hồi chiều con đi học, mà con nhớ mẹ lắm. Hồi chiều con rất ngoan đó mẹ ơi. Con chia sẻ đồ chơi với Bunny nè mẹ. Hồi chiều, con thèm ăn kẹo chocolate nhưng bà ngoại không cho con ăn. Con nhớ mẹ quá, con ước được ở với mẹ. Có lẽ, nó chưa đủ lớn để hiểu cái ôm ơ hờ từ phía tôi. Và chắc hẳn, nó cũng không hiểu câu "mẹ con đang ốm" mang ý nghĩa trầm trọng hay không. Cơn cảm cúm xoàng xĩnh hay chứng bệnh cắt lìa đột ngột tình mẫu tử, hóa ra đều có thể biểu đạt ngắn gọn như nhau.

Tôi không diễn đạt được trạng thái bối rối hư hư thực thực mỗi cuối tuần khi nhìn thấy nó. Nó là đứa trẻ đáng yêu, kháu khỉnh và hiểu chuyện. Hẳn, ai gặp cũng sẽ quý mến. Tôi biết, nó thật sự là con trai tôi. Chẳng phải một con cò nào đó mang đến và dúi vào tay tôi, bắt tôi làm mẹ. Có rất nhiều hình ảnh lưu lại của hai mẹ con. Trong điện thoại, trên mạng xã hội. Ngày tôi mang thai. Ngày tôi chờ đợi con lớn lên trong bụng. Ngày tôi đi sinh. Người nắm tay tôi lúc tôi vượt cạn. Hành trình làm mẹ năm đầu tiên. Tôi than thở về chứng rụng tóc, vết rạn bụng. Tôi đau khổ vào những đêm không ngủ được. Tôi đã viết rất nhiều về sự kết nối kỳ diệu của hai mẹ con, và đăng nó trên Facebook.

Nhưng rồi, chỉ là một hôm, tôi không còn nhớ gì nữa.

Tôi đọc tất thảy những thứ tôi đã từng viết ra, nhìn khuôn mặt tôi trong nhiều bức ảnh. Chúng xa xăm như thể tôi đang xem cuộc đời ai đó, không phải là mình.

***

M. bảo, có lẽ tôi đã chôn bản thân trong cuộc hôn nhân rất lâu, từ trước khi những người xung quanh nhận ra sự bất ổn, kể cả M. Tôi mang mặt nạ, tôi đóng vai hạnh phúc. Tôi chấp nhận sự ít sẻ chia của chồng như thể đó là một phần trong tính cách hướng nội. Cho đến ngày chúng tôi dần không nói chuyện với nhau nữa. Chúng tôi cam kết trong im lặng, rằng người này không dự phần vào thế giới người kia.

M. bảo, ngày chồng tôi biến mất, tôi không khóc, chỉ ngồi ở sofa, xem thế giới động vật. Mấy hôm sau nữa, tôi gói ghém đồ đạc của anh lại, nhanh chóng như thể tôi đã biết rằng anh sẽ không bao giờ trở về. Phải chăng, kinh nghiệm của đứa con từng bị cha bỏ rơi, đã khiến tôi tự quyết định mọi cuộc cắt lìa một cách nhanh chóng, chủ động? Cuộc đời chồng tôi từng sống, à không, cuộc đời chồng tôi từng sống trong cuộc hôn nhân với tôi - đựng vừa một chiếc va li và một thùng carton. Quần áo đơn sắc, tối giản. Một chai nước hoa mùi gỗ. Vài cuốn sách về thiết kế. Cuốn sổ tay vẽ gần đầy các trang. Có vài món đồ chơi nho nhỏ, dang dở. Hình như anh đang làm một chiếc xe đồ chơi cho con trai. Nhưng có lẽ nó cũng không còn nhớ đến lời hứa hay sự tồn tại của chiếc xe đó nữa rồi.

Tôi không viết gì về chồng trên Facebook. Chúng tôi không có nhiều ảnh chụp chung với nhau. Tấm ảnh gần nhất, là hơn ba năm trước, khi con chúng tôi đầy tháng. Trước đó nữa, một tấm ảnh trắng đen chụp lúc anh kề vào mặt tôi, nắm tay tôi khi tôi vừa sinh con. Nước mắt tôi giàn giụa ướt. Khóe mắt anh cũng ướt.

Hẳn, chúng tôi đã từng sống một đoạn đời hạnh phúc cùng nhau?

Tôi không chắc.

M. bảo, M. không thấy lạ khi chồng tôi biến mất. Dấu hiệu đã đến từ khi anh nói nhiều về tu tập, về chữa lành. Anh đã có một cuộc đời khác, một thế giới khác ngay trong chính ngôi nhà chúng tôi chung sống. Phần lớn thời gian, anh đọc sách, đeo tai nghe, đắm chìm trong thế giới của riêng anh. Anh ta thường im lặng. Khi đi ăn uống. Khi bọn mình gặp gỡ nhau. Bọn mình quen với sự im lặng đó rồi, không vấn đề gì. Dù sao, bọn mình cũng là người ngoài, người lạ. Nhưng với cậu, có khác nào sự tra tấn. Là bạo lực lạnh đó!

Qua lời kể của M., tôi mơ hồ mường tượng ra, chúng tôi là mối tình đầu của nhau. Sau nhiều năm mất liên lạc, sau chìm nổi, tìm lại được nhau. Cất đi những người đàn ông, đàn bà khác, những ký ức không muốn ai chạm vào, chúng tôi vơ lấy nhau. Rồi gắn kết. Rồi thành vợ chồng. M. không kể những phân cảnh yêu đương, vì có lẽ trước đây tôi cũng không kể cho M. biết. Nên giờ đây, tôi không biết chúng tôi yêu đương thế nào? Mãnh liệt hay ơ hờ? Đớn đau hay bình lặng? Hay khi đã mệt nhoài với những cuộc kiếm tìm không hồi kết, chúng tôi cứ thế mà đến với nhau? Chẳng phải, rất nhiều cặp vợ chồng trên thế giới này đều như thế sao? Người ta say mê, mỏi mệt đuổi theo những hư ảo, để rồi cuối cùng chọn dừng lại ở dấu chấm hết sức bình thường.

Vừa vặn lúc đó, chúng tôi là hai kẻ bình thường phù hợp với nhau.

Thế mà một hôm, anh biến mất.

Có chút không công bằng, tôi cảm thán trong suy nghĩ mỗi khi nghe M. kể.

***

Tháng thứ bảy của thai kỳ, tôi dần ì ạch, đau nhức chân tay. Chỉ muốn nằm một chỗ. Tôi ngủ nhiều. Lúc thức giấc cũng không muốn ra khỏi phòng. Cửa sổ phòng ngủ nhìn ra khoảng trời xanh, nơi có cây cọ vươn vun vút lên bầu trời. Tôi cứ nằm hàng tiếng đồng hồ, lắng nghe từng tiếng động nhỏ xung quanh. Thỉnh thoảng, tôi nghe tiếng mẹ thở dài nơi phòng bếp, lúc làm nước ép trái cây, lúc đang nấu ăn. Ít nhất thì anh ta cũng cần được biết về sự tồn tại của đứa trẻ. Tôi nghĩ thay lời mẹ.

Nào có ích gì, khi mà giờ đây, chính tôi còn không biết cha đứa trẻ, là ai? Chỉ biết chắc một điều, đó không phải là con của chồng tôi.

Trước khi chồng tôi biến mất, chúng tôi đã không ngủ với nhau hàng tháng trời.

Không ai quyết định chấm dứt cuộc hôn nhân. Người này lặng nhìn người kia, chờ đợi. Tôi có thể đổ lỗi cho thế giới trong những giấc mơ của chồng, cho những khóa tu tập, cho những cuộc chuyện trò của anh với những người có cùng tần số (còn tôi thì không?). Tôi đã có thể lựa chọn đổ lỗi rồi đưa ra quyết định, nhưng tôi đã không làm gì.

Ngoài việc, tôi đã ngủ với người đàn ông khác.

***

Có thể, tôi đã ngủ với người đàn ông khác vào đêm tôi nhìn thấy chồng mình đang quấn quýt, tay nắm tay người đàn bà ở góc ngã tư đường. Anh như cậu trai trẻ lần đầu biết yêu. Anh cười thật nhiều. Khuôn mặt anh rạng rỡ một cách chết tiệt. Tôi chưa bao giờ thấy anh rạng rỡ đến thế. Chiếc áo sơ mi linen tôi đã tỉ mẩn chọn cho anh, chiếc quần nâu hợp với màu da của anh, chúng trở nên hòa hợp một cách lạ thường với màu quần áo người đàn bà kia mặc. Họ như thể một cặp đôi khắng khít, hạnh phúc, như tâm giao, như tri kỷ, vì lưu lạc nên giờ mới tìm thấy nhau.

Tôi thành kẻ thừa thãi trong cuộc tình của họ.

Nhưng M. cũng không biết người đàn ông tôi ngủ cùng - cha của đứa trẻ đang bảy tháng này là ai. Tôi có thể kể với M. về lần mất trinh, về những người đàn ông tôi ngủ cùng, về lần tôi ăn cắp tiền để mua một đĩa cơm. Chỉ duy nhất người đàn ông này, tôi đã không hé nửa lời. Tôi không để bất cứ dấu vết nào lưu lại. Phải chăng, ngay khi vừa bắt đầu, tôi đã tự quyết định kết thúc?

Mình hơi tò mò, không biết gã ấy thế nào. Có đẹp trai không nhỉ? Cậu thì thường say mê những gã đẹp trai, và biện minh cho mọi lỗi lầm của bọn họ. Đó là tất cả sự đùa vui mà M. có thể nói ra.

Tôi không nói với M. rằng tôi thường mơ nhiều, gần đây. Những giấc mơ mệt nhoài, không rõ ràng. Khuôn mặt nhòe nhoẹt như trong chiếc ti vi bị nhiễu tín hiệu, thường xuất hiện trong giấc mơ, ôm ấp tôi, thì thào vào tai tôi. Chúng tôi làm tình. Chúng tôi âu yếm. Chúng tôi lặng yên nằm bên nhau. Anh như bóng đêm. Anh như con rắn. Lạnh lẽo và ướt át. Mãi tôi chẳng thể nhìn thấy mặt.

Đôi khi thức dậy, tôi thấy mình đã khóc. Tôi chẳng có gì. Cuộc đời nào là cuộc đời của tôi? Người đàn bà tôi đang dõi theo mỗi ngày trên Facebook. Người đàn bà đã ngủ với người đàn ông khác và mang thai, rồi không nhớ nổi gương mặt cha đứa trẻ? Hay người đàn bà nhòe nhoẹt trong giấc mơ hàng đêm, khát khao một vòng tay ôm?

***

Mùa hè của năm tôi gần bốn mươi tuổi, M. - bạn thân - bác sĩ tâm lý của tôi đã dự liệu rằng, có thể trí nhớ của tôi sẽ không bao giờ quay lại như ngày xưa nữa. Di sản tôi có, là nhúm ký ức xộc xệch qua lời kể, qua giấc mơ.

Mà, có thực nó là của tôi?

Hôm qua, tôi đã xóa tài khoản mạng xã hội cùng tất cả hình ảnh trong điện thoại. Danh bạ điện thoại cũng trở nên trắng xóa. Hôm qua, trước khi vào bệnh viện, tôi đã kịp nhờ người gửi chiếc va li và thùng carton đến chỗ chồng tôi. Hẳn, anh sẽ ngạc nhiên lắm khi tôi biết địa chỉ của anh. Tôi không biết anh có còn muốn lắp ráp cho xong chiếc xe đồ chơi dang dở hay không. Trẻ con thường không nhớ được lâu. Thằng bé hơn ba tuổi không còn nhớ về món đồ chơi ba nó đã từng hứa hẹn. Còn với tôi, anh chưa từng hứa gì, nên chắc hẳn anh cũng không cảm thấy phải giữ lời.

Tôi biết, tất cả về cuộc đời tôi, giờ đây có lẽ chỉ còn gói gọn trong hai chữ hồi chiều. Hồi chiều mẹ con vừa sinh em bé. Em bé thơm mùi quýt. Em bé khóc oe oe. Em bé đáng yêu. Con sẽ yêu thương em bé, bà ngoại con dặn như vậy. Mai mốt con được nghỉ hè, con sẽ ở với mẹ mãi. Mẹ con nói, từ nay con có thể ở với mẹ và em mãi.

Tôi nghe tiếng thằng bé liến thoắng. Tôi cảm nhận được bàn tay nhỏ nhắn đang nhẹ nhàng, cẩn trọng chạm vào tay tôi.

Tôi mơ hồ trôi bồng bềnh. Chỉ còn âm thanh trong veo ấy, mùi thuốc sát trùng, tiếng máy đo nhịp tim, vết thương đau, giọng cô điều dưỡng dặn dò cách cho con bú, là rất thực. Chỉ còn sinh linh nhỏ xíu, nóng hổi đang nằm trên ngực tôi là rất thực.

Tôi biết, một cuộc đời khác, đã bắt đầu từ đây…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.