Một đề văn kiểm tra học kỳ gây tranh cãi

20/12/2023 15:32 GMT+7

Đề kiểm tra học kỳ 1 môn ngữ văn lớp 12 của Trường THCS-THPT Hồng Đức (Q.Tân Phú, TP.HCM) gây tranh cãi khi yêu cầu học sinh phân tích 'sự tài hoa nghệ sĩ' của ông lái đò (trong tùy bút Người lái đò Sông Đà của Nguyễn Tuân) trong lúc chiến đấu với ba trùng vi thạch trận, nhưng lại không đưa ra bất kỳ ngữ liệu nào.

Một đề kiểm tra môn ngữ văn đang gây tranh luận - Ảnh 1.

Đề kiểm tra môn ngữ văn

PHCC

Ngày 20.12, Báo Thanh Niên đã nhận được phản ánh của phụ huynh học sinh về đề kiểm tra môn ngữ văn học kỳ 1 lớp 12 của Trường THCS-THPT Hồng Đức (Q.Tân Phú, TP.HCM). Theo đó, đề bài kiểm tra có nội dung như sau:

Phần 1: Đọc hiểu văn bản (5.0 điểm) 

Đọc văn bản sau và trả lời câu hỏi:

Không có gì tự đến đâu con

Quả muốn ngọt phải tháng ngày tích nhựa

Hoa sẽ thơm khi trải qua nắng lửa

Mùa bội thu trải một nắng hai sương.

Không có gì tự đến, dẫu bình thường

Phải bằng cả đôi tay và nghị lực.

Như con chim suốt ngày chọn hạt

Năm tháng bao dung nhưng khắc nghiệt lạ kỳ.

("Không có gì tự đến đâu con" - Nguyễn Đăng Tấn)

Câu 1 (1 điểm): Xác định thể thơ của văn bản.

Câu 2 (1 điểm): Anh/chị hiểu như thế nào về câu thơ: "Quả muốn ngọt phải tháng ngày tích nhựa"?

Câu 3 (1 điểm): Tìm và giải thích ý nghĩa của chất liệu văn học dân gian có trong văn bản.

Câu 4 (2 điểm): Từ nội dung câu thơ "Năm tháng bao dung nhưng khắc nghiệt lạ kỳ", hãy viết một đoạn văn ngắn trình bày suy nghĩ của anh/chị về sự khắc nghiệt của thời gian.

Phần 2: Viết văn bản (5.0 điểm)

Có ý kiến cho rằng "Ông lái đò là một nghệ sĩ tài hoa trên mặt trận sông nước" .Phân tích sự tài hoa nghệ sĩ của ông lái đò trong tùy bút "Người lái đò sông Đà" của Nguyễn Tuân khi chiến đấu với ba trùng vi thạch trận. Từ đó trình bày hiểu biết của anh/chị về quan niệm nghệ thuật của Nguyễn Tuân trước và sau Cách mạng tháng Tám (chỉ trình bày quan niệm về con người).

Với đề kiểm tra trên, phụ huynh học sinh bày tỏ bức xúc: "Tôi có con đang học tại Trường THCS-THPT Hồng Đức. Con tôi đi thi về, cháu khóc, không làm được bài, vì với cách ra đề này, học sinh phải học thuộc một nhân vật trong tác phẩm Người lái đò Sông Đà. Cháu cho biết, đề thi không cho sẵn dẫn chứng (đoạn văn) nên cháu bỏ giấy trắng. Nhiều bạn trong lớp cũng không làm được bài như cháu".

"Đọc đề tôi thấy nhà trường bắt học sinh học thuộc một tác phẩm rất dài là đúng hay không? Học văn sao phải cực hình như thế này?", phụ huynh chia sẻ.

Nhà trường nói gì?

Trước phản ánh và bức xúc của phụ huynh học sinh, cô Nguyễn Thị Mỹ Liên, tổ trưởng tổ ngữ văn Trường THCS-THPT Hồng Đức, trả lời phóng viên Báo Thanh Niên: "Chương trình lớp 12 có 6 kiểu bài cần phải nắm để thi tốt nghiệp THPT, trong đó dạng đề phân tích nhân vật thông qua một nhận định". 

"Đây là dạng đề bình thường đã được làm rất nhiều từ lớp dưới và không phải khi nào cũng trích dẫn. Trước khi thi, học sinh cần đọc tác phẩm, hiểu tác phẩm và định hướng nếu ra dạng đề nào thì cách làm ra sao cần nhớ những ý chính nào của nhân vật chứ không cần học thuộc. Cần khẳng định tư tưởng làm gì cũng cần nỗ lực kiên trì thì sự thành công mới có giá trị. Nếu học sinh làm tốt phần 1 đã 5 điểm, rồi phần 2 làm đúng kiểu bài đã được 2 điểm nữa sao phải lo lắng? Phần điểm còn lại sẽ dành cho việc hiểu tác phẩm", cô Mỹ Liên nói.

Một đề kiểm tra môn ngữ văn đang gây tranh luận - Ảnh 2.

Học sinh đang bước vào giai đoạn kiểm tra học kỳ 1

BÍCH THANH

Giáo viên tranh luận

Tuy nhiên, một giáo viên dạy văn THPT tại Q.1 nhận xét: "Đây là kiểu đề thường được ra vào khoảng 10 năm trước. Trong những năm gần đây, đề bài thường yêu cầu phân tích nhân vật trong một đoạn trích chứ không ra theo kiểu 'có ý kiến cho rằng' và học sinh phải chứng minh ý kiến, nhận xét về quan niệm đó".

Theo giáo viên này, nếu theo đúng yêu cầu cần đạt thì chương trình lớp 12 năm nay không hề có hướng dẫn học sinh tìm hiểu về phong cách của tác giả sau Cách mạng tháng Tám hay trước đó. Thậm chí, chương trình lớp 11 có học tác phẩm Chữ người tử tù (của Nguyễn Tuân) nhưng cũng không nói về phong cách tác giả này. Vì vậy, người ra đề chỉ yêu cầu tìm hiểu trên văn bản, chứ bắt học sinh phải đánh giá phong cách của một tác giả như vậy tương đương với đề tài luận văn tốt nghiệp ĐH, thậm chí là thạc sĩ.

Giáo viên tại Q.1 cho rằng đây là một đề kiểm tra vừa cũ kỹ, nặng nề, to tát, quá sức, không phù hợp với đề kiểm tra học kỳ của học sinh lớp 12.

Bên cạnh đó, một giáo viên khác tại Q.Bình Tân chỉ ra rằng: "Đề bài yêu cầu phân tích sự tài hoa nghệ sĩ của ông lái đò trong tùy bút Người lái đò sông Đà của Nguyễn Tuân khi chiến đấu với 3 trùng vi thạch trận, không viết hoa chữ "sông" là sai so với nhan đề và chưa hiểu dụng ý nghệ thuật của Nguyễn Tuân. Học sinh không học thuộc lòng dẫn chứng (3 trùng vi thạch trận) thì không thể làm bài. Mà học thuộc lòng thì gần như không thể (kể cả giáo viên). Sách giáo khoa ngữ văn lớp 12 không dạy quan niệm nghệ thuật của Nguyễn Tuân sau Cách mạng tháng Tám thì học sinh rất khó làm, ngoại trừ được giáo viên mớm đề, học thêm.

Chính vì thế, theo giáo viên tại Q.Bình Tân, tổ chuyên môn nên nghiên cứu các công văn chỉ đạo của Bộ GD-ĐT, Sở GD-ĐT TP.HCM về kiểm tra, đánh giá môn ngữ văn để ra đề cho phù hợp. Đối với đề thi môn này, về hình thức và nội dung phải rất cẩn trọng, tránh gây khó khăn, gây thêm căng thẳng, áp lực cho học sinh.

Tuy nhiên, cô Nguyễn Thị Mỹ Liên không đồng tình trước nhận xét của các giáo viên khác cho rằng sách giáo khoa ngữ văn 12 không dạy quan niệm nghệ thuật của Nguyễn Tuân sau Cách mạng tháng Tám nên học sinh rất khó làm bài. Cô Mỹ Liên cho rằng những nhận xét trên là không chính xác. 

"Khi dạy về tác giả, giáo viên đều phải dạy phong cách thì mới phân biệt được tác giả này với tác giả kia. Sau khi nhận phản ánh của phụ huynh học sinh, nhà trường kiểm tra và tất cả học sinh đều làm đầy đủ 5 câu, không có học sinh nào bỏ giấy trắng không làm bài", tổ trưởng ngữ văn Trường THCS-THPT Hồng Đức nói.

Thầy Hải Minh, giáo viên ở Q.Bình Thạnh, cho rằng việc không trích dẫn ngữ liệu khi ra đề thi đối với một tác phẩm đã dạy thì về nguyên tắc không sai. Tuy nhiên, bây giờ, ngay cả thi tốt nghiệp THPT thì đề cũng trích dẫn ngữ liệu. Nhất là với tùy bút Người lái đò Sông Đà, một tác phẩm khó (về văn phong, ngôn ngữ do phong cách của Nguyễn Tuân tài hoa, uyên bác) thì việc thuộc ngữ liệu để phân tích cũng hơi khó!

Vấn đề ở đây là giáo viên có hướng dẫn học sinh gạch ý trong sách giáo khoa hay không, hướng dẫn các em cách đưa dẫn chứng như thế nào. Theo thầy Hải Minh, nếu học sinh không học dẫn chứng thì sẽ không có dẫn chứng để làm. Tuy nhiên, nếu nắm bài thì học sinh sẽ biết làm vì hiểu luận điểm để phân tích.

Ngoài ra, thầy Hải Minh lưu ý, trong sách giáo khoa, phần tiểu dẫn có trình bày quan điểm nghệ thuật của tác giả Nguyễn Tuân. Khi dạy tác phẩm đó, chắc chắn giáo viên sẽ nói qua về quan điểm nghệ thuật của ông sau Cách mạng tháng Tám vì nếu không nói thì học sinh sẽ không thấy được giá trị của tác phẩm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.