(TNO) Trả lời Thanh Niên Online chiều nay 4.9, TS Lê Huy Minh, Giám đốc Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần cho biết, trong đêm 3.9, tại H.Bắc Trà Mi, tỉnh Quảng Nam đã liên tiếp xảy ra 4 trận động đất. Nguy cơ xảy ra các trận động đất có cường độ lớn hơn tại đây là hiện hữu.
>> Động đất 4,2 độ Richter tại Quảng Nam
>> Rung chấn mạnh tại khu vực thủy điện Sông Tranh 2
>> Nhiều vấn đề quanh thủy điện Sông Tranh 2
>> Tháo dỡ trạm gác đập thủy điện Sông Tranh 2
|
Ông Minh nói: Trận động đất đầu tiên xảy ra lúc 19 giờ 30 phút, sau đó 3 trận động đất nối tiếp nhau xuất hiện. Trong đó, trận động đất có cường độ mạnh nhất xảy ra lúc 20 giờ 46 phút, mạnh 4,2 độ Richter, tại vị trí có tọa độ 15,217 độ vĩ bắc, 108,250 độ kinh đông, độ sâu chấn tiêu khoảng 7,3 km, trong khu vực địa phận H.Bắc Trà My.
Theo đánh giá, động đất gây nên rung động trên cấp 6 (theo thang MSK-64) ở khu vực đập thủy điện Sông Tranh, nhiều người ở khu vực chấn tâm động đất cảm thấy được trận động đất này.
* Thưa ông, các trận động đất này có phải là động đất kích thích, xảy ra bởi việc tích nước của thủy điện Sông Tranh 2?
- Hiện chưa thể khẳng định đây là các trận động đất kích thích hay động đất kiến tạo. Tuy nhiên, bước đầu tôi cho rằng, các trận động đất này xảy ra là do tổng hợp của cả hai nguyên nhân.
Tôi nói thế bởi vì, các trận động đất này nằm trên đới đứt gãy Hưng Nhượng - Tà Vi, một trong hai đới đứt gãy gây động đất mạnh nhất tại khu vực này. Động đất kích thích chỉ xảy ra khi có hai điều kiện: có đới đứt gãy đang hoạt động và nhân tố kích thích, ở đây, trong trường hợp các trận động đất này được xác định là do thủy điện Sông Tranh 2 tích nước làm thay đổi địa chất xung quanh đập, là tác nhân khiến động đất kiến tạo xảy ra sớm hơn.
* Thời gian qua, liên tiếp xảy ra các trận động đất tại Quảng Nam, nhất là xung quanh khu vực đập thủy điện Sông Tranh 2. Thưa ông, hiện tượng này nói lên điều gì?
- Theo ghi nhận của chúng tôi, tháng 11.2011, tại khu vực này xảy ra hai trận động đất mạnh 3,2 và 3,4 độ Richter. Tháng 2 năm nay, tại đây xảy ra trận động đất mạnh 3,1 độ Richter. Đó là chưa kể các trận động đất cường độ nhỏ khác mà chúng tôi ghi nhận được. Nếu tính cả những trận động đất này, từ đầu năm 2012 đến nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã xảy ra tổng cộng trên 40 trận động đất.
Đặc biệt, trận động đất xảy ra tối qua có cường độ mạnh nhất. Kết hợp với diễn biến động đất tôi vừa nêu, chúng ta có thể nhận thấy, tần suất xảy ra động đất tại đây vẫn chưa hề giảm, và quan trọng là cường độ chưa đến đỉnh điểm. Thời gian tới, có thể xuất hiện thêm các trận động đất có cường độ lớn hơn.
* Thưa ông, đập thủy điện Sông Tranh 2 liệu có an toàn trước các trận động đất xảy ra trong khu vực?
- Rất khó trả lời cho câu hỏi này. Trên địa bàn tỉnh Quảng Nam có nhiều đới đứt gãy đang hoạt động, trong đó đáng chú ý là các đới đứt gãy Trà Bồng và Hưng Nhượng - Tà Vi. Động đất cực đại theo nhận định của các nhà khoa học có thể xảy ra trên các đới đứt gãy là 5,5 độ Richter. Khi xây dựng đập thủy điện Sông Tranh, chúng tôi đã khuyến nghị thiết kế kháng chấn có thể chống chọi với chấn động cấp 8. Điều chúng ta cần lưu ý là, các trận động đất ở Quảng Nam có tâm chấn nông nên rung động rất mạnh trên bề mặt, dễ gây ra các thiệt hại.
* Xin cảm ơn ông!
Quang Duẩn (thực hiện)
Trận động đất đã làm người dân hoang mang "Vẫn chưa có thiệt hại gì sau trận động đất", đó là khẳng định của ông Phạm Viết Tích, Phó giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Nam sau khi dẫn đầu đoàn kiểm tra hiện trường, đỉnh đập thủy điện Sông Tranh 2 vào chiều nay (4.9).
“Kiểm tra và làm việc tại thân đập, chúng tôi ghi nhận do những ngày qua mưa to nên lượng nước về hồ thủy điện là khá lớn. Đến trưa ngày 4.9 vẫn chưa ghi nhận thiệt hại gì sau trận động đất. Theo tôi, thiệt hại lớn nhất là trận động đất đã làm người dân hết sức hoang mang”, ông Tích nói. Cũng trong chiều 4.9, lo lắng trước trận động đất có cường độ mạnh, Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão (BCH PCLB) Quảng Nam đã gửi công văn đề nghị Viện Vật lý địa cầu sớm vào cuộc kiểm tra, xác định cường độ động đất. Công văn đề nghị, Viện Vật lý địa cầu thông tin kịp thời cho UBND tỉnh và BCH PCLB tỉnh Quảng Nam biết để kịp thời chỉ đạo các biện pháp ứng phó, khắc phục. Ngoài ra, BQL dự án Thủy điện 3 phải kịp thời báo cáo với UBND tỉnh, BCH PCLB tỉnh Quảng Nam về tình hình an toàn đập thủy điện Sông Tranh 2 do ảnh hưởng của trận động đất trên. UBND tỉnh Quảng Nam cũng yêu cầu các huyện Bắc Trà My và Nam Trà My khẩn trương tổ chức kiểm tra, theo dõi tình hình, chỉ đạo công tác ứng phó kịp thời; đồng thời thường xuyên báo cáo tình hình về BCH PCLB tỉnh để theo dõi, chỉ đạo. Trước đó, theo báo cáo của UBND H.Bắc Trà My, khoảng 19 giờ đến 22 giờ 30 ngày 3.9, tại khu vực hồ thủy điện Sông Tranh 2, tỉnh Quảng Nam liên tiếp xuất hiện các trận động đất, nhiều đợt rung chấn. Trong đó, hai đợt rung chấn mạnh nhất (mạnh hơn tất cả các đợt rung chấn đã xảy ra trước đây) xảy ra vào lúc 20 giờ 47 phút và lúc 22 giờ 20 phút. Trao đổi với Thanh Niên Online, ông Phạm Viết Tích cho biết: “Để tìm hiểu rõ nguyên nhân, quy luật của động đất tại Bắc Trà My, tiến hành dự báo và ứng phó một cách tốt hơn, chúng tôi tiếp tục đề nghị lắp đặt 5 trạm quan trắc tại vùng có động đất (nằm trong đề tài khoa học: Nghiên cứu các nguồn phát sinh động đất tại Bắc Trà My). (Tin, ảnh: Hoàng Sơn)
|
Sáng 4.9, hàng ngàn người dân ở các xã ven biển Nghĩa An (H.Tư Nghĩa), Tịnh Kỳ (H.Sơn Tịnh) và Đức Lợi (H.Mộ Đức) đã lần lượt trở về, sau một đêm bỏ nhà cửa chạy tìm nơi ẩn nấp vì tin đồn sóng thần. Theo UBND xã Nghĩa An, vào khoảng 23 giờ ngày 3.9, sau khi rộ lên tin đồn sóng thần, nhiều người dân bắt đầu hoảng loạn. Lo sợ, nhiều gia đình mang theo hành lý, mì tôm và tiền bạc, sử dụng mọi phương tiện, kể cả thuyền thúng để vượt sông qua các xã Nghĩa Phú, Nghĩa Hà (H.Tư Nghĩa), thậm chí có gia đình còn vượt xa hàng chục cây số lên TP.Quảng Ngãi lánh nạn. Ngay trong đêm, UBND xã Nghĩa An đã thông báo trên hệ thống loa truyền thanh khẳng định đó là tin đồn thất thiệt, đồng thời huy động lực lượng chức năng của xã phối hợp cùng bộ đội biên phòng chốt chặn các ngã đường để giải thích, thuyết phục trấn an nhưng nhiều người dân vẫn không nghe. Hiện chính quyền địa phương đã chỉ đạo cơ quan chức năng tiến hành điều tra, làm rõ tin đồn thất thiệt này xuất phát từ đâu để chấn chỉnh, xử lý. (Hiển Cừ)
Quảng Ngãi: Bác bỏ tin đồn thất thiệt về sóng thần
Bình luận (0)