Một đóa hoa Việt - Nhật trong phong trào Duy Tân

20/10/2007 15:20 GMT+7

Có một đóa hoa văn chương Việt - Nhật liên quan đến phong trào Duy Tân là tác phẩm thi ca đồ sộ Giai nhân kỳ ngộ, dài ngót 7.700 câu do Nhà văn hóa lớn Phan Châu Trinh dịch và phóng tác theo cuốn tiểu thuyết Nhật nổi tiếng của tác giả Shiba Shirô; nguyên tác: Kajin No Kigu.

Muốn biết duyên do nào đã đưa đẩy nhà hoạt động tích cực của phong trào Duy Tân là chí sĩ Phan Châu Trinh (1872 - 1926) đi đến việc chọn tác phẩm của Shiba Shirô để thi hóa (diễn thành thơ tiếng Việt) chúng ta cần phải giở lại giai đoạn hai nhà yêu nước Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh hành trình lên đất Nhật vào năm 1906. Năm ấy, Phan Bội Châu từ Nhật về Hồng Kông để đón Phan Châu Trinh sang Nhật, rồi hai người cùng đến Đông Kinh, đi thăm khắp các trường học, khảo sát việc áp dụng các chế độ giáo dục cũng như tiếp xúc với du học sinh Việt Nam ở đó.

Trong thời gian thăm Nhật trên, theo tài liệu của giáo sư Vĩnh Sính, thì có thể Phan Châu Trinh đã đọc bản Giai nhân kỳ ngộ do Lương Khải Siêu dịch sang Hán văn, vì thế ông có bài thơ cảm tác, nhan đề: Độc Giai nhân kỳ ngộ, trong đó có câu: Bạch đầu tráng sĩ chân ưu quốc. Hồng tụ giai nhân giải báo cừu. Đàm tiếu nhãn cơ không nhất thiết. Tử sinh nhân tự tức thiên thâu. Nghĩa là: Kìa người đầu bạc còn lo nước. Nọ khách môi son biết trả thù. Hay dở người đời xem mỏi mắt. Thác còn gương sáng dọi nghìn thu (Ngô Đức Kế dịch). Vậy nội dung tác phẩm trong nguyên bản viết gì?

Trước hết, cũng nên biết tác giả Shiba Shirô (1852 - 1922) sinh ra trong một gia đình võ sĩ đạo (samurai) ở Nhật. Lên 16 tuổi, ông cùng cha giữ thành Aizu nhưng thất thủ, 6 người trong nhà ông thất vọng tự vẫn chết; ông bị bắt đày lên đảo Shimokita, từ đó bắt đầu những ngày tháng bơ vơ, khốn khổ, nên ông lấy biệt hiệu là TOKAI SANSHI nghĩa là "Người lang thang trên biển Đông" (Đông Hải Tán Sĩ). Khi được phóng thích, gia đình chủ hãng Mitsubishi là Iwasaki đã giúp đỡ và tài trợ để ông sang Hoa Kỳ du học (1879). Thế là, Tokai Sanshi học Đại học San Francisco, Đại học Harvard, Đại học Pennsylvania, tốt nghiệp và trở về nước 6 năm sau đó (1885).

Bấy giờ một số cường quốc đang tiến hành những cuộc xâm lược bằng quân sự, hoặc gieo rắc nếp sống mới nhằm làm lung lay nền văn hóa truyền thống của nhiều quốc gia châu Phi, châu Á. Nguy cơ ấy không loại trừ nước Nhật, nên Tokai Sanshi rất băn khoăn, trăn trở, viết nên tác phẩm Kajin No Kigu (Giai nhân kỳ ngộ) để cảnh báo dân chúng Nhật, được xuất bản liên tục 12 năm từ 1885 - 1897 và trở thành một trong ba cuốn tiểu thuyết chính trị tiêu biểu thời Minh Trị.

Trong đó, ông lấy chính biệt hiệu Sanshi làm nhân vật chính, kể rằng khi còn học ở Hoa Kỳ trong một buổi lên thăm lầu Independence Hall ở Philadelphia tình cờ gặp hai người đẹp ở đó. Hai người đẹp này chỉ để ý trò chuyện về những chiến tích liên quan đến nền độc lập của Hoa Kỳ chứ không bàn chuyện ăn chơi thời thượng. Vài hôm sau, cũng tình cờ, ông gặp hai người trên dòng sông Delaware, lần này họ làm quen nhau và Sanshi biết một cô tên Hồng Liên (tạm dịch), người Ái  Nhĩ Lan  và cô kia tên U Lan, người Tây Ban Nha cả hai đang sống lưu vong tại Hoa Kỳ để tranh đấu cho nền độc lập của đất nước mình. Câu chuyện mưu cầu tự do cho đất nước bắt đầu một cách thơ mộng như vậy...

Khi dịch cuốn trên, Phan Châu Trinh đã Việt hóa một số tình tiết, ví dụ: "Sanshi hết lời tán tụng - qua lời ca của Hồng Liên - về truyền thống vẻ vang của nước Nhật, cụ Phan đã không ngần ngại sửa lại thành những lời tán tụng truyền thống lịch sử đấu tranh giữ nước và dựng nước của người Việt" như mấy câu: Ta nhớ đâu? Nhớ đầu Đông Hải, Muốn theo sang sóng gió vô vàn. Đầu biển kia có nước Phù Tang, đã được Phan Châu Trinh phóng bút thành: Ta nhớ đâu? Nhớ đầu biển Á, Muốn theo qua sóng khỏa ngàn trùng. Bốn ngàn năm còn dõi giống Lạc Hồng (theo Phan Châu Trinh toàn tập, tập I, trang 413)... Mặc dầu vậy, theo các nhà nghiên cứu văn học, bản dịch của Phan Châu Trinh về cốt truyện so với bản dịch của Lương Khải Siêu và so với nguyên bản của Người lang thang trên biển Đông không khác biệt nhau mấy.

Sau này, khi Phan Châu Trinh và các nhà yêu nước khác đưa phong trào Duy Tân ở Việt Nam theo mục đích "khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh" để mưu cầu độc lập cho đất nước, ông bị thực dân Pháp bắt giam, đày ra Côn Đảo, rồi qua Pháp. Lúc trở về Việt Nam, ông tiếp tục đấu tranh nữa cho đến khi qua đời ở tuổi 54, để lại một trong các tác phẩm ngợi ca tự do dân quyền, chống áp bức trong văn học Việt Nam. Đó chính là công trình diễn ca tiểu thuyết Giai nhân kỳ ngộ của Tokai Sanshi nói trên.

Hồng Hạc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.