Chắc ăn muối lá nén riết rồi ngấm vô thịt da. Hương nén - đó cũng là hương vị quê nhà mà tôi luôn mang theo trong ký ức dù có đi khắp xứ người.
Quảng Nam quê tôi ngước mặt nhìn biển, quay lưng tựa núi, là một vùng đất cát miên man. Mùa gió Lào quạt lửa, thổi cát bay tứ chiếng, mịt mù bụi trắng. Đất cát khô khốc nên rau khó trồng, quả khó đậu. Vậy mà, đi khắp quê nơi đâu cũng có cây nén, từ Cẩm Sa, Điện Ngọc (thuộc huyện Điện Bàn), vào tới Thăng Bình, Tam Kỳ. Nhất là mấy xã cát trắng như Bình Sa, Bình Triều, hay Bình Phục quê má.
***
Cái hồi ba mới về ở rể, ông vắt áo ngang vai, cùng má gieo từng củ nén xuống đất quê. Gieo cả mồ hôi, nước mắt. Gieo ước mong một mùa nén bội thu giảm nghèo. Cây nén cứ vươn mình xanh tua tủa như thách thức nắng trời bỏng rát. Nén nhịn cái nóng, nén chịu cái khô, đất càng cằn cỗi nén càng sinh sôi. Hoa nén tím mộng mơ yêu đời bất chấp nắng nôi. Củ nén ủ mình trong đất mẹ khô khốc mà thơm lạ lùng. Cũng giống như những người con xứ Quảng, dù trong cơ cực mà vẫn giữ tấm lòng thảo thơm.
Cây nén ra lá nhỏ như lá hẹ, tới khi xanh tốt thì má cắt một ít để dùng dần. Má rang nhúm muối hột trong nồi đỏ lửa, hầm muối một chút rồi cắt nhỏ lá nén bỏ vào. Muối hột rang làm nhẹ bớt vị mặn, nếm nghe ngòn ngọt như thêm đường, lại quyện cùng lá nén thơm thơm, trộn cùng cơm, ăn vậy mà qua bữa.
Lá nén xanh tươi mọc lên từ đất cát, muối hột chắt lọc độ mặn của biển khơi. Cả hai hòa quyện vào nhau, là kết tinh của xứ này, là sự ấm lòng cho qua cơn đói, là ký ức nhắc nhớ một thời khổ cực, là hy vọng vào tương lai. Sau này, khi cái cực đã hết bám riết rồi, có những lúc thèm ứa nước mắt cũng khó kiếm lại được hương vị xưa.
***
Củ nén nhỏ xíu như đầu đũa, cay hăng hơn hành, tỏi. Tôi cực khoái trò chà vỏ nén. Bốc một nắm nén trong tay, chà vò nhè nhẹ, lớp vỏ mỏng như lụa sẽ tróc ra, đưa lên miệng thổi phù phù là vỏ bay đi.
Những năm tháng đói ăn, tôi hay đau ốm vặt. Mấy bữa đau bụng, ba bắt tôi nhai củ nén. Nén sống cay hăng xộc lên mũi, ba phải lăm lăm cây roi dâu canh chừng để tôi không nhả ra. Đợi nuốt trôi hết nén, trong bụng ấm dần lên, cơn đau của tôi dịu hẳn. Mỗi khi cảm sốt, cái mũi nghẹt cứng không thở nổi, ba giã dập nén nhét vào, mùi hăng gây hắt xì, thế là thông mũi ngay. Ở dưới bếp, má nấu thêm nồi cháo nén. Củ nén khi chín mềm trong cháo lại ngọt thanh, nồng nhẹ. Húp một hơi hết chén cháo nóng thì mồ hôi toát ướt áo, tôi hạ sốt dần. Mà cần chi đau bệnh, ăn cháo nén trứng gà thơm ngào ngạt vào ngày mưa tháng bão thì ấm lòng biết mấy.
Không dùng hành, tỏi như xứ khác, người Quảng lấy nén phi dầu phụng trước khi xào, kho. Củ nén đập dập ướp cá kho thì ngon hết ý. Hương nén dậy thơm sẽ át mùi tanh của cá, tạo nên một món ăn đậm đà hấp dẫn vị riêng xứ Quảng.
“Củ nén mà ướp cá chuồn. Ăn vô một miếng người buồn cũng vui”. Đó là “món ruột” của má. Đến mùa cá chuồn bay, má xuống chợ cá biển ngang mua vài con tươi dong về, mổ ruột, nhét nén và củ nghệ tươi đập dập vào trong, gập đôi con cá quấn quanh bằng lá sả, rồi chiên vàng đều hai mặt. Mùi cá quyện nén chín thơm bay khắp gian bếp, chỉ ngửi thôi đã chết thèm. Thế mới hiểu, tại sao ba lại bị má mê hoặc mà theo về đất Quảng sống cả đời. Người ta nói vui, con đường ngắn nhất chạm đến trái tim người đàn ông là đi qua dạ dày, ngẫm cũng có lý.
***
Bao mùa mưa nắng gió Lào gieo từng củ nén, ba chưa lần nào than van. Một đời ba vì thương má nên không chê xứ nghèo. Muối rang lá nén vừa mặn vừa thơm cay đã đưa ba đến đất này, như nhạc sĩ Trần Quế Sơn thay lời bao cô gái Quảng thủ thỉ: “Nếu anh yêu cái mặn mà thì về Quảng Nam quê em. Nếu anh ưa cái nồng cay thì về Quảng Nam ân tình”.
Bây chừ, chỉ những người già còn thèm món lạ đời đó, tụi trẻ con thời nay làm sao biết được. Mấy lần về quê, thỉnh thoảng má rang muối lá nén, tôi phải cản ngăn. Nhà đã hết nghèo, ăn gì không ăn lại ăn muối. Thế nhưng, trên chặng đường xa xứ, đôi khi tôi lại nhớ quay quắt hương lá nén muối rang quyện nơi làn tóc má.
Một ngày giữa Sài Gòn trăm thứ ngon món lạ, tôi quay qua người thương thì thầm tha thiết: Người ơi, có chịu cùng em về xứ Quảng mặn mà nồng cay?
|
Bình luận (0)