Người dịch thuật không chỉ thành thạo ngoại ngữ mà phải hiểu văn hóa để chuyển ngữ đúng với hoàn cảnh, nội dung văn bản. Những cụm từ như phở, áo dài hay đờn ca tài tử… được nhắc đến không chỉ một lần khi nói đến văn hóa Việt Nam và đã trở nên phổ biến với bạn bè quốc tế. Thế nên khi sử dụng cứ để nguyên bản tiếng Việt và có thêm những dòng giải thích phía sau là được. Nếu thấy chưa rõ ràng, có thể bổ sung thêm những ví dụ minh họa bằng hình ảnh. Chẳng hạn như từ phở, trong tự điển Cambridge đã có những dòng giải thích cặn kẽ về một trong những món ăn phổ biến ở Việt Nam.
Những người yêu âm nhạc chắc hẳn biết đến ca khúc Mùa thu chết. Bài hát được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc từ nguyên gốc là bài thơ tiếng Pháp L'Adieu của Guillaume Apollinaire do thi sĩ Bùi Giáng chuyển ngữ rất hay:
J'ai cueilli ce brin de bruyère
L'automne est mort souviens-t'en...
(Ta ngắt đi một cụm hoa thạch thảo
Em nhớ cho mùa thu đã chết rồi...)
Sự hòa hợp, cộng hưởng tâm tình giữa thơ và nhạc đã chạm đến trái tim người nghe. Những người am hiểu ngoại ngữ và hiểu được văn hóa giữa hai quốc gia Pháp - Việt cảm nhận được bản dịch thật truyền cảm, cho nên thơ vẫn trung thành với nguyên bản, vẫn đúng ý tác giả và khi được chắp cánh bởi âm nhạc tạo nên sự lan tỏa sâu và rộng hơn.
Theo nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển trong biên khảo Kim Dung giữa đời tôi: Dịch giả Hàn Giang Nhạn với vốn sở học Hán văn uyên bác nhưng ông vẫn thận trọng sử dụng tự điển khi chuyển ngữ những tiểu thuyết võ hiệp của nhà văn Kim Dung sang tiếng Việt. Khi gặp những chữ khó, ông ngừng lại tra từ điển sau đó mới tiếp tục dịch. Cẩn trọng như thế nên đọc những bài thơ, bài từ trong tác phẩm, bạn đọc luôn cảm nhận được một hồn tính lãng mạn, thơ mộng bởi ông vừa bám sát nguyên tác, vừa sáng tạo rất bay bướm với chiều sâu về văn chương Việt Nam. Đọc qua bài Khiển hoài của Đỗ Mục có thể thấy cực kỳ thanh thoát, có hồn riêng không kém những bản dịch của Tản Đà, Trần Trọng Kim:
Lạc phách giang hồ tái tửu hành
Sở yêu tương tế chưởng trung khinh
Thập niên nhất giác Dương Châu mộng
Dinh đắc thanh lâu bạc hạnh danh.
Thành ra:
Lưu lạc giang hồ đã bấy lâu
Cùng người nhỏ bé ở bên nhau
Mười năm sực tỉnh Dương Châu mộng
Mang tiếng trăng hoa nghĩ lại sầu
Trong bút ký Nhà văn về làng, nhà văn Nguyễn Quang Sáng đã kể lại một câu chuyện vui liên quan đến việc dịch tiểu thuyết Mùa gió chướng của ông sang tiếng Nga. Lúc đầu có người dịch là "Mùa dịch tả"! Thật khó chấp nhận nên đành phải nhờ nhà văn, dịch giả Marian Tkachev, người rất giỏi tiếng Việt, người đã dịch những tác phẩm của Nguyễn Tuân, Nguyên Hồng sang tiếng Nga. Mùa gió chướng được chuyển ngữ sang tiếng Nga là Gió đông bắc đúng từ ngữ của nhà khí tượng nhưng vẫn đảm bảo tính văn học. Cũng rất may, trong thời gian này, ông Sáng có mặt ở Nga nên dễ dàng trao đổi với nhà văn này những từ ngữ lạ trong tác phẩm, chẳng hạn như trực thăng Mỹ mà ông Sáng viết là "cá rô, cá lẹp"!
Dịch thuật không đơn thuần là việc chuyển ngữ mà phải giúp mọi người hiểu thêm về văn hóa dân tộc hay nói một cách khác là người dịch có sự tự do sáng tạo trong giới hạn của nguyên tác để tạo nên một bản dịch lý tưởng đến với công chúng. Phương châm của văn hóa dịch thuật nên được hiểu là: Hiểu người - cảm thành của mình - diễn đạt cho người đọc, nghe cảm được. Dịch sao cho truyền cảm, trung thành với nguyên bản, vẫn đúng ý tác giả. Hiệu quả cuối cùng của bản dịch là được người đọc, người nghe chấp nhận và cảm thụ theo cùng tần số với tác giả và dịch giả.
* Nhân đọc bài viết Một đời người một rừng cây' có lời tiếng Anh, Pháp trên Báo Thanh Niên số ra ngày 23.6.2023.
Bình luận (0)