Ngày 4.2 vừa qua, Viện Nghiên cứu quốc gia về khoa học biển của Pháp (Institut Français de Recherche pour l'Exploitation de la Mer, gọi tắt là IFREMER) đăng một loạt thông báo trên PubPeer, một diễn đàn bình duyệt hậu xuất bản, bày tỏ nhiều quan ngại liên quan đến việc một tác giả có địa chỉ làm việc tại Trường ĐH Tôn Đức Thắng mạo danh nhà nghiên cứu của viện này trong 9 bài báo khoa học công bố trên nhiều tạp chí.
Hình ảnh Tim Chen trên website Khoa CNTT của Trường ĐH Tôn Đức Thắng trong bản tin về một sinh hoạt học thuật của khoa do Tim Chen chủ trì ngày 29.10.2018 |
CHỤP MÀN HÌNH |
Tự bịa thêm đồng tác giả là nhà khoa học ở đơn vị danh tiếng
Theo IFREMER, từ tháng 12.2018 - 12.2019, tác giả mang tên Tim Chen làm việc tại Khoa CNTT, Trường ĐH Tôn Đức Thắng, sử dụng địa chỉ thư điện tử học thuật [email protected], đã tự ý đưa tên và địa chỉ của nhà nghiên cứu Bertrand Chapron tại IFREMER vào 9 bài báo mà Tim Chen là tác giả chính (tác giả đầu và/hoặc tác giả liên hệ). Theo thông báo của IFREMER, Bertrand Chapron chưa bao giờ tham gia vào các nghiên cứu về CNTT của Tim Chen, vốn hoàn toàn nằm ngoài lĩnh vực chuyên môn về khoa học biển của Bertrand Chapron. Nhà nghiên cứu tại IFREMER cũng chưa từng liên lạc với Tim Chen dưới bất kỳ hình thức nào và chưa bao giờ cho phép Tim Chen đưa tên ông vào danh sách tác giả các bài báo.
Ngoài Bertrand Chapron, một nhà nghiên cứu khác về khoa học biển là Alexander Babanin ở ĐH Melbourne, Úc, cũng bị Tim Chen tùy tiện biến thành đồng tác giả với mình ở 6 trong số 9 bài báo kể trên.
Mạo danh tác giả và/hoặc địa chỉ làm việc tại các cơ sở nghiên cứu uy tín như IFREMER hay ĐH Melbourne không phải hiện tượng mới trong giới khoa học. Đây là chiêu trò gian lận nhằm lợi dụng uy tín học thuật của các cơ sở nghiên cứu danh tiếng, qua đó đánh vào thiên kiến tự nhiên của ban biên tập tạp chí và chuyên gia bình duyệt, để một bài báo dễ được chấp nhận công bố hơn.
Một đoạn trích của IFREMER trên PubPeer về việc Tim Chen mạo danh hai nhà nghiên cứu Bertrand Chapron và Alexander Babanin |
“Nhà khoa học” Tim Chen là ai ?
Theo các thông tin được công khai trên trang web của Trường ĐH Tôn Đức Thắng, chúng tôi nhận thấy có tên Tim Chen trong danh sách giảng viên cơ hữu trong đề án tuyển sinh ĐH của trường này các năm 2019, 2020, 2021, với ngành/trình độ chủ trì giảng dạy để làm căn cứ tính chỉ tiêu tuyển sinh là kỹ thuật phần mềm.
Theo hồ sơ trong cơ sở dữ liệu học thuật Scopus, các công bố khoa học của Tim Chen chỉ mới bắt đầu xuất hiện từ năm 2018 với cả 4 bài báo đăng vào năm đó đều ghi địa chỉ duy nhất là Trường ĐH Tôn Đức Thắng. Cho đến nay, Tim Chen đã công bố hơn 50 bài báo ghi địa chỉ Trường ĐH Tôn Đức Thắng. Tuy nhiên, thông tin về lai lịch, hồ sơ học thuật của Tim Chen hoàn toàn trống trơn, vì thế không ai có thể xác định người này đã được đào tạo ở đâu hay từng làm việc cho đơn vị nào trước khi đầu quân cho Trường ĐH Tôn Đức Thắng. Nhưng có vẻ Tim Chen là một nhân vật có thật ở Trường ĐH Tôn Đức Thắng, vì trên website Khoa CNTT của trường đăng tải thông tin về một sinh hoạt học thuật của khoa do Tim Chen chủ trì ngày 29.10.2018, với nội dung chuyên đề về “những trải nghiệm của GS Tim Chen trong quá trình hướng dẫn học viên, sinh viên tại các nước”. Trong bản tin đó, Tim Chen có danh xưng là “giáo sư”.
Nhưng trong các bài báo quốc tế mà Tim Chen là tác giả, người này còn khai một số địa chỉ làm việc khác, trong đó có Caltech, một ĐH danh tiếng hàng đầu thế giới tại Mỹ. Tuy nhiên danh sách nhân sự của Khoa Kỹ thuật và Khoa học ứng dụng thuộc Caltech (địa chỉ mà Tim Chen ghi trong một số bài báo), không có bất kỳ ai tên là Tim Chen.
Khai man địa chỉ
Trong 9 bài báo mà Tim Chen có mạo danh Bertrand Chapron của IFREMER và Alexander Babanin của ĐH Melbourne, luôn có một đồng tác giả khác cũng giữ vai trò tác giả chính, đó là C.Y.J.Chen. Địa chỉ làm việc của C.Y.J.Chen liên tục thay đổi qua mỗi bài báo. Trong 9 bài báo này, C.Y.J.Chen sử dụng luân phiên 2 trong số các địa chỉ là 7 cơ sở nghiên cứu tại 7 quốc gia, vùng lãnh thổ: ĐH King Abdulaziz (Saudi Arabia), ĐH Maryland (Mỹ), ĐH Covenant (Nigeria), Viện Nghiên cứu kỹ thuật công nghiệp (Đài Loan), ĐH BRAC (Bangladesh), ĐH Công nghệ Papua New Guinea, ĐH Staffordshire (Anh).
Khi kiểm tra nơi làm việc của C.Y.J.Chen ghi trong nhiều bài báo khác, IFREMER thống kê người này dùng tới 29 địa chỉ là các trường đại học và viện nghiên cứu khác nhau tại 15 nước trong số ít nhất 66 bài báo đứng tên chung với Tim Chen công bố từ 2018 - 2021.
Trường ĐH Tôn Đức Thắng nói gì ?
Phóng viên Thanh Niên đã liên hệ với Trường Tôn Đức Thắng để tìm hiểu về tác giả Tim Chen. Đại diện Ban truyền thông và quan hệ công chúng của Trường Tôn Đức Thắng cho biết ngắn gọn như sau: “Ông Tim Chen có hợp đồng làm việc với trường từ tháng 8.2018. Tuy nhiên, do phát hiện ông có dấu hiệu vi phạm các quy định của nhà trường về liêm khiết trong nghiên cứu khoa học, nhà trường đã kết thúc hợp đồng làm việc với ông Tim Chen từ tháng 7.2021”.
Đăng Nguyên
Cũng theo thông báo của IFREMER, trong số 9 bài báo kể trên, C.Y.J.Chen có lúc khai địa chỉ là Khoa Khoa học quản lý, ĐH Covenant, Nigeria. Tuy nhiên, ĐH Covenant không hề có khoa nào mang tên như vậy. Tương tự, địa chỉ Khoa Trí tuệ nhân tạo, ĐH Maryland, Mỹ mà C.Y.J.Chen sử dụng cũng không có thật. Địa chỉ Khoa Khoa học máy tính và kỹ thuật, ĐH BRAC, Bangladesh cũng được IFREMER xác định là không đúng. Trong bài báo Optimal Fuzzy Design of Chua's Circuit System trên tạp chí International Journal of Innovative Computing, Information and Control (tập 15, tháng 12.2019), một đồng tác giả khác của cả Tim Chen lẫn C.Y.J.Chen là Abu Abi Astolfi dường như cũng khai man nơi làm việc khi công bố địa chỉ làm việc tại Đại học Bath (Anh) nhưng theo IFREMER, ĐH Bath cho biết họ chưa từng có nhân viên nào mang tên như vậy.
Trong các bài báo đứng tên chung với Tim Chen, tác giả C.Y.J.Chen sử dụng email liên lạc là [email protected] chứ không có địa chỉ thư điện tử học thuật của các cơ sở nghiên cứu.
Từ những dữ kiện này, chúng tôi không loại trừ khả năng C.Y.J.Chen là một cái tên giả mạo, có thể do chính Tim Chen bịa ra nhằm bán bài báo, tạo thành tích ảo cho các trường mua bài, hoặc khai man địa chỉ của các trường ĐH hay viện nghiên cứu uy tín.
Đạo văn
Không chỉ vậy, Tim Chen còn đạo văn trong đa số bài báo mà người này đứng tên tác giả chính. Khi sử dụng phần mềm kiểm tra đạo văn thông dụng Compilatio, IFREMER phát hiện đạo văn ở 6 trong số 9 bài báo kể trên với tỷ lệ trùng lặp với các tài liệu khác dao động từ 13 - 49%.
Một bài báo của nhóm Tim Chen và C.Y.J.Chen bị phần mềm Compilatio phát hiện có tới 49% nội dung trùng lặp với một bài khác cũng của nhóm này, thậm chí hai bài có cùng tiêu đề. Những tác giả của 2 bài này đều khác nhau, trừ 2 nhân vật “cốt lõi” là Tim Chen và C.Y.J.Chen. Tuy nhiên, địa chỉ của 2 nhân vật “cốt lõi” này lại thay đổi ở mỗi bài. Một bài Tim Chen dùng 4 địa chỉ, trong đó có Trường ĐH Tôn Đức Thắng, còn trong bài kia Tim Chen lại khai 2 địa chỉ, trong đó có ĐH Purdue, Mỹ. TS Dương Tú, một trong 2 người viết bài báo này, hiện đang làm việc tại chính ĐH Purdue đã kiểm tra và biết chắc chắn Tim Chen khai man địa chỉ ĐH Purdue.
* (Bài viết là của cá nhân các tác giả, không phản ánh quan điểm của nơi tác giả làm việc).
Bình luận (0)